Giáo dục

Vụ trẻ bị bạo hành ở cơ sở Mầm Xanh: “Clip gốc còn kinh khủng hơn nhiều”

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cho biết, những gì thể hiện trên clip bảo mẫu ở cơ sở Mầm Xanh bạo hành trẻ chỉ… mới là một phần, clip gốc còn kinh khủng hơn.

Ảnh cắt từ clip bảo mẫu lớp Mầm Xanh bạo hành trẻ

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi” do Báo Tiền Phong phối hợp cùng ĐH Sài Gòn tổ chức ngày 1/12, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ bức xúc cho biết: Bà được tiếp cận clip gốc của vụ bạo hành trẻ ở cơ sở mầm non Mầm Xanh còn thấy cô giáo lấy cây sắt đâm vào chân một cháu bé đến rách toét ngón chân chỉ vì cháu bé nhìn thấy bạn khác bị cô đánh, sợ quá nên khóc theo.

Bà Nữ cũng cho rằng, Chi hội mới ra đời khoảng 3 năm nay nhưng đã tiếp nhận hàng trăm vụ trẻ em bị bạo hành, xâm hại, trong đó có nhiều vụ rất đau lòng, nhất là bạo hành trẻ mầm non, trong khi biện pháp xử lý lại không thỏa đáng.

Hiện nay, khung hình phạt với tình tiết phạm tội với trẻ em là từ 1 năm đến 3 năm tù. Tuy nhiên, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM sẽ đề xuất phải tăng khung hình phạt, không thể áp dụng quy định thương tật 11% mới xử đối với trẻ em, vì với các bé, chỉ cần có hành vi bạo hành thôi đã phải xử nặng, như vậy mới đủ sức răn đe.

Theo bà Nữ, nếu vụ bạo hành trẻ gây chấn động tại cơ sở không phép ở P.17, Q.Gò Vấp, TP.HCM cách đây chưa lâu được xử lý triệt để, mạnh tay, xử công khai thì có thể đã tránh được vụ việc ở Mầm Xanh khiến dư luận phẫn nộ và đau lòng đến vậy.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nhìn nhận, chỉ tính mấy tháng đầu năm 2017 đã liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành trẻ em tại các cơ sở mầm non gây ảnh hưởng nhiều đến tâm sinh lý và sự phát triển của trẻ nhỏ. Điển hình là trường hợp tại cơ sở mầm non Sen Vàng tại Minh Khai (Hoàng Mai-Hà Nội).

Clip xuất hiện trên mạng vào ngày 5/2 kéo dài 2 phút cho thấy trẻ bị cô giáo liên tục cầm dép đánh vào đầu trẻ và có những lời lẽ khó nghe. Lý do trẻ bị đánh chỉ đơn giản là cháu tè ra sàn nhà khiến cô giáo bực tức và không kiềm chế được nóng giận.

Tiếp đó đến ngày 9/2, tại trường mầm non Thanh Xuân Nam (Thanh Hóa) tiếp tục xuất hiện trường hợp bé đang học mầm non lớp 3 bị cô giáo liên tiếp dùng đũa đánh vào hai bên đùi, xuất hiện nhiều vết bầm kéo dài. Sau khi làm rõ sự việc, tại đây cô giáo Thái Thị Thùy Linh (1989) đã thừa nhận hành vi dùng đũa đánh cháu. Đây chỉ là một trong những trường hợp bạo hành trẻ tại các cơ sở mầm non được phanh phui ra.

Đối với những trường hợp trên, các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra làm rõ những hành vi trên. Có thể nói, hiện tượng bạo lực trẻ em tại trường mầm non ngày càng xuất hiện nhiều, có những trường hợp trẻ bị đánh đập rất dã man.

Theo thống kê mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 3.000 đến 4.000 vụ bạo lực trẻ em tại các trường mầm non nói riêng và xã hội nói chung. Một trẻ em đã từng bị bạo hành thường bị ảnh hưởng tâm lý và sự phát triển thể chất.

Trẻ bị bạo lực thường xuất hiện những biểu hiện tâm lý đặc trưng như cáu gắt, giận dữ, buồn chán hay tự kỷ, sợ hãi…

Nhiều trẻ còn bị mắc chứng “Rối loạn và căng thẳng hậu chấn thương” và nguy hiểm hơn những di chứng sau khi trẻ bị bạo lực có thể theo đến suốt đời.

Luật sư Nữ đặt câu hỏi: Bạo hành mầm non rất nhức nhối và đau lòng, ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý của các em. Sau khi xảy ra thì các cô giáo chịu pháp luật, còn những người đứng đầu về giáo dục thì sao?

Vấn đề bây giờ là xã hội và ngành giáo dục tiếp tục “bình chân như vại” hay quyết liệt hành động? Bên cạnh việc tăng chế tài xử lý các giáo viên có hành vi bạo hành trẻ nhỏ, cần rốt ráo trong việc kiểm tra, giám sát các cơ sở hành nghề trông trẻ tư thục, loại bỏ các giáo viên không đủ điều kiện. Tất cả mọi người cùng giám sát các cơ sở nuôi dạy trẻ nhiều hơn.

Bên cạnh đó, cần nâng cao vị trí, vai trò của giáo dục mầm non trong hệ thống giáo dục. Chương trình đào tạo cần khắt khe hơn, chuẩn mực hơn. Đồng thời cần mở thêm các trường mầm non công lập, tăng biên chế, tăng lương cho giáo viên mầm non để họ có thể yên tâm với nghề.

Tác giả: Bạch Dương

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP