Những ngày số lượng F0 không ngừng tăng, chị Tô Thúy Hoàn (Đồ Sơn, Hải Phòng) hạn chế ra ngoài và dành nhiều thời gian trên khu vườn sân thượng.
Chia sẻ với Zing, chị Hoàn cho hay chị bắt đầu làm vườn từ khoảng 2 năm nay. Trước đó, người mẹ hai con thích trồng trọt nhưng bận kinh doanh nên không có cơ hội thực hiện.
“Chỉ tới khi bùng dịch, tôi mới có nhiều thời gian rảnh ở nhà. Xem trên mạng thấy mọi người trồng rau củ, hoa trái thích quá nên cũng thử nghiệm. Ngay lần đầu đã thành công nên tôi tiếp tục và ngày càng mở rộng”, chị nói.
Khu vườn trên sân thượng đầy rau củ, hoa trái của chị Hoàn. |
Tận dụng đồ sẵn có
Tháng 9/2020, chị Hoàn chuyển những gánh đất đầu tiên xin được khi hàng xóm đào móng nhà lên sân thượng ở tầng 2. Trên diện tích 50 m2, chị dành ra 40 m2 để trồng rau, củ.
Chị Hoàn bắt đầu từ cà chua - loại quả chị thường xuyên phải mua ở ngoài về nấu nước sốt để bán hàng. Chị chọn giống cà chua bạch tuộc của Nga.
Nhà có sẵn nhiều thùng xốp, chị Hoàn tận dụng để trồng và chỉ phải đầu tư cây giống, mua trùn quế, phân vi sinh về trộn đất. Sau đó, chị nghĩ cách dùng ròng rọc kéo đất lên cho đỡ tốn sức.
Nhờ hiểu đặc tính và cách chăm sóc, giàn cà chua sai trĩu quả. Cứ cách mấy hôm, chị lại thu hoạch được vài kg. Nhờ đó, người mẹ không phải mua cà chua bên ngoài và tiết kiệm được chi phí. Khách hàng ăn cũng khen ngon.
“Ban đầu, tôi nghĩ dịch chỉ một năm thì cứ trồng chơi khi rảnh rỗi ở nhà. Năm nay, dịch bùng mạnh hơn, tôi mở rộng vườn lên 80 m2. Tôi trồng nhiều loại như xà lách, cải kale, cải cầu vồng, mồng tơi, rau đay, rau ngót, mướp, bầu, thiên lý, đậu que… mỗi thứ một ít, chủ yếu phục vụ gia đình”, chị cho hay.
Chị Hoàn tận dụng thùng xốp, xô nhựa để trồng cây và xin dây cáp điện về làm giàn leo. |
Ngoài rau, chị Hoàn trồng cây ăn trái như dâu tây, đu đủ, dưa lê, dưa chuột và nhiều loại hoa để khu vườn thêm màu sắc.
Thay vì đầu tư tốn kém, chị Hoàn tận dụng thùng xốp, xô nhựa để trồng. Đặc biệt, các thùng được chị thiết kế thêm để vừa bền, vừa sạch sẽ.
“Bên trong thùng tôi quét xi măng, ở ngoài dán băng dính. Tôi đục cạnh thùng, cách đáy khoảng 15-20 cm, sau đó đục lỗ can nhựa, đặt xuống đáy thùng. Miệng can hướng về phía cạnh thùng đã đục, làm lối thoát cho nước, giúp rễ thông thoáng, đỡ tốn đất”, chị chia sẻ.
Chị Hoàn cũng không mua sắt hay inox để lắp giàn leo kiên cố mà xin dây cáp điện về tự làm.
Về phân bón, bà chủ vườn tận dụng rác thải nhà bếp để ủ rồi bón cho rau. Chị cũng sử dụng phương pháp tự nhiên để hạn chế nấm bệnh như cắt lá vàng, bắt sâu, bổ sung dinh dưỡng cho cây.
Theo chị Hoàn, trồng trọt ở sân thượng thuận lợi hơn so với dưới mặt đất nhờ không gian thoáng, nhiều ánh sáng tự nhiên. Để vườn xanh tốt, người trồng cần lựa vị trí trồng và chăm sóc phù hợp với đặc tính từng loại cây.
|
|
Ngoài rau, chị Hoàn trồng cây ăn trái và nhiều loại hoa để khu vườn thêm màu sắc. |
Sống khỏe hơn
Từ khi có khu vườn trên sân thượng, chị Hoàn thấy cuộc sống thay đổi tích cực. Cả nhà không phải mua rau củ bên ngoài mà luôn sẵn thực phẩm sạch, tươi ngon.
Nhiều khi ăn không hết, chị còn mang biếu người thân, bạn bè thưởng thức.
Việc chăm vườn, mỗi ngày, chị Hoàn chỉ dành một tiếng vào mỗi buổi sáng, chiều để tưới nước, bắt sâu…
Điều khiến chị đau đầu là khí hậu ở Đồ Sơn không thật sự thuận lợi, gió biển đưa sương muối vào khiến cây dễ bị chết.
|
Khu vườn trên sân thượng là nơi gia đình chị Hoàn thư giãn, giảm căng thẳng trong dịch bệnh. |
Ngoài cung cấp rau củ sạch, khu vườn trên sân thượng còn là nơi chị Hoàn thư giãn, tập yoga. Khi dịch không căng thẳng, nhiều người thân, bạn bè của gia đình chị cũng ghé chơi để ngắm hoa, chụp ảnh.
Theo chị Hoàn, khu vườn đẹp nhất vào dịp Tết khi bên trên là giàn cà chua chín đỏ rực, dưới là đủ loại hoa khoe sắc và rau củ xanh mướt.
Hiện, chị Hoàn chuẩn bị cải tạo vườn để bước vào vụ hè. Chị cũng dự định khi xây nhà mới sẽ đầu tư làm khu vườn lớn và quy củ hơn, đồng thời lắp mái che di động để tăng năng suất cây trồng.
Tác giả: Thiên Nhi
Nguồn tin: zingnews.vn