Du lịch

Việc lạm dụng voi trong du lịch ở Việt Nam lên báo Mỹ

Du khách thường nghĩ cưỡi voi chẳng gây hại gì nhưng câu chuyện thuần phục tàn nhẫn để chúng ngoan ngoãn cho bạn cưỡi lại khiến nhiều người ám ảnh.

Trang Bussiness Insider vừa đăng tải lại bài viết "Lý do du khách nên ngừng cưỡi voi" trên tạp chí bảo vệ động vậy Mỹ The Dodo. Mở đầu bài viết là cái chết hồi tháng 5 của con voi Na Lieng 43 tuổi thuộc Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Buôn Đôn. Trang này cũng nhấn mạnh đây không phải là con voi duy nhất bị chết vì kiệt sức trong ngành công nghiệp du lịch địa phương.

Dẫn lời một bác sĩ thú y trong Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk, người này cho biết hiện Việt Nam có hơn 50 con voi đang bị giam cầm và hầu như chúng đều bị các chủ sở hữu và công ty du lịch bắt làm việc quá sức.

"Khách du lịch đến Đắk Lắk để xem và cưỡi voi. Họ sẽ phải trả rất nhiều tiền cho chủ sở hữu, vì vậy những con voi phải làm việc cả ngày, còn ban đêm mới được thả vào rừng". Bác sĩ cho biết thêm, vào mùa khô tình hình còn đáng lo ngại hơn vì thiếu thức ăn. Do đó, một số trường hợp đã bị chết.


Du khách vui đùa với những con voi. Ảnh: Instagram

Sống và thuần hóa trong điều kiện khổ cực

Đó chỉ là một số trong 12.000 (hoặc nhiều hơn) con voi bị giam cầm ở châu Á. Hiện tổng cộng có khoảng 38.000 đến 50.000 con voi châu Á trên toàn cầu, và chúng được liệt vào danh sách bị đe dọa của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN.

Ngoài Việt Nam, voi còn được sử dụng cho các chuyến du lịch ở nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Sri Lanka, Lào, Campuchia, Indonesia và Thái Lan. Theo báo cáo của hội bảo vệ động vật thế giới năm 2010, ở Thái có 1.688 con voi bị giam cầm tại 118 địa điểm trên khắp đất nước, hầu hết trong số đó được cung cấp cho khách cưỡi hoặc biểu diễn.

Cũng theo báo cáo, hơn một nửa trong số voi này phải sống trong điều kiện khắc nghiệt. Chúng không được giao tiếp với các con voi khác hay chăm sóc thú y. "Những con voi bị tách mẹ khi chỉ mới vài tháng tuổi. Cô lập, bỏ đói, đánh đập chỉ là một số phương pháp được sử dụng để huấn luyện chúng cách cư xử và biểu diễn".

Tiến sĩ Jan Schmidt-Burbach - cố vấn cấp cao về thú y và động vật hoang dã của Tổ chức bảo vệ động vật thế giới có trụ sở tại Bangkok cho biết: "Khách du lịch có thể nghĩ cưỡi một con voi không gây hại, nhưng việc thuần hóa chúng thật sự rất tàn bạo".

Thậm chí chúng còn phải đi trên những con đường nhựa nóng, bị thuần phục bởi dây xích và dùi cui, không được chăm sóc thú y, mất nước, nứt chân, nhiều khi bị xích trong thời gian dài dưới trời nắng nóng.

Theo cuộc khảo sát của Hội bảo vệ động vật thế giới năm 2014, gần 50% du khách cho biết "họ trả tiền cho trải nghiệm cưỡi voi vì yêu thương động vật". Khách du lịch có thể bị sốc khi biết rằng trong một số trường hợp, các loài động vật đang bị đối xử rất tồi tệ.

Đối với một vài khách du lịch, việc ngồi trên lưng loài động vật có vú trên cạn lớn nhất thế giới là một trải nghiệm nhất định phải thử. Không ít người khác lại cho rằng chỉ có kẻ ngốc mới nghĩ điều đó là trải nghiệm vui vẻ. Những người đứng giữa hai luồng suy nghĩ cho rằng có sự nhần lẫn trong thông điệp truyền tải khi một số tạp chí du lịch viết bài tán dương các trang trại nuôi voi và quản tượng.

Một số công ty du lịch đã loại bỏ hoàn toàn các chuyến đi cùng voi trong lịch trình của họ. Một trong số đó là Intrepid Travel với 30 hành trình vào tháng 1/2013. Christian Wolters, Phó tổng giám đốc của Intrepid Travel cho biết quyết định này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình và kết quả là "2.500 người từ bỏ trải nghiệm cưỡi voi mỗi năm".

Du lịch voi - không chỉ đơn thuần là phục vụ khách

Tuy nhiên điều này không hề dễ dàng ở các nước mà dịch vụ du lịch với voi rất phát triển như Thái Lan. John Roberts là giám đốc bảo tồn voi cho Anantara Golden Triangle Elephant Camp & Resort Thái Lan. Roberts và nhóm của mình hiện quản lý một trang trại với 19 con voi, nơi theo ông là ưu tiên các quyền lợi của động vật.

Với 13 năm kinh nghiệm tại Thái Lan, ông cho biết cuộc tranh luận không đơn giản là cưỡi hay không cưỡi voi. Với các gia đình quản tượng, họ sử dụng voi để kiếm sống và hiện nay du lịch là lựa chọn duy nhất. Cách quản tượng đối xử với voi dựa chủ yếu vào những gì họ học được từ cha và ông nội.


Voi vị xiềng xích trong điều kiện khắc khổ. Ảnh: Instagram

Roberts cho biết ở Thái Lan, dịch vụ trekking cùng voi thực sự phát triển nhưng không phải tất cả đều giống như Anantara. "Trại mới được mở ra gần như hàng tuần tại các khu du lịch biển và đảo của Thái Lan cũng như các nước láng giềng", Roberts nói. Ông lo ngại rằng nhiều quản tượng sẽ bị buộc phải tìm được việc làm trong các trại trang nuôi voi mới. Do đó, điều Roberts trăn trở là làm thế nào chúng ta vừa sử dụng voi cho du lịch, vừa chăm sóc chúng tốt nhất có thể".

Văn hóa quản tượng cũng là một yếu tố rất quan trọng. Ví dụ như ở Ấn Độ, một quản tượng có thể cải thiện hoặc tước bỏ quyền của con voi mà anh ta chăm sóc. Geeta Seshamani, đồng sáng lập của tổ chức Wildlife SOS, phương pháp thuần hóa truyền thống của quản tượng Ấn Độ là đánh đập voi để chúng sợ hãi và tuân phục. Tuy nhiên điều này cũng tiềm ẩn sự trả thù khi chúng cơ hội và Seshamani tiết lộ có hàng trăm quản tượng bị giết bởi chính những con voi của mình.

Hiện cô đang thành lập một trường đào tạo quản tượng ở Ấn Độ giúp họ từ bỏ các phương pháp thuần hóa truyền thống nguy hiểm, vô nhân đạo, thay vào đó là các phương pháp khoa học, tích cực và an toàn hơn". Wildlife SOS cũng đưa ra các dự án phúc lợi bằng cách cung cấp dịch vụ chăm sóc thú y cho voi và khuyến khích quản tượng tìm sinh kế thay thế.

Tuy nhiên, Seshamani cho rằng việc làm dụng voi chỉ thực sự giảm cho đến khi nhu cầu cưỡi voi giảm. Có khoảng 3.500 con voi bị giam cầm ở Ấn Độ và phần lớn trong số đó được sử dụng để khách du lịch phương Tây cưỡi, cô cho biết thêm.

"Chúng tôi tin rằng nếu khách du lịch phương Tây dừng cưỡi voi, cuộc sống của những con voi sẽ thay đổi trên khắp Ấn Độ," Seshamani nói. Hoặc như Hội bảo vệ động vật thế giới nói: "Lời khuyên của chúng tôi rất đơn giản: Nếu bạn yêu động vật hoang dã, hãy ngắm chúng trong môi trường sống tự nhiên".

Tác giả bài viết: Vy An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP