Đồ Sơn có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Trong ảnh: Đảo Dáu, Đồ Sơn. Ảnh: Đàm Thanh |
Đầu tư cho các sản phẩm du lịch
Đồ Sơn là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế với các ngành mũi nhọn là du lịch - dịch vụ và kinh tế biển. Trên địa bàn quận Đồ Sơn có nhiều công trình văn hóa, lịch sử và tâm linh như tháp Tường Long - chùa Tháp, chùa Hang, đền Nam Hải Thần Vương... Nhiều di tích lịch sử xếp hạng quốc gia và thành phố như Bến tàu không số, di tích bến Nghiêng...
Bên cạnh đó, Đồ Sơn cũng tổ chức nhiều hoạt động thường niên thu hút du khách như Liên hoan du lịch Đồ Sơn, phố đi bộ, liên hoan diễn xướng hầu đồng, lễ hội chọi trâu, lễ hội đảo Dấu... Năm 2022, quận đón gần 2 triệu lượt khách du lịch, vượt chỉ tiêu kế hoạch 20,6%, tăng 50,39% so với năm 2021. Trong năm 2023, Đồ Sơn phấn đấu thu hút 2,5 triệu lượt khách.
Công tác chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị được tập trung triển khai, nâng cấp với tổng mức đầu tư khoảng 1.751 tỷ đồng. Nhiều dự án trọng điểm đã được triển khai như: tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường nối từ đường bộ ven biển đến ngã ba Vạn Bún, Dự án Khu phức hợp du lịch, nhà ở thương mại, vui chơi giải trí quốc tế và mở rộng sân golf của Tập đoàn BRG... Tất cả đã từng bước góp phần thay đổi diện mạo và mở rộng không gian đô thị quận, tăng kết nối liên vùng, thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch - dịch vụ.
Ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết, quận liên tục phối hợp với ngành du lịch để tổ chức kết nối với các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp để đưa đoàn đến khảo sát sản phẩm du lịch đặc trưng của Đồ Sơn. Thông qua những sự kiện này, quận mong muốn doanh nghiệp lữ hành sẽ xây dựng tour du lịch kéo dài thời lưu trú, trải nghiệm của du khách tại đây.
Dự kiến cuối tháng 5 này, quận Đồ Sơn sẽ chính thức khai trương Cổng Du lịch thông minh (Smart Tourist), có thể kết nối bằng điện thoại thông minh. Smart Tourist cung cấp thông tin, địa chỉ điểm đến, di tích lịch sử, văn hóa, khu, điểm du lịch, cơ sở du lịch, dịch vụ, lưu trú trên địa bàn, hướng dẫn thanh toán trực tuyến...
Nâng tầm du lịch Đồ Sơn tương xứng với tiềm năng, lợi thế
Theo Quyết định số 323/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng quy hoạch mạng lưới du lịch đến năm 2030 có đủ khả năng đáp ứng cho 30 - 35 triệu lượt khách, đến năm 2040 khoảng 35 - 40 triệu lượt. Khu du lịch - dịch vụ Đồ Sơn sẽ phát triển thành trung tâm du lịch quốc tế với thể thao, vui chơi giải trí, tín ngưỡng và các lễ hội biển.
TP. Hải Phòng xác định rõ định hướng phát triển du lịch bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực, có tính chuyên nghiệp, chất lượng cao, đa dạng, khác biệt, thân thiện với môi trường, nhất là du lịch cao cấp; hình thành các khu du lịch biển tầm cỡ quốc gia và quốc tế như Đồ Sơn, Cát Bà.
Nhằm cụ thể hóa dần mục tiêu đó, Đồ Sơn đã và đang mời gọi được các nhà đầu tư lớn đến đầu tư, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo. Trong đó, có thể kể đến Dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng (khoảng 480 ha), do Công ty cổ phần Đầu tư và du lịch Vạn Hương làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 25.000 tỷ đồng, gồm khách sạn 5 sao, tổ hợp vui chơi giải trí, công viên nước, quần thể sân golf 27 hố cùng nhiều hạng mục khác...
Nhiều dự án lớn cũng đã và đang được đầu tư, như Khu du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dáu, Dự án mở rộng Sân golf Đồ Sơn; Khu nghỉ dưỡng cao cấp Oriental Beach và sân golf quốc tế 18 hố Đồ Sơn... Các dự án này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng tầm du lịch Đồ Sơn tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.
Cùng với đó, Đồ Sơn sẽ tiếp tục khai thác hiệu quả lợi thế về du lịch sinh thái, tâm linh đảo Dáu - nơi có đền thờ Nam Hải Thần Vương. Đảo còn có quần thể thực vật phong phú, trong đó, quần thể Đa búp đỏ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam có niên đại từ 300 - 700 năm...
Chia sẻ về định hướng phát triển du lịch Đồ Sơn trong thời gian tới, bà Bùi Thị Hồng Vân, Bí thư Quận ủy Đồ Sơn cho biết: “Địa phương sẽ phát huy những tiềm năng, lợi thế của mình về phát triển du lịch biển và du lịch văn hóa, lịch sử; tăng cường liên kết vùng, gắn kết với hoạt động du lịch Cát Bà, Hạ Long và vùng Bắc bộ. Từng bước xây dựng Khu du lịch - dịch vụ Đồ Sơn thành trung tâm du lịch quốc tế với thể thao, vui chơi, giải trí, tín ngưỡng và các lễ hội biển”.
Bên cạnh đó, Đồ Sơn sẽ khai thác mọi nguồn lực, thu hút đầu tư để phát triển các sản phẩm du lịch mới như thể thao mặt nước, trung tâm huấn luyện thể thao - cứu hộ, du lịch biển, bảo tàng biển, khu dịch vụ, cáp treo, xây dựng các trung tâm biểu diễn, phục vụ hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế để thu hút khách du lịch quanh năm.
Tác giả: Thanh Sơn
Nguồn tin: Báo Đầu tư