Đó là chia sẻ của Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh - Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (C66 - Bộ Công an) - tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Làm gì để giảm nguy cơ cháy nổ hiện nay?” do báo điện tử Tổ quốc tổ chức sáng nay, 10/11.
Theo Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, về nguyên tắc, khi xảy ra cháy, theo chiến thuật chữa cháy, Cảnh sát PCCC phải truy xét nguồn gốc lửa ở đâu và xem có người trong đám cháy hay không.
“Việc đầu tiên là phải cứu người và tập trung hết sức cho vấn đề này. Đây là nguyên tắc tiên quyết.” - Cục trưởng Cục C66 khẳng định.
Giải thích rõ về công tác chữa cháy, Tướng Mạnh thông tin, nếu đám cháy lớn quá, thông báo tin cháy chậm thì công tác cứu chữa rất khó khăn. Khi cứu người trong đám cháy, nếu người còn tỉnh táo, cảnh sát sẽ hướng dẫn để họ thoát theo hướng an toàn. Song song đó là công tác chữa cháy, chống cháy lan sang những công trình lân cận để tránh thiệt hại. Tuy nhiên, nếu cháy lớn thì kiểu gì cũng thiệt hại.
“Muốn chữa cháy hiệu quả thì phải đảm bảo được nguồn nước. Xe cứu hỏa chỉ có 4-6 m3 nước, phun với tốc độ 7 lít/giây thì mấy phút là hết, nên phải có nguồn nước liên tục. Nhiều nơi chúng tôi đến cứu cháy thì lại hết nước, vấn đề này rất căng.” - Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh nêu những khó khăn trong công tác chữa cháy.
Kiến nghị để công tác chữa cháy được thuận lợi, giảm thiểu tối đa thiệt hại trong các vụ cháy, Thiếu tướng Mạnh cho rằng, sau này nếu phát triển mạng lưới đô thị hoặc quy hoạch thành phố phải tính đến vấn đề nguồn nước.
“Tại các thành phố lớn hiện nay, phổ biến tình trạng ngõ nhỏ, nhà nhỏ, phố nhỏ. Như vậy thì phải đầu tư phương tiện chữa cháy cơ động hơn, ví dụ mô tô chữa cháy loại nhỏ. Giải quyết được vấn đề này thì công tác phối hợp chữa cháy với địa bàn dân cư rất hiệu quả. Công tác chữa cháy đạt hiệu quả cao nhất là 10 phút trở lại sau khi xảy ra cháy. Trong thời gian này nếu ứng cứu nhanh thì có thể chỉ 1 gáo nước là dập tắt, sau 10 phút thì hệ quả khôn lường bởi vì tốc độ cháy, lan rất nhanh.” - Tướng Mạnh chia sẻ.
Kỹ năng thoát hiểm hạn chế
Thiếu tá Vũ Công Hòa - Phó Trưởng phòng Công tác chữa cháy (C66) - thông tin thêm, trong thời gian vừa qua, công tác tổ chức chữa cháy, cứu người bị nạn rất khó khăn. Số lượng các vụ cháy lớn hàng năm chỉ trên 1% nhưng thiệt hại lại đến 80%, có năm lên trên 90%. Có những vụ gây thiệt hại lớn về người.
“Do nhận thức của người dân còn hạn chế nên việc tổ chức chữa cháy tại chỗ của nhân dân không hiệu quả. Như vụ cháy quán karaoke trên phố Trần Thái Tông vừa qua, nếu người dân biết dùng bình cứu hỏa thì hạn chế được. Hơn nữa là việc báo thông tin chậm.” - Thiếu tá Hòa cho hay.
Hơn nữa, kỹ năng thoát hiểm, xử lý trong các tình huống xảy ra hỏa hoạn của người dân còn hạn chế. Đánh giá về vấn đề này, Thượng tá Phan Mạnh Hà - Trưởng phòng Công tác cứu nạn, cứu hộ (Cục C66) - cho rằng, việc tìm cách thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng là phản ứng tự nhiên, bản năng của mỗi con người.
“Tuy nhiên, để có thể đạt được hiệu quả thì mỗi người cần trang bị những kỹ năng xử trí cơ bản như: sử dụng khăn ướt để che mũi, miệng trong những khu vực bị nhiễm khói và nhất là phải bằng mọi cách thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm để ra nơi an toàn; tuyệt đối không nên chui vào các phòng, khu vực kín nhằm tránh nạn vì như vậy khả năng sống sót sẽ giảm đi và nguy cơ tử vong rất cao.” - Thượng tá Hà cho hay.
Theo nhận định của Thượng tá Phan Mạnh Hà, khi xảy ra cháy hoặc các sự cố, tai nạn ở các công trình, nhà ở nhiều tầng, tình hình diễn biến hết sức phức tạp. Đối với cháy thì nhiệt độ gia tăng dẫn đến bức xạ nhiệt lên bề mặt cấu kiện công trình và tốc độ cháy lan sẽ tăng theo thời gian.
Khi đám cháy đạt tới nhiệt độ đủ lớn còn tạo ra các đám cháy nhảy cóc hoặc cháy lan lên trên và xuống dưới. Lúc này, việc tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Nạn nhân sẽ khó trụ vững sau 3-5 phút trong môi trường có khói, khí độc phát sinh do cháy các sản phẩm độc hại như nhựa, xốp, keo dán…
“Qua nghiên cứu, phân tích nguyên nhân gây tử vong cho nạn nhân trong các vụ cháy, sự cố, tai nạn cho thấy, thời gian ban đầu rất quan trọng. Con người đang trong tình trạng nguy hiểm phải quyết định khẩn trương thoát ra bên ngoài, hạn chế tối đa việc ẩn nấp bên trong công trình như trong các phòng kín, nhà vệ sinh. Việc 2 người đã dũng cảm dùng chăn che mũi, miệng để chạy ra ngoài mà không chui vào phòng kín có 13 người trú ẩn bên trong đã chứng minh điều đó.” - Thượng tá Phan Mạnh Hà lấy dẫn chứng thực tế từ vụ cháy quán karaoke nghiêm trọng vừa xảy ra.
Tác giả bài viết: Tiến Nguyên
Nguồn tin: