Thế giới

Việt Nam có thể là hình mẫu hội nhập quốc tế cho Triều Tiên

Việc xây dựng quan hệ hợp tác với cựu thù Mỹ và công cuộc Đổi mới được chuyên gia đánh giá là kinh nghiệm Việt Nam có thể chia sẻ với Triều Tiên.

Ông Phạm Tiến Vân, cựu đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc và Triều Tiên. Ảnh: Trọng Giáp.

"Việt Nam có thể giúp Triều Tiên hội nhập quốc tế bằng kinh nghiệm biến quan hệ thù địch với Mỹ trong chiến tranh thành quan hệ hợp tác toàn diện như hiện nay", ông Phạm Tiến Vân, cựu đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc và Triều Tiên, chia sẻ tại Diễn đàn hòa bình Hàn Quốc - Mekong 2018 diễn ra hôm qua tại Hà Nội.

Theo ông Vân, phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Hàn, cho rằng quan hệ Việt - Mỹ có bước phát triển lịch sử khi hai nước trở thành đối tác chiến lược toàn diện năm 2013. Ông nhận định bên cạnh việc ủng hộ quá trình phi hạt nhân hoá và hoà giải liên Triều thông qua đàm phán từ hai tới sáu bên, Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm 30 năm thực hiện chính sách Đổi mới, cải cách và mở cửa với Triều Tiên.

Triều Tiên trước đây ưu tiên quân sự, quốc phòng và ưu tiên bảo vệ chế độ trước kinh tế, nhưng khi đặt kinh tế lên trên, Bình Nhưỡng phải giải quyết vấn đề hạt nhân để mở đường phát triển và hội nhập quốc tế, chuyên gia này nói.

Ông Kim Jung-in, chủ tịch Hội đồng Tây Đông Nam Á thuộc Hội đồng tư vấn thống nhất hòa bình dân chủ, có chung nhận định khi cho rằng trong tương lai, Triều Tiên bắt buộc phải đi theo con đường cải cách và phát triển.

"Đã có nhiều quan điểm cho rằng Triều Tiên khi đó sẽ đi theo hình mẫu kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, vốn được gọi bằng cụm từ 'Đổi mới' tại Việt Nam", ông Kim nói. Ông hy vọng hội đồng và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ có cơ hội mời các chuyên gia Triều Tiên để tổ chức diễn đàn hòa bình ngay tại Hà Nội.

Ông Lee Jong-seok, cựu Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc, cho rằng hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều vừa diễn ra và cuộc gặp sắp tới giữa lãnh đạo Mỹ với Triều có ý nghĩa "cởi bỏ nút thắt", giải tỏa tình hình căng thẳng trong 73 năm qua.

Ông Lee Jong-seok, cựu Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc, hôm qua phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Trọng Giáp.

Từng tham gia các hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều trước đây, ông Lee nhận định lần này lãnh đạo Triều Tiên tỏ rõ thái độ tích cực hơn, ý chí hòa bình và không mang tính đối đầu. Ông Kim đưa ra quyết định rõ ràng và tuyên bố Panmunjom được dự đoán sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực.

"Điều quan trọng nhất là vấn đề hạt nhân. Nếu không giải quyết được vấn đề này, hòa bình rất khó diễn ra", ông Lee, ủy viên nghiên cứu cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Sejong, nói.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử tại Panmunjom hôm 27/4. Tuyên bố chung sau cuộc gặp của hai lãnh đạo nhấn mạnh Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ sớm ký hiệp ước hòa bình chấm dứt chiến tranh, đồng thời cam kết cùng hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng dự kiến lần đầu tiên gặp lãnh đạo Triều Tiên tại Singapore vào ngày 12/6 tới để thảo luận về phi hạt nhân hóa bán đảo.

Tác giả: Trọng Giáp

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP