Pháp luật

Vụ bé gái 3 tuổi bị đinh ghim vào đầu: Chỉ khởi tố về tội Giết người là chưa đủ

Theo các luật sư, cơ quan điều tra cần khởi tố đối tượng này về nhiều tội danh trong đó có tội Giết người, tội Cố ý gây thương tích và tội Hành hạ người khác.

Liên quan đến vụ bé gái 3 tuổi bị đinh ghim vào đầu, ngày 20/1, Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Trung Huyên (SN 1992, trú Thạch Hoà, Thạch Thất, Hà Nội) về hành vi Giết người theo điều 123 Bộ luật Hình sự.

Đối tượng Huyên tại cơ quan công an.

Tại cơ quan công an, bước đầu Nguyễn Trung Huyên đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Theo đó, Huyên khai nhận đã đánh đập, hành hạ, đóng đinh vào đầu cháu N.Đ.A (3 tuổi, ở xã Canh Nậu, Thạch Thất) - con gái chị Nguyễn Thị Luyến (SN 1995, bạn gái đang chung sống như vợ chồng với Huyên) khiến cháu A. 4 lần nhập viện do ngộ độc thuốc diệt cỏ, gãy tay, nuốt dị vật là đinh và đau tai, nôn mửa. Lần gần đây nhất, bé A. nhập viện trong tình trạng nguy kịch, có 9 dị vật là đinh trong đầu cũng do Huyên gây ra.

Hành vi tàn độc chưa từng xảy ra

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, xét hành vi phạm tội của đối tượng là vô cùng tàn ác, man rợ và chưa từng xảy ra trong xã hội loài người khi đang tâm tìm mọi thủ đoạn, phương thức để sát hại cháu bé 3 tuổi trong đau đớn. Hành vi phạm tội của đối tượng đã gây nên sự kinh hoàng, rùng rợn trong xã hội và sự phẫn nộ tột đỉnh của nhân dân đã cấu thành tội Giết người.

“Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm b, I, n, q Khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự. Chỉ vì bực tức cháu A là con riêng của người tình mà đối tượng đã nảy sinh ý định hành hạ, đánh đập, và giết cháu bé để không phải nuôi dưỡng, không ảnh hưởng đến cuộc sống của mình và người tình. Với động cơ, mục đích giết cháu thể hiện sự đê hèn, quá trình thực hiện phạm tội một cách man rợ nên cần thiết phải xử lý đối tượng một cách nghiêm minh nhất mới có tính răn đe, trừng trị để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm bạo lực trẻ em trong tình hiện nay.”- luật sư Thơm phân tích.

Cũng theo luật sư Thơm, theo thông tin ban đầu còn cho thấy, trong quá trình cháu về chung sống cùng mẹ và đối tượng thì đã bị đối tượng nhiều lần hành hung, đánh đập dã man với mục đích sát hại cháu bé nhưng do cháu được đưa đi cấp cứu kịp thời nên may mắn không tử vong. Đối với những hành vi tàn ác sát hại cháu không thành thì đối tượng sẽ phải chịu thêm tình tiết định khung tăng nặng Phạm tội (Giết người) 02 lần trở lên theo quy định tại điểm g, Khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.

Ngoài ra, trước khi cháu nhập viện còn có bó bột ở tay. Phần bó bột này được thực hiện trước đó 2 tuần do bị đối tượng đánh gãy tay. Như vậy, đối với hành vi này thì đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự với nhiều tình tiết định khung tăng nặng như phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, có tính chất côn đồ,..

Đồng quan điểm luật sư Nguyễn Anh Thơm, luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng luật Tinh Thông luật cho rằng, cơ quan điều tra sẽ làm rõ lời khai của bị can này để xác định lời khai có đúng sự thật hay không. Trên cơ sở kết quả xác minh lời khai là đúng, lời khai này phù hợp với những dấu vết để lại trên cơ thể cháu bé, phù hợp với lời khai của người làm chứng và số lần cháu bé nhập viện, kết quả điều trị vết thương, cơ quan điều tra cần khởi tố với đối tượng này về nhiều tội danh trong đó có tội Giết người theo khoản 1 điều 123 bộ luật hình sự năm 2015, tội Cố ý gây thương tích theo điều 134 BLHS và tội Hành hạ người khác theo điều 140 Bộ luật hình sự 2015.

Ảnh chụp dị vật trong đầu cháu bé

“Trong trường hợp nếu cơ quan điều tra xác định, đối tượng đã đánh đập, hành hạ cháu bé mà không gây ra thương tích nhưng gây tổn thương nặng nề đến tâm lý, đời sống, sức khỏe của cháu bé thì những hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội hành hạ người khác theo điều 140 bộ luật hình sự năm 2015 theo nguyên tắc mỗi hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý một lần. Qua điều tra, nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu của tội giết người thì sẽ xử lý về tội giết người, hành vi nào thỏa mãn dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích sẽ xử lý về tội cố ý gây thương tích. Còn hành vi hành hạ người khác mà thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm độc lập thì sẽ xử lý thêm về tội hành hạ người khác”- luật sư Diệp Năng Bình nói.

Trách nhiệm người mẹ đối với con đẻ còn nghiêm trọng hơn so với người tình

Trong vụ án này, theo quan điểm của các luật sư, cần thiết phải làm rõ vai trò của người mẹ. Bởi, nếu người mẹ chứng kiến đối tượng nhiều lần có hành vi sát hại con mình mà không can ngăn, bỏ mặc cho hậu quả xảy ra, dù không có tác động nào cùng đối tượng sát hại con thì vẫn phải chịu trách nhiệm đồng phạm Giết người cùng đối tượng với vai trò giúp sức về tinh thần.

Trường hợp người mẹ không chứng kiến hoặc không biết đối tượng nhiều lần sát hại con mình nhưng sau đó biết hoặc có hành vi xóa dấu vết, bao che cho đối tượng thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Không tố giác tội phạm hoặc Che giấu tội phạm theo quy định tại các Điều 389, 390 Bộ luật hình sự.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám Đốc, Công Ty Luật TNHH TGS - thuộc Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội thì cho rằng, trách nhiệm người mẹ đối với con đẻ còn nghiêm trọng hơn so với người tình. Nếu xác định được hành vi do cặp đôi này thỏa thuận, thống nhất kế hoạch để hành hạ cháu bé thì ngoài tình tiết nêu trên, người mẹ còn có thể bị áp dụng thêm các tình tiết tăng nặng khác như: “Phạm tội vì động cơ đê hèn; Phạm tội đối với người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn ác để phạm tội;….”

“ Mọi hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được sống sẽ phải bị xử lý nghiêm minh nhất. Hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác là vi phạm pháp luật và được coi tội ác lớn nhất và không có điều gì có thể để bao biện cho hành vi tàn ác, không còn tính người”- luật sư Nguyễn Đức Hùng nói.

Bé N.Đ.A (3 tuổi, ở xã Canh Nậu, Thạch Thất)

Luật sư Nguyễn Đức Hùng cũng cho rằng, thời gian gần đây nhiều vụ án về bạo hành trẻ em xảy ra khiến dư luận xã hội bức xức, đau lòng. Nguyên nhân chủ yếu là nhận thức của các gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào đó còn bị xem nhẹ; nhiều thói quen, phong tục, tập quán có hại cho trẻ em chưa được các cấp, các ngành quan tâm đấu tranh loại bỏ như đánh con là việc “bình thường”. Việc ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột đối với trẻ em chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời vì họ không muốn có sự “rắc rối” liên quan đến họ. Bạo lực đối với trẻ em chưa được cảnh báo đúng mức, đa phần những trẻ em bị ngược đãi, xâm hại và bị bóc lột có tâm lý mặc cảm, tự ty hoặc tâm lý thù hận đối với xã hội và sau này khi trưởng thành nhiều em trong số đó cũng ứng xử tương tự đối với người khác./.

Điều 123. Tội giết người

Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

-------------------------------------

b) Giết người dưới 16 tuổi;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

n) Có tính chất côn đồ;

q) Vì động cơ đê hèn.

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác41

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm./.

Tác giả: Nguyễn Hiền

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP