Hiện nay, nhiều đê kè biển được đầu tư xây dựng hàng trăm tỷ đồng ở tỉnh Quảng Bình hư hỏng nặng. Trước nghi vấn kè biển kém chất lượng, cơ quan chức năng tỉnh này cho rằng, cần thiết phải đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nâng cấp, thiết kế mức độ chống chọi với gió bão của hệ thống kè biển.
Chỉ có lớp bê tông mỏng và đá dăm, người dân nghi vấn công trình kém chất lượng |
Cơn bão số 10 năm 2017, sóng biển đánh vỡ đoạn kè dài khoảng 300 mét, khiến con đường ven biển xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình hư hỏng nặng, người dân không thể đi lại.
Ông Phạm Duy Sơn, ở xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, kè biển Lý Hòa này mới hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2014, các đoạn kè bị vỡ chủ yếu là bê tông và đá dăm, ít có sắt thép bên trong.
“Sở dĩ kè Lý Hòa bị sạt lở, theo tôi là do mức độ tính toán, thiết kế chưa phù hợp với sức mạnh của sóng biển. Đề nghị các ban ngành có trách nhiệm phải nghiên cứu kỹ việc này. Không chỉ tôi mà bà con thấy kè hư hỏng đều rất xót xa”, ông Phạm Duy Sơn nói.
Còn ở xã Nhân Trạch, bờ kè đầu tư lên đến 60 tỷ đồng, dài 3 km cũng khó trụ nổi trước những cơn sóng biển. Địa phương phải huy động người dân đào đất, đổ cát vào bao, lấp đầy những chỗ bị sụt lún, sạt lở. Anh Nguyễn Văn An, người dân thôn Nam, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch lo lắng khi kè vỡ, biển sẽ nuốt trôi nhà cửa, xóm làng.
Đoạn đê kè biển ở xã Hải Trạch tan hoang |
Theo thống kê của cơ quan chức năng, sau cơn bão số 10 năm 2017, hầu hết hệ thống đê kè trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đều bị hư hỏng nặng. Ông Hà Xuân Đàn, Trưởng phòng Quản lý Đê điều, Chi Cục thủy lợi tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh Quảng Bình có hơn 150 km đê kè, trong đó kè đối diện trực tiếp với biển là 11km. Hằng năm, địa phương đều trích kinh phí sửa chữa nhưng không đáng kể nên việc khắc phục không mấy hiệu quả.
“Hàng năm, tỉnh có hỗ trợ khắc phục trước mùa mưa bão nhưng kinh phí ít, không đáng kể so với nhu cầu. Số kinh phí đó chỉ để khắc phục tạm thời chứ không đủ khắc phục triệt để”, ông Xuân Đàn nói.
Theo ông Nguyễn Thành Long, Phó Chi Cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Quảng Bình, nguyên nhân đê kè biển bị vỡ, cuốn trôi do nhiều yếu tố. Trong đó, phải kể đến chất lượng công trình kém, việc thi công chưa đảm bảo. Ông Long đề nghị nên hạn chế, chấm dứt việc đầu tư tốn kém, dàn trải như hiện nay; tập trung xây dựng đê kè ở những nơi xung yếu có đông dân cư.
Người dân Quảng Bình ngao ngán trước cảnh đê kè biển vỡ liên tiếp |
Ông Nguyễn Thành Long cho rằng, cần kết hợp các giải pháp mềm đơn giản hơn như trồng cây chắn sóng, cấm khai thác cát… sẽ góp phần bảo vệ tốt bờ biển.
“Trong điều kiện biến đổi khí hậu, có nhiều cơn bão vượt quá tần suất thiết kế đê kè hiện nay. Đê biển tỉnh Quảng Bình cũng như đê biển trong khu vực vinh Bắc Bộ thì chủ yếu chống được bão tần suất cấp 9, cấp 10, cần thiết phải đưa cấp thiết kế chống gió bão cao hơn”, ông Thành Long cho biết./.
Tác giả: CTV Thanh Tuấn
Nguồn tin: BÁO ĐIỆN TỬ VOV