Phóng viên: UBND TP Đà Nẵng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về rà soát Sơn Trà nhưng không thấy đề cập việc 137 lô biệt thự ở bán đảo Sơn Trà được cấp cho cá nhân sở hữu thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Tiến |
- Ông Nguyễn Thành Tiến: Báo cáo mà Đà Nẵng vừa gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 29-8 chỉ mới là báo cáo chung chứ chưa thực sự cụ thể, rõ ràng về toàn bộ dự án ở Sơn Trà.
Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ nội dung chi tiết, cụ thể và dự kiến giải trình trong một buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ. Hiện Thủ tướng đã đọc báo cáo và giao cho các bộ, ngành để có ý kiến. Thời gian cụ thể của buổi làm việc dự kiến trong tháng 9 này.
Riêng dự án 137 lô biệt thự (cũng là 1 trong 18 dự án đã được cấp phép ở Sơn Trà) có trong phụ lục danh mục dự án nằm ở báo cáo. Dự án này trước đây, được UBND TP Đà Nẵng giao cho Công ty Quản lý khai thác đất (nay là Trung tâm Phát triển quỹ đất - Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng) để đầu tư, xây dựng hạ tầng.
Mỗi lô biệt thự có diện tích 300 m2 và hiện đã có 1 biệt thự mẫu nằm ở lô L09 được xây dựng xong. Tuy nhiên, sau này, qua quá trình rà soát, xét thấy dự án này chưa được phê duyệt 1/500, chưa được giao đất và chưa có đánh giá tác động môi trường nên TP đã xóa dự án này ra khỏi quy hoạch.
Lô biệt thự L09 hiện đã có sổ đỏ và trước đây do bà Lê Thị Ngọc Oanh (vợ ông Đào Tấn Cường, người vừa bị Bộ Công an bắt để điều tra hành vi nhắn tin đe dọa ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - PV) đứng tên sở hữu nhưng sau đó đã được chuyển cho người khác. Lô đất này đã xây biệt thự và có người thường xuyên ra vào bên trong. Ông có nắm vấn đề này không?
- Tôi chỉ mới nhìn thấy biệt thự này từ xa. Trước đây là căn hộ mẫu thuộc dự án 137 lô biệt thự được Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý. Bây giờ nó thuộc về ai, do ai quản lý, có người cư trú bên trong hay không, tôi cũng không nắm được. Ngoài ra, lô L09 là trường hợp đặc biệt thuộc về vấn đề tuyệt mật và vẫn đang rà soát trong một kế hoạch riêng nên tôi không thể thông tin thêm.
TP Đà Nẵng đề xuất chấp nhận cho phép xây dựng cơ sở lưu trú dưới bình độ 100 m dựa trên cơ sở nào?
- Đà Nẵng đã chịu sức ép rất lớn trước phản ứng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, lãnh đạo TP rất quyết liệt và cầu thị, cắt giảm đáng kể số lượng phòng xuống đến mức thấp nhất. Có thể nói, Đà Nẵng đã làm hết sức mình.
Sở dĩ TP Đà Nẵng chọn độ cao dưới 100 m để cho phép xây dựng cũng có lý do. Trong đó, các công trình dưới 100 m gần như không ảnh hưởng đến công trình quốc phòng và đã được Bộ Quốc phòng thẩm định, cho phép; hệ thống giao thông hạ tầng cũng nằm ở tầm 100 m; nhìn vào Sơn Trà thì cao độ 100 m không ảnh hưởng nhiều.
Hiện ở Sơn Trà có không quá 300 phòng, tính đến năm 2030 thì cùng lắm cũng lên gần 1.000 phòng là hết cỡ. Tôi nghĩ việc này không đáng lo.
Tác giả: BÍCH VÂN
Nguồn tin: Báo Người lao động