Trang chủ của Liên đoàn Bóng chuyền châu Á (AVC) nhiều ngày qua liên tục đề cập 4 đội tuyển Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản bằng danh xưng "power houses" (đội mạnh) khi nói về tư cách những đội dẫn đầu tại các bảng vòng loại Giải Vô địch bóng chuyền nữ châu Á 2023.
Bản tin về giải đấu nữ hàng đầu châu lục cũng liên tục sử dụng các cụm từ "unbeaten runs" (chuỗi trận bất bại) hay "unbelievable matches" (những trận đấu khó tin) để nói về chiến tích của tuyển Việt Nam, 1 trong 4 đội sở hữu thành tích toàn thắng từ đầu giải để đứng đầu vòng loại và tiếp đó giành luôn vé vào tranh bán kết. Tuyển Việt Nam còn được nhắc đến một cách trân trọng nhờ việc giành 2 danh hiệu AVC Women’s Club Cup (với phiên hiệu Sport Center 1) và AVC Challenge Cup trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua.
So với lứa tuyển thủ được mệnh danh "thế hệ vàng" gồm Ngọc Hoa, Kim Huệ, Phạm Thị Yến, Đỗ Thị Minh… của hơn 10 năm trước từng góp mặt trong top 6 châu Á, có thể xem dàn cầu thủ Thanh Thúy, Kiều Trinh, Lâm Oanh, Nguyễn Trinh, Bích Thủy, Nguyệt Anh, Khánh Đang… hiện tại như "thế hệ cầu thủ kim cương". Kể từ lần chập chững góp mặt tại giải đấu lần V-1991, bóng chuyền nữ Việt Nam đã phấn đấu suốt hơn 3 thập kỷ với nhiều thế hệ cầu thủ để giờ đây vươn lên vị trí thứ 5 châu Á, hạng 40 thế giới và lần đầu tiên trong lịch sử vào đến bán kết đấu trường hàng đầu châu lục.
Tuyển Việt Nam hướng đến chiến tích lịch sử Ảnh: AVC |
Bảng xếp hạng của AVC cũng như FIVB phản ánh tương đối chân thật sức mạnh và đẳng cấp của từng đội bóng, khác với danh sách tương tự của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) vốn bị xem là "hữu danh vô thực". Tính riêng trên bình diện châu lục, chỉ có Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Hàn Quốc xứng đáng góp mặt trong 4 hạng đầu bởi ở nhóm kế tiếp, Kazakhstan và Đài Loan (Trung Quốc) cũng chỉ có thể tranh chấp ngang ngửa với Việt Nam mà số lần thất bại của họ những năm gần đây trước Việt Nam ngày một nhiều hơn.
Dù từng để thua chính Thái Lan ở chung kết SEA Games 32 và 2 trận "chung kết" SEA V-League mới đây, thế nhưng tuyển Việt Nam lại có quyền tính toán khi cân nhắc chỉ sử dụng đội hình hai khi chạm trán đội chủ nhà ở trận cuối vòng bảng thứ nhì, vốn chỉ còn ý nghĩa xác định vị trí nhất, nhì bảng E vào tối 4-9.
Thắng hay thua, ở vòng bán kết sắp tới tuyển Việt Nam cũng sẽ đối đầu cùng một trong hai đối thủ mạnh nhất giải là đương kim vô địch Nhật Bản (hạng 8 thế giới) hoặc đội đương kim hạng tư năm 2019 Trung Quốc, hiện xếp vị trí số 5 thế giới (giải vô địch châu Á 2021 bị hoãn do tình hình đại dịch COVID-19).
Chính vì thế, việc dưỡng chân đội hình chủ lực là cần thiết và tuyển Việt Nam có quyền nghĩ đến việc tạo ra một cơn chấn động mới tại giải năm nay, sau cú địa chấn quật ngã đội hạng ba năm 2019 Hàn Quốc ở vòng bảng mới đây. Giới chuyên môn bóng chuyền vẫn hay nhắc lại kỳ tích tuyển Việt Nam từng đánh bại Nhật Bản với tỉ số 3-1 ở trận tranh hạng 5 tại Giải Vô địch châu Á 2017.
Những ai thích mơ mộng với bóng chuyền Việt Nam thì lại đang bay bổng cùng một giấc mơ khác, xoay quanh 3 suất vé tham dự Giải Vô địch bóng chuyền nữ thế giới - FIVB Championships 2023 được trao cho 3 đội đạt thứ hạng cao nhất tại đấu trường châu Á lần này.
Đã từng bất ngờ giành suất tham dự FIVB Challenger Cup hồi giữa năm nhờ chức vô địch AVC Challenge Cup, tuyển Việt Nam hoàn toàn có quyền nghĩ đến việc đặt chân đến sân chơi FIVB Championships khi chỉ còn cách giấc mơ lớn đúng 2 trận đấu. |
Lịch thi đấu của tuyển Việt Nam Ngày 5-9: Bán kết. Ngày 6-9: Chung kết và tranh hạng ba. |
Tác giả: ĐÀO TÙNG
Nguồn tin: Báo Người Lao động