Trong nước

Vụ Việt Á: Có sự 'liên kết bài bản'?

'Đây là hành vi phạm tội có tổ chức từ bên ngoài tư nhân vào trong quân đội rồi đến 2 ngành khoa học - công nghệ, y tế', ông Lê Việt Trường (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban An ninh - quốc phòng) nhận định.

Phan Quốc Việt và thượng tá Hồ Anh Sơn (đã bị khai trừ Đảng, khởi tố, bắt tạm giam) - Ảnh: T.H.

Nhận định về vụ Việt Á và kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương mới đây, nhiều ý kiến cho rằng với vụ việc rất nghiêm trọng này và để ngăn chặn các sự việc tương tự trong tương lai, cần xem xét các giải pháp từ chọn lựa cán bộ đến kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Tuổi Trẻ xin giới thiệu một số ý kiến.

Ông Lê Việt Trường (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban An ninh - quốc phòng):

Cần suy nghĩ và đáng báo động

Dù có thể ai đó lập luận do vô tình, thiếu tinh thần trách nhiệm nhưng với kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương, điều tra của cơ quan công an, quốc phòng cho thấy rõ ràng có cơ sở đặt ra vấn đề có sự "liên kết bài bản", bàn bạc, móc nối, hình thành chuỗi từ ngành này sang ngành kia để thực hiện hành vi vi phạm. Đây là hành vi phạm tội có tổ chức từ bên ngoài tư nhân vào trong quân đội rồi đến 2 ngành khoa học - công nghệ, y tế.

Một đề tài khoa học liên quan đến con người chứ không phải "ra chợ mua con cá, mớ rau" nhưng lại tiến hành trong thời gian rất ngắn và được phê duyệt nhanh chóng bởi 2 bộ chuyên ngành. Trước lợi nhuận hấp dẫn, với những cán bộ không đủ bản lĩnh chính trị, ranh giới chỉ bằng một sợi tóc. Do đó việc "ngã ngựa" là hoàn toàn dễ hiểu.

Qua vụ Việt Á cho thấy các cán bộ, trong đó 2 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, trung tướng, thiếu tướng quân đội... đều có trình độ, học thức cao và rất nhiều vụ việc vi phạm trước đã xảy ra, bị xử lý nhưng họ vẫn thực hiện những hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Đó là điều cần suy ngẫm và đáng báo động. Do vậy ngoài việc xử lý nghiêm minh, thời gian tới phải có các giải pháp từ chọn lựa cán bộ đến kiểm tra, giám sát chặt chẽ để ngăn chặn.

Trung tướng Khuất Duy Tiến (nguyên tư lệnh Quân đoàn 3):

Kỷ luật nghiêm minh tạo nên sức mạnh quân đội

Nói chung dư luận rất đau xót khi trong Học viện Quân y có những cán bộ sĩ quan, thậm chí cấp trung tướng, thiếu tướng lại có hành vi vi phạm nghiêm trọng, trong đó 2 sĩ quan cấp đại tá, thượng tá đã bị khởi tố, bắt giam liên quan vụ Việt Á. Những người đó rõ ràng đã lợi dụng chức quyền để làm hại cho nước, cho dân, thu lợi ích cho cá nhân.

Thời gian qua cơ quan chức năng đã xử lý rất nghiêm khắc vụ đô đốc Nguyễn Văn Hiến hay 9 tướng lĩnh cảnh sát biển nhưng vẫn xảy ra vi phạm nghiêm trọng ở Học viện Quân y. Khi cả nước, nhân dân đang khó khăn, căng mình chống dịch COVID-19 mà tiếng là thầy thuốc lại có những hành vi vi phạm, thậm chí tham ô tài sản càng không thể chấp nhận.

Việc xử lý nghiêm minh, công khai các tướng lĩnh, sĩ quan của Học viện Quân y trong vụ Việt Á thể hiện rõ quan điểm của Đảng là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" và những người không xứng đáng phải bị loại ra khỏi Đảng. Đồng thời việc xử lý kỷ luật nghiêm minh cũng sẽ là yếu tố tạo nên sức mạnh của quân đội.

Qua vụ việc này cần phải rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc, từ đó chấn chỉnh kịp thời góp phần làm cho quân đội ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn, chất lượng cán bộ ngày càng cao hơn.

Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược - Bộ Công an):

Người đứng đầu đã thiếu trách nhiệm

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương về vụ Việt Á cho thấy rõ với cán bộ cấp dưới ở các đơn vị vì mục đích trục lợi, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích đất nước, nhân dân để đưa sản phẩm không đạt chuẩn vào sử dụng lúc chống dịch COVID-19 rất cấp bách và "thổi giá". Những hành vi này là lừa dối, dùng chức quyền để trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước, nhân dân.

Nhưng nguyên nhân khác để xảy ra vụ việc là do người đứng đầu là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và nguyên bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Chu Ngọc Anh (hiện là chủ tịch UBND TP Hà Nội) đã không kiểm tra, giám sát, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ dẫn đến các vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tiền, tài sản của Nhà nước, nhân dân, đến mức phải xem xét kỷ luật.

Trong vụ Việt Á, tất nhiên có sơ hở của cơ chế, chính sách nhưng đó chỉ là nguyên nhân gián tiếp, còn nguyên nhân trực tiếp vẫn là do những người thực thi tha hóa, biến chất. Do đó đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh, nhanh chóng, đúng người, đúng tội; không vì vụ Việt Á này mà đánh giá sai hàng ngàn nhân viên y tế đã, đang lăn lộn trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tác giả: THÀNH CHUNG (ghi)

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP