Vợ chồng cô Huế trong một lần trao đổi với PV Tiền Phong. |
Trong quá trình điều tra nhằm bảo vệ lẽ phải, phóng viên Tiền Phong đã tìm gặp rất nhiều cơ quan chức năng, nhiều cá nhân liên quan đến vụ việc hầu hết đều cho rằng, cô Huế có nhiều sai phạm. Chỉ một ít người dám nói lên sự thật, rằng cô Huế đang bị người ta hãm hại. Có một sự sợ hãi vô hình nào đó...
“Kỷ luật cô Huế là một thành tích”
Với hi vọng lý giải được điều này, chúng tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Quang Năm, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy. Nhưng thật bất ngờ, ông Bí thư Huyện ủy lại có quan điểm và những nhận xét về cô Huế còn nặng nề hơn những người được xem là “đối thủ” của cô Huế mà chúng tôi từng gặp. Ông Năm khẳng định, việc miễn nhiệm chức danh Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học số II Liên Thủy của cô Huế là đúng đắn, là cấp bách nhằm lấy lại niềm tin cho phụ huynh học sinh và ổn định tình hình nhà trường.
Để minh chứng, ông Năm nói, ông rất hiểu cô Huế, vì ông và gia đình cô Huế là chỗ thân tình, bố của cô Huế nguyên là thầy giáo dạy ông ấy. Theo ông Năm, cô Huế là người mất nhân cách, đi đâu là gây hấn, làm mất đoàn kết nội bộ nơi đó. Đời sống cá nhân thì có những quan hệ phức tạp… Nhận xét về cô Huế, ông Năm ví von: “Cô Huế là dạng mía sâu cả đốt”.
Không dừng lại ở cuộc trao đổi với PV Tiền Phong, ông Năm luôn tận dụng nhiều diễn đàn để nhận xét tiêu cực về cô Huế. Trong chuyến lên làm việc với Huyện ủy Lệ Thủy, ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã hỏi về trường hợp cô Huế và yêu cầu huyện Lệ Thủy xem xét, xử lý vụ việc đúng pháp luật, sau khi ông đọc bài đầu tiên viết về cô Huế đăng trên báo Tiền Phong. Tại đây, ông Năm một lần nữa sốt sắng chứng minh với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình về “mía sâu cả đốt” của cô Huế. Ông Năm cho rằng báo Tiền Phong đã viết sai sự thật: Rằng, chồng cô Huế đã về hưu chứ không còn ở đảo nữa nhưng báo Tiền Phong nói là “vợ lính Trường Sa”. Rằng, cô Huế là một Phó Hiệu trưởng nhỏ nhoi, không đủ tư cách tranh giành chức vụ của những lãnh đạo huyện ở đây, thì không cớ gì mà huyện phải đi trù dập cô Huế...
Đặc biệt và công phu hơn, trong Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Quy định 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình “Về trách nhiệm và xử lí trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị…”, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy đã có một bài tham luận tại hội nghị về vụ việc cô Huế. Ông Năm xem việc xử lý miễn nhiệm cô Huế như là một thành tích của Huyện ủy Lệ Thủy về thực hiện Quy định 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình. Ông Năm còn cáo buộc, trong vụ việc này, một số tờ báo đã không đồng hành, ủng hộ cùng với huyện mà còn đi ngược lại quan điểm của huyện, gây hoang mang dư luận…
Sự sốt sắng của Bí thư huyện ủy
Theo cô giáo Đỗ Thị Hồng Huế, trong thời gian cô bị trù dập, có một sự liên quan không hề ngẫu nhiên giữa cô với cô em vợ của ông Năm, bà Nguyễn Thị N., một giáo viên cùng trường với cô Huế.
Tháng 7/2016, ê kíp của bà Hoàng Thị Tươi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số II Liên Thủy, viết đơn đề nghị Đảng ủy xã Liên Thủy xử lí vi phạm đảng viên đối với cô Huế vì “gây mất đoàn kết nội bộ”. Tháng 8/2016, Chi bộ Trường Tiểu học số II Liên Thủy bỏ phiếu khai trừ Đảng đối với cô Huế, đồng thời Đảng ủy xã Liên Thủy ra Quyết định kỷ luật cô Huế với hình thức khiển trách. Cũng trong thời gian này, các phòng chức năng của huyện Lệ Thủy bắt đầu rục rịch làm quy trình cho em vợ ông Năm từ giáo viên lên Phó Hiệu trưởng chờ thay thế cô Huế.
Tuy nhiên, UBKT Huyện ủy Lệ Thủy buộc phải xóa quyết định kỷ luật khiển trách cô Huế vì không tìm thấy vi phạm. Không thể kỷ luật Đảng, đồng nghĩa với việc không thể miễn nhiệm chức danh Phó Hiệu trưởng của cô Huế, em vợ ông Năm “tạm thời” được bổ nhiệm về Trường Tiểu học Ngư Thủy Bắc “ngồi chờ”. Việc em vợ ông Năm ra Ngư Thủy Bắc gây xôn xao trong ngành giáo dục huyện Lệ Thủy, vì trường này đã có 1 Phó Hiệu trưởng, bởi theo quy định thì không thể 2 Phó Hiệu trưởng.
Không kỷ luật được cô Huế về mặt Đảng, nhưng đến tháng 1/2017, UBND huyện Lệ Thủy ra quyết định bỏ phiếu tín nhiệm đột xuất đối với cô Huế. Trên cơ sở bỏ phiếu, Phòng Giáo dục và Phòng Nội vụ tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy miễn nhiệm chức danh Phó Hiệu trưởng của cô Huế, điều về làm giáo viên ở Trường Tiểu học Dương Thủy. Người thay thế cô Huế ở Trường Tiểu học số II Liên Thủy là Phó Hiệu trưởng của Trường Tiểu học Ngư Thủy Bắc, còn em vợ ông Năm đành ở lại Ngư Thủy Bắc.
Chất vấn về trường hợp bổ nhiệm em vợ ông Năm lên Phó tại Trường Tiểu học Ngư Thủy Bắc, bà Võ Thị Thuận Ngà, Trưởng phòng Nội vụ huyện Lệ Thủy cho rằng: Mặc dù trường Tiểu học Ngư Thủy Bắc theo quy định chỉ có 1 phó, tuy nhiên do sự cố môi trường biển, nhiều học sinh ở đây có nguy cơ bỏ học, nên phải tăng cương thêm 1 phó, giúp ổn định tình hình ở đây.
Trái với ý kiến của bà Ngà, những giáo viên ở Ngư Thủy Bắc cho rằng đó chỉ là sự ngụy biện trắng trợn. “Nói tăng cường bà N về để giúp trường Ngư Thủy Bắc ổn định tình hình, vực dậy sự học, nhưng thực tế bà N về đây không làm gì, ngoài việc đi học nhằm bổ sung những điều kiện còn thiếu của một Phó Hiệu trưởng. Nếu vì giáo dục và con em Thủy Bắc, thì tại sao huyện không bổ nhiệm những giáo viên người địa phương có đầy đủ trình độ và uy tín, được quy hoạch gần chục năm nay? Họ là những người am hiểu con em địa phương, hoàn cảnh từng gia đình thì không được bổ nhiệm, lại đưa một giáo viên ở tận thị trấn, chân ướt chân ráo mới lên hiệu phó được mấy ngày về đây để vực dậy sự học của Ngư Thủy Bắc thì quá hoang đường” - một giáo viên xin được giấu tên bày tỏ quan điểm.
Cô giáo Đỗ Thị Hồng Huế, vợ của lính Trường Sa ở xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) sau 1 năm đấu tranh không mệt mỏi, với vô số áp lực, những tố cáo của cô được xác định là có cơ sở và được phục chức Phó Hiệu trưởng. Ngày 27/4/2018, ông Lê Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy ra Quyết định số 1670/QĐ-UBND “Về việc thu hồi quyết định 1132/QĐ-UBND ngày 30/3/2017 của Chủ tịch UBND huyện và bố trí lại chức vụ Phó Hiệu trưởng đối với bà Đỗ Thị Hồng Huế kể từ ngày 5/4/2017”. |
Tác giả: HOÀNG NAM
Nguồn tin: Báo Tiền phong