Pháp luật

Vietcombank bị tố kê biên, thu giữ tài sản trái pháp luật?

Ông Nguyễn Phúc Tấn (trú tại số nhà 12, ngách 15/5, phố Vọng Hà, phường Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội) là đại diện của gia đình GS. Toán học Nguyễn Văn Thoại và bà Nguyễn Hồng Phấn có đơn thư khiếu nại việc Sở giao dịch NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) kê biên, thu giữ trái luật tài sản vay vốn thế chấp NH là căn nhà số 44 phố Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội).

Đơn thư của ông Nguyễn Phúc Tấn đề nghị phía Vietcombank xem xét lại việc kê biên, thu giữ tài sản căn nhà số 44 phố Liễu Giai

Trong đơn thư gửi Thương hiệu & Công luận, ông Nguyễn Phúc Tấn viết: “Ngày 9/10/2006, gia đình chúng tôi và Sở giao dịch Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam có ký Hợp đồng thế chấp tài sản số 06/TDTG/TC1184, tài sản thế chấp nhà số 44 Liễu Giai để cho thuê. Sau khi giải ngân cho vay tiền, chúng tôi đã ký hàng loạt hợp đồng mua bán vật tư, thiết bị, mua bán vật liệu xây dựng, ký hợp đồng nhà thầu xây dựng.

Đang trong quá trình xây dựng sửa chữa, lắp đặt thiết bị, vì lý do khách quan là UBND TP. Hà Nội có Văn bản số 999/UBND-NNDC ngày 15/2/2007 yêu cầu UBND quận Ba Đình phải thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chúng tôi và yêu cầu dừng thi công công trình.

Do Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng bị thu hồi, chúng tôi không thể tiếp tục thực hiện việc xây dựng và cải tạo để cho thuê, chúng tôi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, tiền mua thiết bị đã được trả, nhà thì không thể tiếp tục xây dựng hoàn thiện để kinh doanh, tiền thì đã vay ngân hàng, lãi suất ngân hàng vẫn phải trả theo thỏa thuận.

Trước tình hình trên, chúng tôi đã nhiều lần gặp gỡ trao đổi với Ngân hàng Ngoại thương xin ân hạn cho một thời gian để chúng tôi tìm nguồn tài chính chi trả lãi, nhưng không được phía ngân hàng chấp thuận”.

Trong đơn thư, ông Tấn cũng cho biết: “Ngày 25/6/2010, Ngân hàng Ngoại thương, đại diện là các ông, bà Lê Thị Lan Dung, Nguyễn Minh Giang, Cao Kiều Mai cùng với UBND phường Cống Vị, Công an phường Cống Vị, Công ty CP Bán đấu giá Hà Nội đến thu giữ, kê biên tài sản nhà đất số 44 Liễu Giai và các tài sản trong nhà.

Trong quá trình thu giữ kê biên của Ngân hàng Ngoại thương thì không có mặt chúng tôi, vì khi đó chúng tôi đang công tác ở nước ngoài. Toàn bộ tài sản của chúng tôi bị Ngân hàng Ngoại thương chiếm giữ bất hợp pháp. Họ còn cho xây bịt kín cửa chính và niêm phong, không cho bất cứ người nào được ra vào”.

Cũng trong đơn thư này, ông Tấn cho rằng: “Hành vi của Ngân hàng Ngoại thương là xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp, chiếm giữ tài sản trái phép. Đây là hành vi vi phạm pháp luật hình sự (lý do là chưa có quyết định của Viện Kiểm sát và Tòa án Nhân dân). Như vậy, hành vi của Ngân hàng Ngoại thương trong việc thu giữ kê biên tài sản của chúng tôi là trái quy định của pháp luật, trái với đạo đức xã hội, cần được xem xét xử lý…

Hành động nói trên của những người đại diện Ngân hàng Ngoại thương trong việc kê biên thu giữ niêm phong xây bịt kín lối vào nhà chúng tôi đã phạm vào tội xâm phạm chỗ ở của công dân, được quy định tại điều 124 Bộ luật Hình sự, chiếm giữ tài sản trái phép được quy định tại điều 141 Bộ luật Hình sự”.

Ông Tấn cho biết, năm 2013, Vietcombank đã khởi kiện vụ án này ra Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội. Gia đình bà Phấn đã chủ động trình bày phương án thanh toán nợ gốc, nợ lãi nhưng không được đồng ý.

Vụ án vẫn đang được giải quyết, nhưng ngân hàng lại tiến hành thu giữ, kê biên căn nhà này. Cộng với việc thành phần tiến hành kê biên căn nhà số 44 Liễu Giai phần lớn là nhân viên ngân hàng, cán bộ phường và tổ dân phố sở tại nên gia đình cho rằng, việc làm này của phía Vietcombank là trái với các quy định của pháp luật, khiến gia đình ông rơi vào hoàn cảnh khốn quẫn.

Gia đình trí thức tiêu biểu của Thủ đô

Vợ chồng bà Nguyễn Hồng Phấn và ông Nguyễn Văn Thoại là một trong gia đình lão thành cách mạng và trí thức tiêu biểu của Thủ đô. Ông Nguyễn Văn Thoại là GS. TS Toán học, hiện đang giảng dạy tại Đại học Trier của Cộng hòa Liên bang Đức; đồng thời là Chủ tịch Hội đồng người Việt Nam tại Đức, có nhiều đóng góp trong công tác này. Bà Nguyễn Hồng Phấn là TS kinh tế cũng đang giảng dạy tại Trường Đại học Trier của Cộng hòa Liên bang Đức.

Tác giả: Lê Đại

Nguồn tin: Báo Thương hiệu & Công luận

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP