Tổng thống Nga Putin (phải) và Chủ tịch FIFA Gianni Infantino tại Đại hội FIFA ở Moskva ngày 13/6. Ảnh: AFP. |
Năm 2010, khi đang nỗ lực giành quyền đăng cai World Cup năm 2018, Nga nói rằng việc tổ chức giải đấu sẽ biến họ thành "đất nước hoàn toàn khác" và "người dân sẽ trở thành anh chị em với toàn thể gia đình thế giới", theo NYTimes.
Tuy nhiên, 4 năm sau, căng thẳng giữa Nga với phương Tây dâng cao sau khi nước này sáp nhập Crimea, vụ rơi máy bay MH17, việc Nga hậu thuẫn Tổng thống Syria Bashar al-Assad và bị cáo buộc can thiệp vào các cuộc bầu cử phương Tây. Vladimir Frolov, nhà phân tích độc lập, nói rằng sau khi Putin trở lại ghế tổng thống năm 2012, chính sách đối ngoại của Nga không phải là hòa nhập với các cường quốc khác mà giống như "con mèo đi một mình".
Tuy nhiên, Nga vẫn muốn thể hiện họ sở hữu sức mạnh của một cường quốc. Họ không thể thể hiện điều đó qua quân sự hay tài chính vì khó khăn về kinh tế. Các sự kiện thể thao lớn là công cụ thay thế hợp lý. Các giải đấu như Olympic mùa đông ở Sochi 2014 và World Cup 2018 đã đưa Nga vào vai trò của một cường quốc toàn cầu, giúp củng cố niềm tự hào dân tộc và xóa nhòa quan điểm rằng phương Tây cô lập Nga thông qua các biện pháp trừng phạt quốc tế, trục xuất nhà ngoại giao và các biện pháp khác.
Gleb Pavlovsky, nhà phân tích chính trị và cựu cố vấn cho Điện Kremlin nhận định: "Chúng ta đang trải qua giai đoạn bị cô lập và điều quan trọng đối với Nga là thể hiện chúng ta vẫn là thành viên của câu lạc bộ các cường quốc".
Các sự kiện thể thao lớn cũng phản ánh hình ảnh Putin mong muốn về Nga. "Việc thể hiện sức mạnh, quyền lực và thành công tập thể rất quan trọng đối với ông ấy",. Lev D. Gudkov, giám đốc trung tâm thăm dò dư luận Levada nói.
Tuy nhiên, Olympic mùa đông năm 2014 tại Sochi không thực sự đạt được hiệu quả. Các lãnh đạo phương Tây không tham dự, kỷ lục huy chương của Nga sau đó bị bác bỏ vì cáo buộc vận động viên sử dụng doping. World Cup giờ đây cho họ một cơ hội khác. Căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu về thương mại nổ ra tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada tuần trước cũng là một yếu tố có lợi cho Nga.
Trump ngày 9/6 từ chối ký tuyên bố chung của hội nghị G7, ông và các cố vấn sau đó chỉ trích Thủ tướng Canada Justin Trudeau là "phản bội" và "đâm sau lưng". Ông còn đăng một loạt tweet nhắm vào Canada, Đức và Liên minh châu Âu (EU), cáo buộc họ thực hành thương mại không công bằng và không chi đủ cho an ninh.
Trump dường như đã rất bực bội về bình luận của Trudeau trong cuộc họp báo khi Thủ tướng Canada chỉ trích việc Trump lấy lý do an ninh quốc gia để lý giải việc áp thuế đối với hàng nhập khẩu thép và nhôm. Trudeau cho rằng quyết định đó "xúc phạm" những cựu binh Canada đã sát cánh bên đồng minh Mỹ trong nhiều cuộc chiến.
Tuần trước, khi được hỏi về căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu, Putin nói rằng ông từ lâu đã cảnh báo các lãnh đạo châu Âu về việc Mỹ mở rộng thẩm quyền của mình ra nước ngoài thông qua các lệnh trừng phạt và các biện pháp khác nhưng không lãnh đạo châu Âu nào "làm gì để ngăn chặn xu hướng này".
Putin gần đây tìm cách thể hiện Nga là người bạn đáng tin cậy của châu Âu. Các lãnh đạo dân túy ở Hy Lạp, Hungary, Italy và Áo có những động thái giao hảo với Putin. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều đến thăm Nga vào tháng 5 để thảo luận về việc cứu vãn thỏa thuận Iran. "Putin nghĩ rằng ông ấy không cần phải thay đổi", Frolov đánh giá. "Quyết định của Trump đã giảm nhẹ áp lực phải thay đổi đối với Nga. Đây là tình hình quốc tế có lợi nhất cho Nga kể từ năm 2013".
Có một số nỗ lực quốc tế nhằm duy trì áp lực với Nga trong thời gian diễn ra World Cup. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tẩy chay lễ khai mạc trừ khi Nga hành động để bảo vệ dân thường Syria. Một số nhà lập pháp châu Âu cũng kêu gọi tẩy chay World Cup vì cáo buộc Nga đầu độc cựu điệp viên hai mang tại Anh.
Tuy nhiên, Putin là gương mặt được yêu mến ở những nước đối đầu với Mỹ, vì vậy, việc tổ chức World Cup thành công có thể đem về cho Nga quyền lực mềm.
Khẩu hiệu của giải đấu "Nga không bao giờ ngủ" sẽ làm hài lòng những người hâm mộ bóng đá thích tiệc tùng. Moskva còn đang thực hiện gói sửa sang cơ sở hạ tầng hơn 3 tỷ USD để mở rộng vỉa hè, trồng cây và cung cấp các dịch vụ như cho thuê xe tay ga và thêm chữ La Mã cho biển báo của hệ thống tàu điện ngầm.
Ngoài ra, về mặt chính trị trong nước, Putin, người mới bắt đầu nhiệm kỳ thứ tư, có thể dùng World Cup để thúc đẩy tinh thần đoàn kết của người dân và sự hoài niệm về các thành tựu thời Liên Xô.
Khi Nga giành quyền đăng cai Olympic mùa đông 2014, Putin nói rằng điều đó thể hiện cách nhìn nhận của thế giới về Nga - chỉ cường quốc toàn cầu mới có thể tổ chức một sự kiện như vậy. Giờ đây, việc tổ chức World Cup cũng có thể khiến nhiều người có cái nhìn tương tự, đặc biệt là sau khi một cuộc điều tra của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) đã xác định Nga không có hành vi hối lộ trong quá trình giành quyền đăng cai.
"Điện Kremlin coi khả năng tổ chức một sự kiện quốc tế giống như chiến thắng một cuộc chiến nhỏ", Pavlovsky nói. "Đối với Điện Kremlin, quy mô là rất quan trọng. Quy mô của một sự kiện càng lớn thì quyền lực thể hiện ra càng lớn".
Hơn nữa, không thể bỏ qua thực tế rằng Putin rất yêu thể thao. Ông đã học chơi khúc côn cầu sau khi trở thành tổng thống và thường xuyên bơi lội hay cưỡi ngựa. Putin cho rằng việc tổ chức giải đấu sẽ thúc đẩy tinh thần thể thao và thể dục của người Nga và có thể nuôi dưỡng một đội bóng hứa hẹn hơn.
Thực tế, Putin thừa nhận rằng Nga không phải là một cường quốc bóng đá. Đội tuyển quốc gia của họ đứng thứ 70 trong bảng xếp hạng FIFA. Không quốc gia đăng cai World Cup nào từng có thứ hạng thấp như vậy.
Nhưng Putin có vẻ không quá quan tâm đến việc đó. Khi được hỏi bên nào sẽ giành chiến thắng, ông trả lời: "ban tổ chức".
Tác giả: Phương Vũ
Nguồn tin: Báo VnExpress