Tin địa phương

Xẻ dọc non cao đi… dạy học

Ở đâu đó giáo dục còn có tiêu cực, còn phải nêu khẩu hiệu để bàn, để chống các mặt trái, làm hình ảnh thầy cô giáo nhạt nhòa thì tôi tin rằng những ngàn non tôi đã đi qua hình ảnh giáo viên vẫn rực rỡ và được người dân coi trọng nhất. Ở những nơi này, vị thế thầy cô giáo được các em đưa lên vị trí thứ hai sau bố mẹ mình vì họ đóng góp, đến với học sinh bằng sự yêu thương và bằng sự kính trọng đối với nghề của mình.

Đưa trường vào rừng thẳm

Bằng sự vượt khó của thầy cô giáo, trường Dân tộc Nội trú Bố Trạch đã được dựng lên giữa đại ngàn. Ảnh Phương Nguyên.

Con đường 20 huyền thoại từ Động Phong Nha – Kẻ Bàng của huyện Bố Trạch (Quảng Bình) lên xã miền núi phía Tây có tên Thượng Trạch đến nay vẫn là con đường khó đi trong những cung đường mà tôi đã đi qua.

Ấy thế mà đợt lên này, gặp ông Đinh Hợp, Chủ tịch xã ở cái vùng xa ngất, ông bảo chả ai bằng các thầy cô giáo cả. Họ đã tìm lên, đã “đánh bạn” với con em người Ma Coong, dạy chữ cho chúng nó từ lâu lắm rồi!

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Bố Trạch của tỉnh Quảng Bình có lẽ là ngôi trường huyền thoại và cũng đặc biệt nhất của nước ta. Là trường nội trú, nhẽ ra, theo thông thường phải đặt ở huyện, nhưng trường này, lạ thay được đặt ở trong xã.

Cũng theo ông Đinh Hợp, sở dĩ có cái đặc thù như vậy là vì giáo dục nơi đây, các thầy cô nơi đây quý và thương học trò như con em của chính mình. Đưa trường vào đây, nghĩa là sẽ tạo cho trường gần các em, các em đỡ khổ. Và để đổi lại cho cái sự không vất vả của học sinh này lại là sự khổ của các thầy cô giáo.

Trước đây, như thường lệ, Trường Dân tộc Nội trú của huyện Bố Trạch được đặt ở dưới trung tâm huyện. Mỗi tuần, huyện cắt cử một chuyến xe tải dã chiến lên để đón các em ở hai xã vùng sâu, xa nhất của huyện là Tân Trạch và Thượng Trạch về học. Tạo điều kiện là thế, nhưng do đi lại trên con đường có một không hai này học sinh đã sợ và bỏ rất nhiều. Trường vắng, lớp vắng, có thời Trường Dân tộc Nội trú này của huyện gần như bị xóa sổ.

Sau rất nhiều tính toán, vì học sinh và sự khai sáng cho các lớp trẻ nơi sát biên giới Việt – Lào này, huyện đã quyết định đưa trường lên đây. Đưa trường lên, thuận cho học sinh nhưng lại sợ không có thầy. Nhưng lạ thay, khi đưa ra ý kiến thăm dò thì đã không ít thầy cô giơ tay quả quyết lên đất khó này với học trò. Thế là trường có thầy, có cô, có trò, tiếng trống vang lên giữa đại ngàn và tíu tít những bước chân trẻ.

Thầy Nguyễn Văn Thanh – Một người có thâm niên và sở trường đi lại trên con đường gian khó này bộc bạch: Có lẽ không ở đâu sự vất vả của thầy cô giáo lại có thể cô đọng như những người làm nghề dạy học ở đây. Phần lớn 18 thôn bản của Thượng Trạch này dân đều lạc hậu. Dân lạc hậu lên dẫn đến trình độ và sự thích nghi của trò cũng không cao. Các em dè dặt, sợ sệt và sống hết sức bản năng. Vậy nên để đưa được cái chữ đến với học sinh thì giáo viên ở đây phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai thao tác: Vừa dậy – Vừa dỗ trò. Nếu không kết hợp được hai yếu tố này thì học sinh sẽ bỏ trường, bỏ lớp về bản ngay.

Giáp biên giới Việt – Lào nên khí hậu ở đây cơ cực vô cùng. Mùa mưa thì ầng ậc nước, mùa khô đến thì gió Lào ràn rạt quất, thêm đó là cảnh thiếu nước sinh hoạt. Ấy thế mà ngày nào cũng vậy, ngoài sách vở thì thầy cô nơi đây lại quẩy, lại kín nước, lại giục học trò ra tắm rửa. Không những chỉ dậy chữ, dậy cách làm người mà thầy trò nơi đây còn phải dậy các em đến cả các phương pháp vệ sinh cho đúng, cho khoa học.

Dậy và dỗ vất vả là vậy nhưng những cái cho cuộc sống của mình thầy cô giáo nơi đây cũng trăm lần cơ cực. Nhưng kì lạ thay, vượt lên tất cả những gian khó ấy, vì học sinh, vì tương lai một vùng đất, phòng học đã được xây dựng và thu hút hàng trăm học sinh tìm đến theo học.

Bằng sự hy sinh đúng chất và đúng nghĩa nhất của những người thầy, người cô, từ cuộc sống gần như tự cung tự cấp và phụ thuộc vào tự nhiên thì nay Thượng Trạch đã có những học sinh vượt núi ra phố thị học ở những trường cao đẳng, trung học và chuyên nghiệp dậy nghề. Và trong mắt các em học sinh nơi đây, tôi tin, hình ảnh người thầy, người cô vẫn là những gì thiêng liêng và thanh khiết nhất.

Tình thầy ở Mo – Ray

Nhờ những tâm huyết của cô giáo Y Xuyên, Thầy Tình mà nhiều trẻ em người Rơ – Mâm ở vùng ngã ba biên giới xã Mo Ray đã được đến trường .Ảnh Phương Nguyên

Vượt qua 30 km đường ràn rạt tre nứa, xuyên qua đại ngàn của rừng quốc gia Chư – Mo – Ray là đến với xã Mo – Ray. Đường cũng cơ cực và hoang vắng lắm; nhưng giữa đại ngàn này, lòng chúng tôi lại ấm lên khi hình ảnh người thầy, người cô lại tiếp tục được tôn vinh giữa đại ngàn. Không vương vấn trong mình một chút gì, chỉ trò, thầy và dậy lên hình ảnh ngươi thầy người cô nơi đây đã sáng bừng trong lòng dân.

Trước Mo – Ray, một xã nằm ở ngã ba biên giới Việt – Lào – Campuchia này cũng heo hút lắm. Đồng bào Rơ – Mâm, một dân tộc duy nhất nơi đây đã có một cuộc sống hết sức tự nhiên, phụ thuộc vào rừng, bần cùng, đói kém và lạc hậu. Để giữ vững vùng phên dậu, đầu tiên là bộ đội tìm lên, sau bộ đội lại là… thầy cô giáo.

Cũng lại vì nghề, vì nghiệp, vì cái sự thiêng liêng cao quý của nghề mà bao thế hệ thầy cô trẻ trung, chân trần đã đi bộ cả vài ngày đường lên đây tìm trò, mở lớp dậy học. Từ những ngôi trường mái tranh, vách liếp, rắn, rết còn bò vào lớp học, bằng sự kiên nhẫn của mình, “lớp cha trước, lớp con sau” của cái nghiệp phấn trắng bảng đen nơi đây mà giáo dục Mo – Ray đã ngày một lấn lướt sự lạc hậu bằng con chữ của mình.

Vài chục năm cần mẫn, miệt mài đóng góp như vậy, hiện nay các thế hệ những thầy, cô giáo trẻ vẫn miệt mài lên đây tìm trò để dậy, để cống hiến, để làm rạng danh tiếp cái nghề của mình. Trong ngôi trường nội trú do Công ty 78 dựng lên, nằm giữa bát ngát giữa đại ngàn, chả ai ngờ cô giáo trẻ có tên Y Xuyên lại cả gan bỏ phố huyện náo nhiệt Ngọc Hồi để lên đây dậy học.

Tuổi xuân, chấp nhận khó khăn, chấp nhận thua thiệt với cánh bạn cùng trang lứa, Xuyên lên đây với một ước muốn là được đóng góp, được cống hiến cho ngành. Khi được hỏi, không chút lưỡng lự, Xuyên cho biết: Em học ngành sư phạm mà. Dưới huyện, cũng có thể xin được nghề khác nhưng em không muốn vì em thích dậy học. Mà muốn được dậy học thì phải lên đây.

Cũng như cô giáo trẻ Y Xuyên, thầy giáo trẻ Lê Quý Tình cũng vì lòng yêu nghề và ước muốn được đứng trên bục giảng cũng đã vượt hàng chục km đường rừng, từ Ngọc Hồi để lên đây dạy học. Lại với nhiều thứ cùng như cùng ăn, cùng ở, cùng dạy, cùng lao động, không một chút so sánh, không một sự lựa chọn khó dễ, chỉ vì nghề, được cống hiến và truyền thụ kiến thức mà Tình đã ở lại miền đất khó này đến cả vài năm rồi. Khi được hỏi dự định cho thời gian tới, không chút đắn đo, Tình bảo: Ở đâu có trò, ở đó có em!

Bình dị mà cao quý, yêu nghề và trọng nghề. Những thầy cô như thầy Thanh, cô Xuyên và kể cả thầy giáo Lê Quý Tình kia nữa đang góp sức để làm cho cái nghề “cao quý trong tất cả các nghề cao quý” ngày càng cao quý hơn!

Tác giả: Đơn Thương

Nguồn tin: Báo điện tử Công Luận

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP