Thế giới

Vì sao Triều Tiên không kỷ niệm rầm rộ ngày sinh của ông Kim Jong-un?

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ bước sang tuổi 34 vào ngày mai 8/1, nhưng đây vẫn chỉ là một ngày bình thường tại Triều Tiên, trong khi sinh nhật của các cố lãnh đạo thường được xem là những ngày lễ lớn của đất nước.

Ông Kim Jong-un dự đại hội của trẻ em Triều Tiên tại Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)

Kể từ khi ông Kim Jong-un chính thức lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, các ngày sinh nhật của ông thường trôi qua rất bình lặng tại Triều Tiên. Truyền thông nhà nước Triều Tiên cũng rất hiếm hoi hoặc gần như không đề cập tới ngày này.

Lịch Triều Tiên các năm không có ghi chú đặc biệt và cũng không đề cập tới ngày 8/1. Trong bộ lịch năm mới 2018 vừa được Triều Tiên phát hành, ngày sinh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn chỉ là một ngày thứ hai bình thường

Trong khi đó, bộ lịch hàng năm của Triều Tiên đều đánh dấu ngày sinh của cha và ông nội ông Kim Jong-un là cố lãnh đạo Kim Jong-il và Kim Nhật Thành. Tại Triều Tiên, sinh nhật của cố lãnh đạo Kim Jong-il vào ngày 16/2 và được gọi là Ngày của Vì sao sáng, còn sinh nhật của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành vào ngày 15/4 và được gọi là Ngày của Mặt trời. Cả hai ngày này đều được xem là quốc lễ tại Triều Tiên.

Nhiều năm trước đây, vấn đề tuổi tác của nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn là câu chuyện bí mật tại Triều Tiên cho đến khi người cô của ông, bà Ko Yong Suk, hé lộ với báo Washington Post về thông tin này. Bà Ko Yong Suk, người chuyển tới Mỹ sinh sống từ năm 1998, cho biết ông Kim Jong-un sinh tháng 1/1984 và cùng năm sinh với con trai bà. Ko Yong Suk còn chia sẻ rằng bà từng thay tã cho cả hai cậu bé này.

Bà Ko cũng nhớ lại một dịp sinh nhật đặc biệt khi ông Kim Jong-un còn nhỏ. Vào năm 1998, sinh nhật lần thứ 8 của ông Kim Jong-un đã được tổ chức với sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao Triều Tiên. Khi đó, cậu bé Kim được tặng bộ quân phục của một vị tướng có đính các ngôi sao gắn trên áo, còn các quan chức quân đội cúi chào và bày tỏ sự thành kính với nhà lãnh đạo tương lai của đất nước.

Sinh nhật thầm lặng

Ông Kim Jong-un từng mặc quần áo của quân đội khi còn nhỏ (Ảnh: Independent)

Theo AP, vào ngày 8/1/2010, người dân Triều Tiên được cho phép nghỉ một ngày làm việc nhân dịp sinh nhật của ông Kim Jong-un. Đó là năm ông Kim Jong-un chính thức được chọn làm người thừa kế cha ông là cố lãnh đạo Kim Jong-il. Vào tháng 12 năm đó, món quà sinh nhật mà ông từng được nhận khi còn nhỏ đã thành hiện thực. Ông Kim Jong-un chính thức trở thành vị tướng 4 sao mặc dù không hề có kinh nghiệm trong lực lượng quân đội. Ngoài ra, ông cũng được bầu vào Ban Chấp hành trung ương đảng Lao động Triều Tiên.

Một sự kiện sinh nhật đáng nhớ khác của ông Kim Jong-un là vào tháng 1/2014. Khi đó, ngôi sao bóng rổ Dennis Rodman, một người bạn thân thiết của nhà lãnh đạo Triều Tiên, đã tới thăm ông và tổ chức một trận giao hữu bóng rổ ở thủ đô Bình Nhưỡng. Vào cuối trận đấu, Rodman đã hát bài “Chúc mừng sinh nhật” để tặng ông Kim Jong-un.

Mặc dù các khán giả theo dõi trận bóng rổ, trong đó đa phần là đảng viên thuộc đảng Lao động Triều Tiên, đều vỗ tay hưởng ứng ca khúc mừng sinh nhật ông Kim Jong-un, song truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin về sự kiện này theo một cách khác. Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) vào thời điểm đó nói rằng Dennis Rodman đã hát một ca khúc “thể hiện sự tôn kính với nhà lãnh đạo Kim Jong-un”.

Năm ngoái, sinh nhật ông Kim Jong-un rơi vào ngày chủ nhật thứ 2 của tháng 1 và tương tự các năm trước đó, Triều Tiên không có hoạt động nào để kỷ niệm rầm rộ sự kiện này.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và phu nhân xem bóng rổ cùng ngôi sao Dennis Rodman tại Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)

Theo ông Michael Madden, người sáng lập và là giám đốc tổ chức Giám sát lãnh đạo Triều Tiên kiêm học giả tại Viện nghiên cứu Mỹ - Hàn thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế cấp cao John Hopkins, việc Triều Tiên không tổ chức rình rang các hoạt động kỷ niệm ngày sinh của ông Kim Jong-un cho thấy suy nghĩ riêng của nhà lãnh đạo trẻ. Ông Kim có thể muốn giảm bớt các hoạt động sùng bái dành cho các thành viên trong gia đình lãnh đạo của ông.

“Tôi có cảm giác rằng ông Kim Jong-un không thực sự quá quan tâm tới việc được sùng bái và đang cố gắng né tránh điều đó trong một số khía cạnh nhất định của văn hóa chính trị ở Triều Tiên”, ông Madden nói với Newsweek.

Theo ông Madden, ông Kim Jong-un có thể đang muốn hướng đến hình ảnh một nhà lãnh đạo hiện đại hơn là một người được tôn thờ như thánh thần. Việc Triều Tiên chưa có chân dung chính thức của ông Kim Jong-un cũng có thể được xem là minh chứng cho nhận định này. Trong khi đó, ảnh chân dung và tượng của hai cố lãnh đạo Kim Jong-il và Kim Nhật Thành thường được nhìn thấy xuất hiện ở hầu hết những nơi công cộng cũng như tại nhà của mọi người dân Triều Tiên.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP