Chúng tôi đều là dân tỉnh lẻ, sinh sống và làm việc ở Hà Nội được 15 năm. Chồng tôi làm quản lý thị trường cho một hãng dược, tôi làm giáo viên, ngoài giờ dạy ở trường, tôi đi làm thêm cho một trung tâm gia sư.
Mới đây, gia đình tôi sang nhà đồng nghiệp của vợ mừng tân gia. Đó là một căn hộ chung cư khang trang, tiện nghi khiến nhiều người phải mơ ước. Nghe họ chia sẻ cách tích lũy tiền mua nhà, tôi không khỏi giật mình trước cách chi tiêu của gia đình mình.
Theo bạn của vợ chia sẻ, gia đình họ thu nhập 1 tháng còn kém xa vợ chồng tôi. Mỗi tháng tổng thu nhập họ cũng chỉ tầm 17 triệu, họ nuôi 2 đứa con ăn học mà còn tích lũy được tiền mua nhà.
"Với thu nhập 30 triệu, hai vợ chồng tôi ở Hà Nội 15 năm vẫn không tích lũy đủ tiền mua nhà" (Ảnh minh họa, nguồn: Giađình.net.vn) |
Trong khi đó, thu nhập hai vợ chồng cộng lại cũng được khoảng 30 triệu/tháng, tuy nhiên 15 năm sống ở Hà Nội, chúng tôi vẫn chưa để dành được một khoản tiền tiết kiệm nào.
Chúng tôi vẫn phải đi thuê nhà bởi chi tiêu cho hai đứa con ăn học đã ngốn 1 nửa số tiền chúng tôi kiếm được. Cụ thể, tiền chi phí sinh hoạt trong gia đình bao gồm ăn uống, điện nước, vệ sinh… là 8 triệu, tiền xăng xe, điện thoại của hai vợ chồng là 2 triệu, tiền thuê nhà 5 triệu/tháng. Số tiền còn lại chi vào tiền học ở trường và học thêm ngoại ngữ cho các con.
Ngay từ khi các con còn bé, vợ chồng tôi xác định đầu tư dài hạn vào lĩnh vực giáo dục cho các con. Vì vậy khi các con học mầm non, chúng tôi cũng cho con vào trường song ngữ với mức học phí 5 triệu/tháng/cháu. Ngoài ra chi phí mua sắm quần áo, đi du lịch, thăm hỏi người đau ốm, cưới xin... Vì vậy có tháng chúng tôi còn không đủ chi tiêu.
Đến khi vào tiểu học, tất nhiên chúng tôi cũng cho hai con theo học trường có mức phí không dưới 5 triệu/tháng/cháu. 6 triệu còn lại chúng tôi dành cho việc mua sắm quần áo, đưa con đi chơi cuối tuần và học thêm cho các con.
Ngoài ra, vợ chồng tôi còn đăng ký cho các cháu học giao tiếp tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ của nước ngoài với mức học phí khá cao.
Khi thấy trung tâm này đưa ra gói ưu đãi đóng 25 triệu/1 suất sẽ được học 1 năm rưỡi, so với chi phí đóng hàng tháng sẽ giảm được 30%. Chồng tôi đã quyết định đi vay tiêu dùng cá nhân ở ngân hàng, lấy 50 triệu đóng học cho con.
Như vậy, mỗi tháng vợ chồng tôi còn phải trả thêm khoản tiền lãi và gốc của món vay tiêu dùng cá nhân đó. Vợ bạn tôi chia sẻ, khi mới kết hôn, hai vợ chồng đã xác định phải tiết kiệm hết mức để gom tiền mua nhà.
Mỗi tháng làm được 17 triệu, họ dành một khoản 5 triệu gửi tiết kiệm, còn 12 triệu họ tính toán như sau: Cho con học mầm non trường công với mức học phí 1 triệu/tháng, 2 con là 2 triệu. Thuê nhà nhỏ, xa trung tâm thành phố nhưng giá chỉ 2 triệu, còn 8 triệu chi phí cho sinh hoạt, mua sắm trong gia đình.
Họ cũng chia sẻ thêm, các bữa ăn họ đều tự nấu nướng, không bao giờ đi ăn nhà hàng vừa đảm bảo vệ sinh lại tiết kiệm tiền.
Quần áo mua cho con gái lớn, mặc chật thì tái sử dụng cho em. Một số vật dụng họ tìm đến các chợ đồ cũ, mua về tân trạng sử dụng với giá thành nhỏ hơn nhiều so với đồ mới. Ví dụ: Máy giặt mới giá 4 triệu thì họ mua ở cửa hàng đồ cũ chỉ khoảng 1,5 triệu…
Sau 15 năm, bằng số tiền tiết kiệm được và của hồi môn ngày cưới hai gia đình tặng, vợ chồng họ đã mua được căn chung cư, 2 phòng ngủ giá 1 tỷ đồng ở ngoại thành. Giờ họ đã có 1 căn nhà như ý, con gái lớn họ đã vào cấp 3, dù học trường công nhưng cháu có thành tích học tập khá tốt.
Bạn của vợ tôi chia sẻ, khi không phải tiết kiệm tiền mua nhà, với mức lương của họ, vẫn đủ cho con theo học tại một trung tâm Anh ngữ đắt đỏ. Họ còn dồn lương thưởng Tết và tiền lương hằng tháng vào một sổ tiết kiệm. Sau 1 năm mua nhà, họ tích lũy được một sổ tiết kiệm có số dư hơn 200 triệu.
Tôi thực sự thấy hoang mang, không biết mình nên điều chỉnh lại cách chi tiêu của gia đình hay cứ giữ nguyên cách sống như hiện nay, bởi nhiều người vẫn nói: "Đầu tư vào giáo dục cho con là kế hoạch đầu tư thông minh nhất".
Nếu như vậy, có lẽ về già, vợ chồng tôi cũng không có nổi 1 xu tiết kiệm...
Tác giả: Hải Nam
Nguồn tin: Báo VietNamNet