Những năm qua, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở xã Văn Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã phát triển sâu rộng, toàn diện; góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống cho người dân.
Phong trào thể dục thể thao phát triển mạnh |
Xác định phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là tiêu chí quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, cấp ủy, chính quyền xã Văn Thủy đã tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao giá trị kinh tế.
Là địa phương vùng gò đồi nên nông dân Văn Thủy dựa vào lợi thế này để phát triển kinh tế rừng và đầu tư chăn nuôi. Hiện toàn xã có 90% số hộ có rừng với diện tích chăm sóc, bảo vệ 654ha, trong đó có gần 230ha rừng thông, cao su đang trong thời gian khai thác; số còn lại là rừng trồng tập trung.
Nếu như trước đây chỉ trồng cây bạch đàn, keo tai tượng theo tập quán cũ, năng suất thấp, chu kỳ thu hoạch kéo dài thì nay bà con đã có kinh nghiệm, lựa chọn loại cây keo lai giâm hom đưa vào trồng nên mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí cũng thấp hơn. Cứ 1 ha rừng trồng 4 năm sẽ cho khai thác, đem về thu nhập cho người dân 35 - 40 triệu đồng.
Văn Thủy có 2 trang trại lâm nghiệp của hai ông Trần Công Thận và Cao Xuân Phùng, quy mô mỗi trang trại gần 30 ha rừng. Ở thôn Xuân Giang có mô hình của bà Phạm Thị Sen, trồng 25 ha rừng kinh tế và 2 ha cao su, mang lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động.
Cùng với phát triển kinh tế rừng, Văn Thủy cũng đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; hàng chục trang trại, gia trại đã được đầu tư xây dựng quy mô để chăn nuôi ong, trâu, bò, lợn, gà, thỏ... Xã cũng đã mạnh dạn chuyển đổi 35 ha đất trồng thông, sắn, lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột đỏ, cam mật, ổi Thái Lan, nghệ, gừng, ngô, lạc...
Người dân mạnh dạn chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng nghệ |
Bên cạnh phát triển kinh tế, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa đi vào chiều sâu. Cấp ủy, chính quyền xã đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền trên loa phát thanh, trong các cuộc họp xóm, qua các hội nghị, bằng băng rôn, khẩu hiệu, tài liệu phát đến tận hộ gia đình... để người dân nắm rõ nội dung, mục đích, ý nghĩa của phong trào.
Phong trào thể dục thể thao cũng được xã đẩy mạnh theo hướng xã hội hóa, thu hút mọi lứa tuổi tham gia. Các hoạt động bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng... phát triển mạnh. Toàn xã hiện có hơn 335 gia đình thể thao, chiếm 40% tổng số hộ, có hơn 1.300 người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên...
Tác giả: NGUYỄN TRUNG HIỂU
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam