Tin địa phương

Vụ lợn nhập khẩu trốn kiểm dịch về thẳng lò mổ: VKS xác định có dấu hiệu tội phạm.

VKSND tỉnh Quảng Bình xác định vụ lợn nhập khẩu trốn kiểm dịch về thẳng lò mổ có dấu hiệu phạm tội hình sự và đã có văn bản yêu cầu Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình tiến hành kiểm tra, xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật.

Chiều ngày 2/2, lãnh đạo VKSND tỉnh Quảng Bình cho biết, trước thông tin phản ánh của báo chí về tình trạng lợn nhập khẩu trốn kiểm dịch về thẳng lò mổ, VKSND tỉnh Quảng Bình nhận thấy có dấu hiệu tội phạm hình sự và đã có văn bản yêu cầu Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình vào cuộc kiểm tra, xác minh để xử lý.

Cụ thể, tại văn bản số 02/CV-VKS-P3 ngày 29/1/2021 do Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Tiến Hùng ký, đã nói rõ tình trạng có dấu hiệu của tội “Vận chuyển hàng cấm” quy định tại Điều 191 – Bộ luật hình sự.

Văn bản của VKSND tỉnh Quảng Bình.

“VKSND tỉnh Quảng Bình nhận thấy thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng phản ánh hành vi của các doanh nghiệp nhập khẩu lợn chưa qua kiểm dịch của Chi cục thú y nhưng đã đưa thẳng về lò mổ, có dấu hiệu của tội “Vận chuyển hàng cấm” quy định tại Điều 191 – Bộ luật hình sự” – VKSND tỉnh Quảng Bình nhận định và “đề nghị Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình tiến hành kiểm tra, xác minh để xử lý vụ việc trên theo quy định của pháp luật".

Trước đó, trên báo Lao động đã có loạt bài điều tra phản ánh tình trạng lợn nhập khẩu chưa qua cách ly kiểm dịch đã chạy thẳng đến lò mổ. Theo đó đã có hàng nghìn con lợn nhập khẩu về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã được nhiều doanh nghiệp “phù phép” không phải cách ly kiểm dịch, chạy thẳng về lò mổ.

Sự “phù phép” này có sự tiếp tay của cán bộ Chi cục Thú y tỉnh Quảng Bình, Nghệ An đã cấp khống hồ sơ, xác nhận sai nguồn gốc, “tạo điều kiện” cho lợn nhập khẩu từ Thái Lan chạy thẳng ra lò mổ, không qua khâu cách ly kiểm dịch.

Liên quan đến thực trạng này, đã có cán bộ kiểm dịch bị tước quyền kiểm dịch, chủ lô hàng lợn nhập khẩu bị xử phạt.

Theo quy định, lợn nhập khẩu phải qua cách ly kiểm dịch mới được vào thị trường (Ảnh Báo Lao động).

Sau loạt bài của báo Lao động, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Bộ Công thương, Bộ NNNPTNT nghiên cứu, xử lý.

Về phía Bộ Công an, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05) cũng đã vào cuộc, yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị xác minh, điều tra làm rõ thông tin liên quan đến việc nhập khẩu lợn không qua kiểm dịch cách ly mà đã về thẳng lò mổ.

Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm

1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;

b) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;

c) Pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;

d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

e) Hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;

e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;

g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;

h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;

k) Vận chuyển qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;

l) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;

b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;

c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;

d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Tác giả: Bùi Tiến

Nguồn tin: Báo Bảo vệ Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP