Trong nước

Xả thải thẳng ra biển, nếu có sai lầm sẽ không dừng được!

“Việc xả thải cắm thẳng ra biển có được giám sát hay không giám sát trong quá trình xây dựng? Chuyện chấp nhận đường ống xả thải ra sông Quyền và đường ống xả thải ra biển là hai tư duy hoàn toàn khác nhau. Xả ra biển nguy hiểm hơn xả thải ra sông. Xả thải trực tiếp ra biển không dừng được nếu có sai lầm” - GS Đặng Hùng Võ đặt vấn đề.


GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Ảnh: T.K)

Tại buổi tọa đàm “Chất thải công nghiệp: Hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức sáng nay 10/5, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - khẳng định, ông ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khi cho rằng pháp luật hiện hành của Việt Nam không cho phép đặt đường ống xả thải ngầm ra biển.

“Nhưng trước đó tại sao một Thứ trưởng lại phát biểu khác (phát biểu của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định việc xả thải ngầm của Formosa là đúng quy định - PV)? Chính phát biểu đó đã tác động mạnh vào người nghe, quần chúng nhân dân, chuyên gia và giới học thuật”- GS Võ nói.

GS Võ băn khoăn không hiểu thông tin mà Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đưa ra được nghe ở đâu, bởi thông tin từ báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) mà báo chí phản ánh không có chuyện đường ống ngầm xả thải ra biển, mà có đường ống xả ra sông Quyền. Nếu xả ra sông Quyền thì có thể kiểm soát ô nhiễm môi trường tốt hơn là xả ra ngoài biển.

“Việc xả thải cắm thẳng ra biển có được giám sát hay không giám sát trong quá trình xây dựng, cái đó Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh phải nắm được. Tại sao lại có sự xảy ra khác với giải pháp nêu ra trong ĐTM? Rõ ràng câu chuyện kiểm soát ở đây đang có cái gì đấy thiếu sót. Chuyện chấp nhận đường ống xả thải ra sông Quyền và đường ống xả thải ra biển là hai tư duy hoàn toàn khác nhau. Xả ra biển nguy hiểm hơn xả thải ra sông Quyền. Xả thải trực tiếp ra biển là nguy hiểm hơn, không dừng được nếu có sai lầm”- nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu quan điểm.

Khẳng định các vấn đề liên quan đến hệ thống giám sát, kiểm soát, kiểm tra, thanh tra về môi trường đang có vấn đề lớn, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, dù chưa có chứng cứ nhưng trong đầu ông vẫn cứ tư duy liệu có vấn đề gì tham nhũng ở đây không? Liệu có chuyện nhận lót tay để đồng ý về việc xử lý xả thải theo kiểu này? “Tôi cho rằng đấy là một câu hỏi mà chúng ta có quyền đặt ra. Với tham nhũng môi trường tôi cho rằng tham nhũng hôm nay 1 đồng thì vài chục năm sau chúng ta phải trả hàng tỉ đồng. Tham nhũng trong môi trường sẽ để lại hậu quả cực kỳ lớn, con cháu chúng ta phải trả giá”- ông Võ thẳng thắn.

Vị giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực đất đai, môi trường đánh giá việc giám sát kiểm tra, thanh tra, quan trắc môi trường ở Việt Nam đang thiếu tính hệ thống.

“Bây giờ chúng ta mới yêu cầu kết nối nguồn xả thải ra với hệ thống quan trắc môi trường của Hà Tĩnh, còn trước đây họ xả thải ra cái gì chúng ta không biết. Tất cả mọi chuyện chúng ta không hề hay biết thế nào cả. Chắc chắn câu chuyện kiểm tra, giám sát, thanh tra đặt ra trong hệ thống pháp luật khá chu đáo nhưng thực hiện trong thực tế qua vụ việc Formosa đã cho thấy rằng rất rời rạc, gần như không có kết nối giữa trung ương với địa phương, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm không kết nối với nhau”- Ông Võ khẳng định tiếp - “Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh đang thể hiện cái gì đấy hơi thiếu trách nhiệm”.

GS Đặng Hùng Võ kiến nghị cơ quan chức năng phải tiến hành rà soát để không thể có cơ hội xảy ra ô nhiễm môi trường như vừa qua nữa. Hệ thống kiểm soát, thanh tra, kiểm tra phải kết nối thành một hệ thống thì mới có mặt bằng giám sát toàn bộ.

Bên cạnh đó, việc tham gia của người dân, các tổ chức xã hội dân sự vào giám sát môi trường là hết sức cần thiết. Tuy vậy, hiện nay duy nhất mới chỉ có Luật Đất đai có 1 điều cho phép người dân giám sát trực tiếp, còn các luật khác không có.

“Tôi đề nghị Quốc hội bổ sung ngay một điều vào Luật Bảo vệ môi trường mới được thông qua. Môi trường liên quan tới toàn dân”- ông Võ đặt vấn đề.

Mặc dù, Luật Bảo vệ môi trường đưa ra quy hoạch môi trường là một thành phần của quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, nhưng GS Võ khẳng định đến nay quy hoạch phát triển kinh tế xã hội chưa làm về quy hoạch môi trường.

“Chúng ta đã quy hoạch khoảng 60 khu kinh tế ven biển và cửa khẩu. Các khu kinh tế mới thiên về yếu tố phát triển kinh tế chứ chưa đề cập tới vấn đề môi trường. Đặc biệt việc phát triển các nhà máy lọc dầu hiện nay đều nằm ở khu kinh tế ven biển. Xả thải ở nhà máy lọc dầu chắc chắn cực kỳ lớn, nguy hiểm”- ông Võ phân tích.

Công nghiệp thép, nhiệt điện cũng đều đặt ven biển, nguồn xả thải ảnh hưởng trực tiếp tới biển. Ông Đặng Hùng Võ cho rằng rõ ràng về quy hoạch chúng ta chưa cân nhắc các yếu tố giải pháp môi trường mà chỉ nóng lòng phát triển kinh tế. Chúng ta chưa có ý thức về thảm họa môi trường.

Và GS Đặng Hùng Võ khẳng định, sự việc cá chết hàng loạt ở miền Trung vừa qua đã đặt ra cho nhà quản lý ý thức hơn về hậu quả của một thảm họa môi trường.

Tác giả bài viết: Thế Kha (lược ghi)

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP