Áp dụng chưa đúng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ
Mới đây, ngày 20-3-2018, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã đưa ra xét xử phúc thẩm đối với Huỳnh Ngọc Sơn (SN 1983) thường trú ở thôn 7A, xã Đồng Trạch (Bố Trạch) về tội “Trộm cắp tài sản” theo kháng cáo của bị cáo và kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) thành phố Đồng Hới.
Theo kết luận bản cáo trạng, từ tháng 12-2016 đến tháng 4-2017, Huỳnh Ngọc Sơn đã thực hiện hành vi trộm cắp 3 chiếc xe mô tô trên địa bàn thành phố Đồng Hới, với tổng giá trị tài sản 40 triệu đồng. Điều đáng nói, trước đó, bị cáo Huỳnh Ngọc Sơn đã từng có nhiều tiền án về tội này.
Cụ thể, năm 2004, Sơn bị TAND huyện Bố Trạch xử phạt 18 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Trộm cắp tài sản”. Năm 2013, bị TAND huyện Bố Trạch xử phạt 15 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Năm 2017, bị TAND thành phố Đồng Hới xử phạt 24 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” và 9 tháng tù về tội “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức”.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 84/2017/HS-ST, ngày 27-12-2017, Huỳnh Ngọc Sơn đã bị TAND thành phố Đồng Hới xử phạt 12 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” (áp dụng Khoản 1 Điều 138; điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 146; Tiết 1, 2 điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 33; Điều 51 Bộ luật Hình sự).
Tuy nhiên, theo VKSND thành phố Đồng Hới, TAND cấp sơ thẩm đã áp dụng đúng tội danh và khung hình phạt, nhưng bị cáo Sơn có nhân thân xấu, đã nhiều lần bị xét xử về hành vi trộm cắp tài sản và làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức mà vẫn không tiến bộ, ngày càng gây án với tính chất nghiêm trọng hơn.
Lần phạm tội này của Sơn có nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tái phạm và phạm tội nhiều lần. Án sơ thẩm xử phạt bị cáo 12 tháng tù là quá nhẹ, chưa đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng của vụ án, không đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng ngừa đối với loại tội phạm trộm cắp tài sản đang diễn biến phức tạp và gia tăng hiện nay, không đủ tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.
Kiểm sát chặt chẽ hoạt động xét xử và các bản án nhằm bảo đảm việc tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật, kịp thời phát hiện vi phạm của các cơ quan thực thi pháp luật. |
Vì vậy, VKSND thành phố Đồng Hới đã kháng nghị phần hình phạt của bản án số 84/2017/HS-ST, ngày 27-12-2017 của TAND thành phố Đồng Hới và yêu cầu TAND tỉnh xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm để tăng hình phạt.
Tại phiên xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh đã chấp nhận kháng nghị của VKSND thành phố Đồng Hới, sửa bản án sơ thẩm về hình phạt và xử phạt bị cáo Huỳnh Ngọc Sơn 21 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”.
Áp dụng pháp luật không chính xác
Do có nhiều năm đi lao động ở các nước châu Âu qua đường dây vượt biên trái phép, sau khi về nước Mai Xuân Dũng và Mai Thị Hiền đã cấu kết với nhau tìm người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động sang Cộng hòa Liên bang Đức, với chi phí 19.000USD/người.
Trong khoảng thời gian từ tháng 7-2015 đến tháng 3-2016, Mai Thị Hiền (SN 1984) ở TDP 1, phường Hải Thành, TP.Đồng Hới đã môi giới, trực tiếp thu tiền, hồ sơ của 5 trường hợp và chuyển cho Mai Xuân Dũng làm thủ tục, để tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép. Sau khi thu tiền, hồ sơ của những người này, mặc dù Hiền đã nhiều lần tổ chức cho họ vượt biên trái phép qua Cộng hòa Liên bang Đức nhưng không thành công. Hầu hết những người này sau đó đều bị trục xuất về nước.
Ngày 31-1-2018, TAND thành phố Đồng Hới đã đưa ra xét xử và xử phạt Mai Thị Hiền 4 năm 6 tháng tù về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” (áp dụng khoản 2 Điều 275; các điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46; Điều 33 của Bộ Luật Hình sự 1999). Tuy nhiên, ngày 12-2-2018, VKSND thành phố Đồng Hới đã có kháng nghị phúc thẩm phần hình phạt số 02/KNPT-HS đối với bản án sơ thẩm số 09/2018/HS-ST, ngày 31-1-2018 của TAND thành phố Đồng Hới.
VKSND thành phố Đồng Hới cho rằng, trong vụ án này, bị cáo Mai Thị Hiền đã tích cực trực tiếp thu tiền, hồ sơ của nhiều đối tượng để gửi cho Mai Xuân Dũng và có 5 lần tổ chức cho các đối tượng trốn ra nước ngoài, đã thể hiện sự nguy hiểm cao, sự coi thường pháp luật nghiêm trọng của bị cáo. Bên cạnh đó, bị cáo Mai Thị Hiền còn có nhân thân xấu, từng bị kết án 3 năm 6 tháng tù tại Đức về tội “Giúp người xuất cảnh trái phép” và bị kết án 1 năm tù tại Vương quốc Anh về tội “Trồng cần sa trái phép”.
Bản kháng nghị nêu rõ: “Án sơ thẩm xử phạt bị cáo 4 năm 6 tháng tù là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Hơn nữa, TAND thành phố Đồng Hới đã không áp dụng Điều 47 BLHS năm 1999 nhưng lại xử phạt bị cáo Hiền 4 năm 6 tháng tù, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định là trái pháp luật nghiêm trọng”.
Bởi, nếu áp dụng khoản 2 Điều 275 như trên, mức khởi điểm hình phạt của tội danh này phải là 5 năm tù. Còn nếu xử dưới khung thì phải áp dụng thêm Điều 47. Trong bản án này, TAND thành phố Đồng Hới tuyên phạt dưới khung nhưng lại không áp dụng Điều 47 như trên. Vì vậy, VKSND thành phố Đồng Hới đã kháng nghị và yêu cầu TAND tỉnh đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm để tăng hình phạt đối với bị cáo Mai Thị Hiền.
Ngày 12-4-2018, TAND tỉnh đã chấp nhận kháng nghị của VKSND thành phố Đồng Hới, đưa ra xét xử vụ án theo trình tự thủ tục phúc thẩm và tuyên phạt Mai Thị Hiền 5 năm tù, tăng 6 tháng tù so với bản án sơ thẩm.
Theo thống kê của VKSND tỉnh, năm 2015, qua hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, VKSND 2 cấp đã ban hành kháng nghị 11 vụ/13 bị cáo, trong đó Tòa án chấp nhận 9 vụ/9 bị cáo, VKSND rút kháng nghị 2 vụ/2 bị cáo (Tòa án không chấp nhận 1 vụ/2 bị cáo). Năm 2016, VKSND 2 cấp kháng nghị 9 vụ/13 bị cáo, trong đó Tòa án chấp nhận 7 vụ/9 bị cáo, VKSND rút kháng nghị 1 vụ/3 bị cáo (Tòa án không chấp nhận 1 vụ/1 bị cáo). Năm 2017, VKSND 2 cấp đã ban hành kháng nghị 7 vụ/13 bị cáo, và đã được Tòa án chấp nhận toàn bộ.
Ông Nguyễn Xuân Sanh, Viện trưởng VKSND tỉnh cho biết, những sai sót trong các bản án của Tòa án bị VKSND kháng nghị là do nhận thức và việc áp dụng pháp luật của Tòa án ở cấp sơ thẩm còn thiếu chính xác, cùng với việc chưa xem xét một cách tổng thể và toàn diện nhân thân của đối tượng. Bên cạnh đó, một số bản án áp dụng chưa đúng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cho bị cáo.
Cũng theo ông Sanh, việc ban hành các kháng nghị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Qua đó, không những góp phần bảo đảm việc tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật, kịp thời phát hiện vi phạm của các cơ quan thực thi pháp luật, mà còn bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
"Trong thực tế, kháng nghị không chỉ nhằm mục đích tăng án, mà còn giảm án cho bị cáo. Bởi các kháng nghị yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm, thậm chí giám đốc thẩm, tái thẩm đưa ra xét xử đều được ban hành dựa trên cơ sở xem xét một cách toàn diện các quy định của pháp luật, kết hợp với đặc điểm tình hình, nhân thân của đối tượng, bảo đảm vụ án được giải quyết một cách thấu tình, đạt lý, với mức hình phạt có tính răn đe, giáo dục cao", ông Sanh nói.
Tác giả: D.C.H
Nguồn tin: baoquangbinh.vn