Trong nước

Vụ chở xác con rể: Bi kịch phía sau 1 gia đình

Chú ấy chém em tôi ngay trước mặt con nó, không biết đến khi nào thằng bé mới quên được cảnh tượng hãi hùng ấy - đưa tay lau nước mắt, chị nạn nhân giãi bày trong giờ nghị án.

Ngày mai xét xử người đàn ông chở xác con rể đi đầu thú
Vụ chở xác con rể ở Sài Gòn: Cha vợ nói gì tại tòa?

Ngày 15/11, sau khi nghị án, TAND TP.HCM đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” do bị cáo Nguyễn Văn Nam (SN 1958, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) thực hiện.

Tòa cho rằng hành vi của ông Nam có dấu hiệu phạm một tội khác nặng hơn. Theo nguyên tắc, tòa án chỉ được phép xét xử và chuyển tội danh đối với bị cáo từ tội danh nặng sang tội danh nhẹ hơn, không được phép xét xử và chuyển sang tội danh nặng hơn so với cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát.

Bị cáo Nam tại tòa

Do vậy, khi nhận thấy hành vi của bị cáo có dấu hiệu phạm một tội danh khác nặng hơn, việc tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung là điều dễ hiểu. Với động thái này của cơ quan tố tụng, vụ án từng gây chấn động dư luận đến nay chưa có hồi kết. Bỏ qua những mâu thuẫn, nguyên nhân xảy ra vụ án cũng như việc phân định lẽ phải thuộc về bên nào, có một điều không thể phủ nhận, đó là: bi kịch.

Trong chiếc áo sơ mi đen, chị Thảo - chị gái anh Việt sụt sùi kể về những ngày cơ cực. Chị cho biết quê ở miền Trung, cha mẹ mất sớm, ba chị em dắt díu nhau vào Sài Gòn. Lúc em trai còn nhỏ, chị là người trụ cột thay cha mẹ bươn trải lo cho cuộc sống của em trai.

Rồi chị và Việt đều có gia đình riêng, khi Việt quen chị Hiền, một lần nữa, chị thay mặt cha mẹ đứng ra tổ chức cưới hỏi cho em...Chị cũng là người nhận thi thể em trai về mai táng sau cái ngày định mệnh ấy - ngày ông Nam chém con rể tử vong rồi dùng xe máy chở xác nạn nhân đến công an phường đầu thú.

"Chị ơi, anh Việt với bố em đánh nhau máu chảy từa lưa, giờ 2 người đưa nhau đi đâu rồi không biết. Chị đến ngay đi", đó là tất cả những gì chị Thảo nghe được từ cuộc điện thoại của em dâu vào ngày xảy ra vụ án. Thế nhưng khi đến nơi, nhìn thấy thi thể em trai với những vết chém trên đầu và mặt, chị đau đớn hét lên với em dâu "sao bố mày ra tay tàn nhẫn với em tao như vậy?", người phụ nữ nhớ lại. Dù vậy, trong suốt câu chuyện của mình, chị Thảo khá điềm đạm, không một lời miệt thị bị cáo hay nói xấu em dâu, chị luôn gọi bị cáo Nam là "chú ấy".

Chị cũng nói rằng trước khi mất, anh Việt làm nghề lái xe múc (máy xúc - PV) với mức lương trên dưới 10 triệu đồng/tháng chứ không phải là kẻ không nghề nghiệp, suốt ngày rượu chè như một số thông tin trên báo.

"Tôi chỉ muốn nói cho rõ là em tôi không đến mức tệ như vậy. Em tôi giờ chết rồi, tôi không mong tòa xử án nặng với chú ấy, không muốn khoét sâu mất mát này, nếu chú ấy sớm được trở về thì sẽ đi làm nuôi cháu ngoại của chú, nó là con của Việt và cũng là cháu của tôi", chị bày tỏ.

Những giọt nước mắt rơi trong phiên tòa...

Chị Thảo cũng cho biết điều khiến chị luôn đau xót, bị ám ảnh cả trong mơ đó là hình ảnh thi thể em trai bị ông Nam đặt lên xe chở qua các con phố được người ta ghi lại. "Chú ấy đã chém em tôi ngay trước mặt con nó, thằng bé chứng kiến cảnh tượng này không biết đến bao giờ mới quên được. Sau này nó sẽ ra sao khi nhìn lại những hình ảnh ấy?", chị nạn nhân day dứt.

Trong lúc chị Thảo trình bày, vợ anh Việt lặng lẽ đi ra ngoài phòng xử, lảng tránh mọi ánh nhìn từ người dự khán. Cuộc sống hôn nhân của chị là những bi kịch nối dài. Rồi đây, con trai chị sẽ ra sao khi đối diện bi kịch ấy? Có lẽ đây cũng là câu hỏi, là nỗi đau thắt lòng người góa phụ khiến đôi mắt chị nặng trĩu. Đôi mắt ấy u uất hơn khi tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung với bị cáo về một tội danh khác nặng hơn.

Giá như không có chuyện ghen tuông? Giá như hôm ấy Việt không uống rượu rồi tìm đến nhà cha vợ gây hấn? Giá như ông Nam biết kiềm chế hơn để cho con rể mình một con đường sống? Giá như đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi không phải chứng kiến cảnh tượng hãi hùng? Muôn vàn điều "giá như" nhưng thực tại không thể thay đổi khi những người trong cuộc đã vượt qua những giới hạn.

Cuộc sống luôn cần những điểm tựa. Mong rằng tình yêu thương, lòng bao dung của hai bên gia đình sẽ là điểm tựa để đứa trẻ ấy dù có phải gồng mình nhưng rồi sẽ vượt qua được nỗi đau này.

Tác giả bài viết: M.Phượng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP