Tại cuộc họp báo ngày 8/11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi liên quan đến vụ việc Trung Quốc tuyên bố khai trương trạm khí tượng ở ba đảo xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc đưa vào sử dụng các trạm quan trắc trên các cấu trúc xây dựng tại đảo trái phép ở quần đảo Trường Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này”.
“Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động nói trên, tuân thủ nghiêm thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản, chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc và tuyên bố ứng xử của các bên về Biển Đông DOC, không làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông và khu vực cũng như những nỗ lực của các nước trong việc đàm phán bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông”, người phát ngôn nhấn mạnh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Việt Linh. |
Ngày 1/11, South China Morning Post đưa tin Trung Quốc mở các trạm quan sát khí tượng tại ba đảo nhân tạo nước này bồi đắp trái phép trên Biển Đông gồm Đá Chữ Thập, Đá Xubi và Đá Vành Khăn. Các đảo này thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói các cơ sở sẽ được sử dụng chủ yếu để đảm bảo an toàn hàng hải trên Biển Đông. Tuy nhiên, động thái này làm dấy lên hoài nghi rằng Bắc Kinh có thể sẽ sử dụng các trạm này cho mục đích quân sự.
Từ 2013 đến 2016, Trung Quốc đã ngang nhiên tiến hành bồi lấp và xây dựng trái phép các công trình trên các đá và rạn san hô thuộc chủ quyền Việt Nam. Trung Quốc cũng đã triển khai quân đội trên những khu vực này cùng các hệ thống radar, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và hệ thống tên lửa đối đất, chống hạm.
Gần đây, cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, đã lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Mỹ cũng thường xuyên cử tàu chiến tuần tra khu vực này để thúc đẩy quyền tự do hàng hải.
Tác giả: Hương Ly - Ngọc Hà
Nguồn tin: zing.vn