Unilever đang bị truy thu 575 tỷ đồng tiền thuế do đầu tư mở rộng giai đoạn 2009-2013. |
Xin chỉ đạo vụ truy thu thuế Sabeco, Unilever
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2019 ngày 10/1, Cục trưởng Cục thuế TPHCM Trần Ngọc Tâm kiến nghị Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính có chỉ đạo xung quanh việc xử lý truy thu với Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Unilever Việt Nam với lý do "ngoài tầm của Cục thuế".
Như tin đã đưa trước đó, liên quan tới vụ truy thu thuế với Sabeco, Cục thuế TPHCM đã thông báo về số tiền chậm nộp thuế và tiền nộp vi phạm hành chính của Sabeco là hơn 3.140 tỷ đồng. Số trên bao gồm tiền chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2007 đến 2015 hơn 2.645 tỷ đồng, tiền phạt vi phạm hành chính hơn 494 tỷ đồng.
3 ngày sau khi nhận được thông báo, do Sabeco không nộp thuế theo thông báo nên phía Cục Thuế TPHCM đã ra quyết định cưỡng chế nộp phạt trong 28/12. Số tiền nói trên được cưỡng chế từ tài khoản của Sabeco tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) - Chi nhánh 4.
Tuy nhiên, sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có giao Bộ Tài chính và UBND TPHCM chỉ đạo Cục thuế TPHCM chưa thực hiện cưỡng chế Sabeco. Trên cơ sở này, Cục Thuế TPHCM đã ra quyết định dừng thực hiện cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Sabeco.
Với Unilever Việt Nam, trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã có công văn đề nghị Tổng cục Thuế có biện pháp truy thu thuế với Unilever số tiền 575 tỷ đồng. Theo quy định, từ năm 2009 tới năm 2013, các doanh nghiệp đầu tư mở rộng không thuộc diện được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Giai đoạn này Unilever phát triển sản xuất, đầu tư mở rộng nên không được ưu đãi. Phía Kiểm toán Nhà nước bởi vậy đã kiến nghị truy thu Unilever.
Trong công văn gửi Unilever, Cục thuế TPHCM cho biết, Kết luận Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp của Unilever do đầu tư mở rộng giai đoạn 2009-2013 là hơn 575 tỷ đồng. Đến ngày 12/12, Cục thuế TP. HCM tiếp tục ra một văn bản nữa yêu cầu Unilever cung cấp thông tin về tài khoản để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong toả tài khoản theo quy định.
Sau đó, phía Unilever đã có văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng xin không thực hiện cưỡng chế doanh nghiệp để chờ kết luận của Chính phủ.
Nhiều chỉ tiêu thu vượt dự toán
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành thuế, ông Bùi Văn Nam - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, số thu ngân sách năm 2018 của toàn ngành Thuế đạt 1.146.933 tỷ đồng, bằng 107,2% dự toán, tăng 12,3% so với thực hiện năm 2017.
Về tổng thể, hầu hết các địa phương đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán pháp lệnh (61/63 địa phương). Trong đó, có 48/63 địa phương vượt trên 7,3% dự toán (mức vượt theo nhiệm vụ phấn đấu thu); 61/63 địa phương tăng thu so với cùng kỳ, trong đó có 24 địa phương tăng trưởng thu ở mức cao từ 15% trở lên.
Về công tác thanh tra thuế, ngay từ đầu năm 2018, toàn hệ thống lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra đạt tối thiểu 18,5% số lượng người nộp thuế đang hoạt động. Trong đó, tập trung vào các đối tượng có rủi ro cao; các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp; các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế; hoạt động chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án; hoạt động kinh doanh thương mại điện tử,…
Kết quả, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện 90.394 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 100,81% kế hoạch năm 2018; với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 17.302 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 1.978 tỷ đồng; giảm lỗ là 34.411 tỷ đồng; số tiền thuế nộp vào ngân sách là 12.286,5 tỷ đồng đạt 71,01% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra. Trong đó, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 593 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 1.637,88 tỷ đồng; giảm lỗ 4.808 tỷ đồng; điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 7.291,72 tỷ đồng.
Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ và các biện pháp sẽ triển khai trong năm 2019, ông Bùi Văn Nam cho biết, năm 2019 tình hình kinh tế thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế. Với mục tiêu năm 2019 là năm tăng tốc, bứt phá, góp phần quan trọng hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo đó, Tổng cục Thuế sẽ tập trung, phấn đấu quyết liệt để hoàn thành vượt 5% nhiệm vụ thu NSNN năm 2019 đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao là 1.168.100 tỷ đồng, trong đó dầu thô là 44.600 tỷ đồng và thu nội địa là 1.123.500 tỷ đồng.
Để đảm bảo giảm số tiền nợ thuế, Tổng cục Thuế sẽ chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 04/CT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính và phương án xử lý nợ đọng thuế đã xây dựng, trong đó chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương kiểm tra đôn đốc thu tiền thuế nợ đối với toàn ngành nhằm thực hiện được các chỉ tiêu thu tiền thuế nợ.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội xử lý tiền thuế nợ, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp NSNN để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết tại kỳ họp tháng 5/2019 để xử lý nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi, giảm tỷ lệ nợ đọng xuống dưới 5% tổng thu NSNN.
Chỉ đạo, giám sát việc phân loại tiền thuế nợ, theo các tiêu chí phân tích nợ thuế đảm bảo việc phân loại phải đầy đủ hồ sơ, phản ánh đúng bản chất của khoản tiền thuế nợ, của từng trường hợp nợ thuế.
Kiên quyết thực hiện cưỡng chế nợ thuế đối với trường hợp phải cưỡng chế, công khai thông tin người nộp thuế chây ỳ nợ thuế, không nộp tiền thuế đúng hạn lên báo, đài, trang web cơ quan thuế, loa phát thanh phường, xã theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí