Ông Hồ Văn Sơn (SN 1966; ngụ thôn Văn Thủy, xã Trường Thủy) là một trong những trai tráng từng ôm mộng đổi đời từ trầm hương. Ông kể khoảng những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, phong trào tìm trầm của người dân nơi đây rất rầm rộ. Thời thanh niên, ông đã theo người lớn vào rừng tìm trầm. Mỗi lần đi phải mất cả tháng, song chỉ tìm được một vài miếng trầm không đáng kể.
Khoảng năm 1992, trầm bắt đầu khan hiếm, người tìm trầm phải lặn lội qua các dãy núi tận bên nước bạn Lào nhưng rủi ro luôn rình rập, thậm chí có thể mất mạng do nhiều nguyên nhân như: sốt rét, lũ quét, bị thổ phỉ bắn... từ đó người đi tìm trầm ít lại. Đi vài chuyến nhưng không thu được gì nên nhiều người đã "giải nghệ".
Thời điểm đó, có công ty bán giống cây dó bầu đến quảng cáo: "Cây dó bầu nếu trồng 10 năm, kích axít hoặc chế phẩm sinh học vào thân sẽ tạo trầm hương hoặc kỳ nam. Có thể bán tiền tỉ, giàu lên nhanh chóng...". Từ đó, hàng trăm hộ dân xã Trường Thủy đã vay mượn tiền, đổ xô mua giống cây dó bầu về trồng và chăm sóc.
Vườn cây dó bầu của ông Nguyễn Văn Quý gần 25 năm tuổi ở xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình |
"Công ty bán giống quảng cáo, hứa hẹn nhiều lắm. Nghe nhiều người đồn thổi nên vợ chồng tôi cũng đánh liều vay mượn tiền mua hơn 200 gốc dó bầu và bỏ công chăm sóc cho đến nay, với hy vọng cây sẽ tạo ra trầm hương có giá trị và bán được tiền tỉ. Nhưng rồi chúng tôi vỡ mộng vì đến nay chẳng cây nào có trầm, vườn cây mấy chục năm tuổi giờ chẳng ai hỏi mua" - ông Sơn thở dài.
Tương tự là hộ ông Nguyễn Văn Quý (ngụ thôn Giang Sơn, xã Trường Thủy). Năm 1995, ông Quý mua hơn 500 gốc dó bầu, khoảng 10.000 đồng/cây, là số tiền rất lớn vào thời điểm đó. Ông Quý nhẩm tính 10 năm sau, mỗi gốc chỉ cần bán ra với giá 5-10 triệu đồng cũng thu về bạc tỉ.
Đến nay, vườn cây dó bầu của ông Quý đã hơn 25 năm tuổi, có cây lớn với đường kính khoảng 40-50 cm. "Hàng chục năm vật lộn bỏ công chăm sóc tỉ mỉ, nay cây đã lớn quá độ khai thác nhưng chẳng thương lái nào ngó ngàng hay hỏi han gì. Năm năm trước, có nhóm người tới kích thuốc sinh học để tạo trầm trong cây nhưng chẳng thấy trầm đâu nên họ đi luôn. Mới đây, tôi đành bán 100 gốc cây để họ cấy trầm với giá rẻ mạt, vì gỗ cây này xốp, không có lõi nên chẳng có giá trị sử dụng, chỉ làm củi đốt" - ông Quý buồn bã.
Vì bị kích axít quá đà, nhiều cây dó bầu của người dân xã Trường Thủy chết khô |
Theo thống kê của UBND xã Trường Thủy, trên địa bàn có hàng trăm hộ dân trồng hơn 20 ha cây dó bầu. Có nhiều vườn cây có tuổi đời trên 15 năm nhưng chưa đưa vào khai thác vì chưa biết sử dụng để làm gì. Có khoảng 5 ha cây dó bầu của người dân bị chết do kích thuốc tạo trầm.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy, cho biết cây dó bầu được người dân trồng tự phát tại địa phương từ nhiều năm trước vì tin lời đồn cây này sẽ tạo trầm hương hoặc kỳ nam, bán ra thị trường có giá rất cao. Tuy nhiên, qua thực tế, chưa hộ dân nào trồng dó bầu mà tạo được trầm để bán thu tiền tỉ, một số hộ vì kích thuốc quá đà khiến nhiều cây chết, gây thiệt hại lớn.
"Địa phương đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân không vì nghe lời đồn thổi mà nhân rộng cây dó bầu khi không bảo đảm đầu ra, tránh tình trạng "mất cả chì lẫn chài". Theo khoa học, cây dó bầu tự nhiên trong rừng có khi cả trăm năm mới cho trầm trên thân cây bị thương tích, ngã đổ và hàng trăm ngàn cây mới có một cây cho trầm, hàng triệu cây mới có kỳ nam" - ông Tình nói.
Tác giả: Hoàng Phúc
Nguồn tin: Báo Người Lao động