Trong nước

Vụ tàu vỏ thép: Lại đổ lỗi cho ngư dân

Trong khi doanh nghiệp cung cấp máy tàu đổ lỗi ngư dân không biết vận hành làm hỏng máy thì doanh nghiệp đóng tàu lại cù nhầy trong việc cung cấp hồ sơ tàu bị hư hỏng cho lực lượng chức năng

Sáng 16-6, ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Ô tô Đông Hải (trụ sở Hà Nội), đại diện ủy quyền phân phối động cơ Doosan (Hàn Quốc) đã báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Định về việc khắc phục vụ việc tàu vỏ thép vừa hạ thủy đã hỏng.

"Phải có lương tâm chứ!"

Trong báo cáo, đại diện Công ty TNHH Ô tô Đông Hải "tố" ông Trần Đình Sơn (ngụ xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ; chủ tàu vỏ thép BĐ 99245 TS) không hợp tác, từ chối thay thế phụ tùng cho các bộ phận hư hỏng của máy tàu. Ông Hải quy kết máy tàu hỏng là do lỗi vận hành của ông Sơn. Trong khi đó, chính sách bảo hành toàn cầu của hãng Doosan chỉ thay thế phụ tùng chứ không thay máy mới. "Chúng tôi đã chi hơn 100 triệu đồng vận chuyển gần 1 tấn phụ tùng từ Hàn Quốc về Việt Nam để lắp nhưng ông Sơn không đồng ý. Máy hỏng do lỗi của ông Sơn vận hành không đúng nên không thể thay máy mới được" - ông Hải phân bua.

Các thành viên tổ thẩm định kiểm tra một con tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định bị hư hỏng

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Đình Sơn cho rằng báo cáo của ông Hải không đúng sự thật. Ông Sơn quả quyết không có chuyện máy tàu của ông là máy mới chính hãng để dẫn đến việc chỉ thay thế phụ tùng như ông Hải nói, bởi không có chuyện máy mới mà chỉ sau đi 2 chuyến biển đã hư hỏng tan nát. "Ông Hải liên tục đổ lỗi do tôi không biết sử dụng nên hỏng máy. Thế nhưng khi tôi hỏi sử dụng như thế nào mới đúng thì ông ấy không trả lời. Ông ta còn nói tôi đừng thông tin cho báo chí. Tôi bảo chuyện đó ông không có quyền can thiệp. Làm ăn phải có lương tâm chứ không thể đổ lỗi cho ngư dân như vậy được" - ông Sơn bất bình.

Trước đó, Công ty TNHH TM-XNK Hoàng Gia Phát (trụ sở TP HCM) cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Định cho phép thay 8 máy thủy mới 100%, chính hãng Mitsubishi cho các tàu cá vỏ thép do đơn vị này lắp đặt trên địa bàn. Tuy nhiên, những ngày qua, doanh nghiệp này lại cho người đi vận động các chủ tàu sửa chữa máy, hứa sẽ hỗ trợ thêm tiền trả nợ ngân hàng.

Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, xác nhận sáng 15-6, bà Nguyễn Thị Sinh xưng là vợ ông Lê Hoàng Phong, Giám đốc Công ty Hoàng Gia Phát, về địa phương gặp các chủ tàu để thương lượng. "Bà Sinh năn nỉ ngư dân cho công ty khắc phục sự cố máy hư hỏng chứ không thay máy mới như cam kết với lý do công ty không đủ năng lực tài chính. Tôi đã dặn ngư dân không được để cho họ sửa chữa" - ông Công nói.

Nhiều thiết bị có "vấn đề"

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho rằng Công ty TNHH Ô tô Đông Hải và Công ty Hoàng Gia Phát là 2 đơn vị ký hợp đồng cung ứng máy cho Công ty TNHH MTV Nam Triệu (gọi tắt là Công ty Nam Triệu, trụ sở TP Hải Phòng). Trong khi đó, ngư dân chỉ ký hợp đồng đóng tàu trọn gói với Công ty Nam Triệu. Bởi vậy, việc 2 đơn vị cung ứng máy xin chủ tàu sửa chữa và thay máy là không có cơ sở, tất cả đều phải thông qua Công ty Nam Triệu. "Tôi cũng đã dặn các chủ tàu, mình ký hợp đồng với Công ty Nam Triệu thì chỉ biết đơn vị này thôi. Để người khác đụng vào, sau này Công ty Nam Triệu từ chối bảo hành với lý do không phải người của doanh nghiệp này sửa chữa thì biết làm sao" - ông Hổ nói.

Ông Hổ cho biết thêm trong 49 tàu vỏ thép ở Bình Định được đóng theo Nghị định 67/CP thì có 18 tàu bị hư hỏng và 1 tàu vừa ra khơi chuyến đầu tiên đã bị hỏng rồi chìm luôn dưới biển. Trong các tàu này có 14 chiếc do Công ty Nam Triệu đóng, số còn lại thuộc về Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (trụ sở tỉnh Nam Định). Đáng chú ý là theo ông Hổ, không chỉ máy tàu gặp sự cố, qua kiểm tra, tổ thẩm định độc lập của tỉnh Bình Định phát hiện nhiều thiết bị khác cũng có vấn đề, trong đó có cả hầm bảo quản, máy dò, máy phát điện...

"Những ngày qua, anh em tổ thẩm định rất áp lực. Đơn cử như khi yêu cầu phía đóng tàu cung cấp hồ sơ máy thủy để đối chiếu thì họ cù nhầy, không cung cấp. Chúng tôi đã dùng cách khác để có được bộ hồ sơ này. Trong quá trình thẩm định thì có cái khẳng định được, có cái nghi ngờ, nhất là những vấn đề chuyên môn sâu. Ví dụ như máy, anh em phải xem số xêri rồi lên mạng đối chiếu, nếu không có thì nhờ đại lý của hãng tìm. Tổ thẩm định không giải quyết hết, về tư cách pháp nhân thì đúng, đủ nhưng có cái vượt quá khả năng cho phép thì phải nhờ Bộ NN-PTNT can thiệp" - ông Hổ cho biết thêm.

"Quan điểm của tôi là phải thay máy mới chính hãng, nếu không tôi sẽ trả tàu và kiện ra tòa" - ông Trần Đình Sơn nói.

Tác giả: Anh Tú

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP