Pháp luật

Vũ "nhôm" và Trần Phương Bình “bắt tay” rút tiền của ngân hàng Đông Á

Chỉ bằng việc thế chấp 1 mảnh đất và ký khống chứng từ, Vũ "nhôm" đã được ngân hàng Đông Á dưới sự lãnh đạo của Trần Phương Bình giải ngân cho vay 600 tỉ đồng. Sau đó, Vũ "nhôm" dùng chính số tiền này để quay lại mua 60 triệu cổ phần của ngân hàng này và trở thành cổ đông lớn.

Ngày 4/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á) cùng 20 đồng phạm trong vụ án "cố ý làm trái..." và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á.

Theo kết luận điều tra, trong sai phạm của ông Trần Phương Bình có việc ông Bình đã xuất quỹ sai nguyên tắc, chi 200 tỉ đồng cho Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ nhôm, người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79) để Vũ mua cổ phần của ngân hàng Đông Á.

Vũ nhôm và Trần Phương Bình “bắt tay” rút tiền của ngân hàng Đông Á

Năm 2013, ngân hàng Đông Á làm ăn sa sút, thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn tiền và vàng trong kho quỹ. Trần Phương Bình mong muốn có doanh nghiệp tiềm lực về tài chính, quan hệ để đầu tư vào ngân hàng Đông Á.

Do vậy, ông Trần Phương Bình có chủ trương tăng vốn điều lệ của ngân hàng Đông Á từ 5.000 tỉ đồng lên 6.000 tỉ đồng vào năm 2014 để thu hút vốn đầu tư và trang trải, xử lý khó khăn; đồng thời, nâng thương hiệu và vị thế, ảnh hưởng của ngân hàng Đông Á.

Thực hiện chủ trương trên, cuối năm 2013, ông Bình và Phan Văn Anh Vũ đã bàn bạc thống nhất rằng Vũ sẽ mua 60 triệu cổ phần của ngân hàng Đông Á với giá 600 tỉ đồng để Vũ trở thành cổ đông lớn và có quyền chi phối hoạt động ngân hàng Đông Á.

Nguồn tiền để Vũ mua cổ phần của ngân hàng Đông Á là Vũ thế chấp lô đất rộng 220 ha tại TP Đà Nẵng để vay 400 tỉ của ngân hàng Đông Á. Còn 200 tỉ, Vũ chỉ ký khống chứng từ nộp tiền và ngân hàng Đông Á đã xuất quỹ chi 200 tỉ đồng cho Vũ để mua cổ phần.

Sau đó, từ 400 tỉ đồng vay của ngân hàng Đông Á và 200 tỉ đồng được ngân hàng Đông Á xuất quỹ khống trên, Vũ "nhôm" được coi là đã bỏ ra 600 tỉ đồng để mua 60 triệu cổ phần của ngân hàng Đông Á.

Tuy nhiên, năm 2014, ngân hàng Đông Á tăng vốn điều lệ không thành nên ông Trần Phương Bình đã chỉ đạo chuyển trả cho Công ty cổ phần Bắc Nam 79 số tiền nộp mua cổ phần, kèm theo cả tiền lãi nữa là 609 tỉ đồng.

Sau khi được ngân hàng Đông Á trả lại tiền, ông Vũ đã dùng 500 tỉ đồng để mua lại 50 triệu cổ phần của 4 cổ đông khác của ngân hàng Đông Á, còn 100 tỉ Vũ tiêu xài hết, đến nay ngân hàng Đông Á không thu hồi được.

Tại cơ quan điều tra, lúc đầu ông Phan Văn Anh Vũ khai rằng Vũ và ông Bình có bàn bạc và hợp tác với nhau, nếu lỗ thì ông Bình chịu, còn lãi thì tính toán sau.

Vũ "nhôm" thừa nhận nguồn tiền 600 tỉ đồng mua cổ phần ngân hàng Đông Á là từ 400 tỉ đồng vay của chính ngân hàng này và 200 tỉ đồng ký khống. Sau đó việc mua không thành, Vũ đã sử dụng 500 tỉ đồng mua cổ phần của cổ đông khác, còn 100 tỉ đồng Vũ nghĩ đương nhiên là tiền của Vũ.

Tuy nhiên, sau đó ông Vũ thay đổi lời khai, không thừa nhận có bàn bạc hợp tác đầu tư với ông Bình để mua cổ phần ngân hàng Đông Á.

Ông Vũ khai mua cổ phần ngân hàng Đông Á cho Bình, Vũ ký khống chứng từ và mua 500 tỉ đồng tiền cổ phần là do chỉ đạo của Bình.

Theo cơ quan điều tra, Phan Văn Anh Vũ nhận thức rõ ông Trần Phương Bình chỉ là một cổ đông được giao nhiệm vụ điều hành ngân hàng Đông Á. Việc Phan Văn Anh Vũ ký chứng từ khống nộp tiền tại ngân hàng là vi phạm pháp luật, nhưng vì động cơ vụ lợi nên Vũ vẫn thực hiện.

Cơ quan điều tra cho rằng hành vi của Phan Văn Anh Vũ đã gây thiệt hại cho ngân hàng Đông Á 200 tỉ đồng, hành vi này có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm của Trần Phương Bình. Ông Vũ phải có trách nhiệm hoàn trả 200 tỉ đồng cho ngân hàng Đông Á.

Tác giả: Xuân Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP