Trong nước

Vì sao miền Trung một tháng phải ba lần chống lụt?

Gần 10 năm trở lại đây, những trận lũ chồng lũ tiếp diễn đã cướp đi hàng trăm sinh mạng cùng bao của cải của người dân miền Trung. Điều lạ lùng là lũ lụt miền Trung xảy ra những năm gần đây thường ngược quy luật tự nhiên nhưng lại ít người chú ý.

Nói đến miền Trung, người ta thường nhắc nơi“mùa hè hạn hán, mùa đông mưa lũ”. Mặc dù vậy, từ bao đời nay, hàng triệu người dân ở miền Trung vẫn kiên cường chống lại và “chiến thắng” sự hà khắc của thiên nhiên. Nhưng gần 10 năm trở lại đây, những trận lũ chồng lũ tiếp diễn đã cướp đi hàng trăm sinh mạng cùng bao của cải của người dân miền Trung. Điều lạ lùng là lũ lụt miền Trung xảy ra những năm gần đây thường ngược quy luật tự nhiên nhưng lại ít người chú ý.

Lũ lụt trái quy luật

Hơn 20 ngày qua, người dân nhiều xã ở huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh, huyện Minh Hóa và một số xã vùng cao huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch tỉnh Quảng Bình… vật lộn, chống chọi với 3 trận lũ lụt liên tiếp tràn qua. Xã Sơn Trạch, tỉnh Quảng Bình nơi có Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng vốn được coi là điểm cao của tỉnh với bốn bề rừng núi vây quanh, song chính ở điểm cao này lại bị nhấn chìm sâu nhất trong những trận lũ vừa qua.

Chỉ trong vòng 20 ngày, người dân Quảng Bình, Hà Tĩnh đã phải chống chọi với 3 đợt lũ.

Cụ Trần Đình Niêm (86 tuổi), xã Sơn Trạch run run cho biết: “sống cả đời bên sông Son, chứng kiến ít nhất 5 đợt lũ lớn vào các năm 1945, 1962, 1975, 2009, 2013 nhưng chưa khi nào tui thấy lũ lại lớn và lên nhanh như 2 đợt vừa xảy ra. Chiều tối, cả nhà ăn cơm xong đang xem thời sự, chưa hết chương trình thời sự thì không biết nước ở mô chảy về lênh láng, rồi vài giờ sau cả nhà đã phải leo lên nóc nhà tránh lũ…”.

Tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình nơi nước lũ rút, người dân vừa chạy lũ trở về vệ sinh lại nhà cửa, sửa soạn để ổn định cuộc sống thì chỉ trong một đêm lũ lại dâng cao 3m nhấn chìm lại tất cả. Người dân nhiều xã ở huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh cũng vậy, đợi lũ rút, bà con quay về chung sức cùng nhau nạo vét bùn đất, lợp lại căn nhà, xây từng bóng rạ, người lớn ra đồng, trẻ nhỏ líu lo trở lại trường… nhưng chỉ được vài ngày lũ lụt lại ập về. Người dân lại phải gồng mình đánh vật với mưa lũ.

Nước lũ rút, nhiều người dân chép miệng, thở dài: “Thôi khỏi quét dọn mất công, đợi cho hết mùa mưa lũ tháng 10 rồi làm luôn thể”, nói vậy thôi, nhưng rồi tất cả người dân lại phải oằn lưng khắc phục hậu quả lũ lụt để chăm lo cuộc sống cho gia đình. Lũ lụt tràn qua các xã vùng cao là vậy, còn ở thành phố, đồng bằng lũ chồng lũ cũng đã làm nhiều người dân miền Trung điêu đứng.

Chỉ sau vài tiếng đồng hồ có mưa lớn, hơn 1.700 hộ dân ở huyện Cam Lộ, Quảng Trị bị nước lũ gây ngập từ 1-4m. Có nhiều người dân đi làm đồng đã phải leo lên cây trốn lũ. Nước lũ lên quá nhanh làm người dân không kịp trở tay, nên đành “bỏ của chạy lấy người”, nhiều tài sản tích góp của bà con đã bị nhấn chìm trong lũ.

Tại nhiều thành phố dọc miền Trung như: Thành phố Hà Tĩnh, Đồng Hới, Huế, Đông Hà… đợt lũ vừa qua cũng đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân. 15h ngày 14-10, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Đồng Hới điện thoại, gửi tin nhắn, thông báo cho các bậc phụ huynh đón con sớm vì thấy mưa lớn.

Nhưng chỉ sau khoảng 1 tiếng đồng hồ, cả Đồng Hới đã bị nước lũ vây quanh, nhiều nơi ngập sâu hơn 2m. Hàng ngàn ôtô, xe máy bị chết máy nằm nối dài trên các tuyến đường. Nhiều nơi thầy cô phải kê bàn, kê ghế cho học sinh đứng lên tránh lũ…Vì sao lũ lên nhanh và liên tục như vậy?

Những tác nhân “phối hợp” cùng thiên nhiên

Trong quá trình tìm hiểu để thực hiện bài viết, chúng tôi khẳng định nguyên nhân làm cho miền Trung luôn lũ lụt ngoài yếu tố thiên nhiên thì chính thủy điện xả lũ và các công trình giao thông xây dựng bất hợp lý đã làm cho lũ chồng lũ.

Lực lượng Công an Quảng Bình cứu hộ, trợ giúp người dân trong lũ.

Thủy điện Hố Hô trên sông Ngàn Sâu, giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh có công suất chỉ 14 MW, mới xây dựng năm 2010 nhưng cũng đã “góp phần” gây lũ lớn cho Hà Tĩnh nhiều đợt trong những năm qua.

Đợt lũ vừa qua, thủy điện Hố Hô xả lũ bất ngờ từ 500m³/s-1.800m³/s đã khiến người dân trở tay không kịp. Mặc dù vậy, quản lý thủy điện vẫn cho rằng: xả lũ đúng quy trình và bất khả kháng do trời mưa quá lớn. Song lãnh đạo huyện Hương Khê quả quyết “Xả lũ như Hố Hô, dân giữ được mạng là tốt lắm rồi", và đưa ra câu hỏi "Liệu 14 MW của thủy điện Hố Hô quan trọng hơn sinh mạng của người dân?".

Ngoài thủy điện thì các đập thủy lợi xả lũ vì sợ vỡ đập khi mưa lớn cũng đã làm người dân điêu đứng. Sở dĩ các hồ thủy điện, thủy lợi không chịu xả nước từ từ, trước mưa lũ để tránh thiệt hại cho người dân là do các ban quản lý của các thủy điện, thủy lợi luôn tính đến yếu tố lợi nhuận lên hàng đầu.

Để đạt công suất tối đa, thu lợi nhuận ở mức cao nhất có thể, các thủy điện, thủy lợi luôn giữ mức nước nhất định trong lòng hồ, các ban quản lý không cho xả trước vì họ sợ sau khi xả trời không mưa sẽ không có lượng nước như ban đầu. Vì vậy, khi mưa lớn, lũ trên nguồn đổ về thì các thủy điện, thủy lợi xả lượng rất lớn để bảo vệ hồ, còn dân ngập lụt lại không được tính đến.

Thật buồn khi các thủy điện, thủy lợi chỉ tính đến lợi nhuận tối đa, mà quên đi lợi ích tối thiểu của người dân.

Bên cạnh đó, các công trình giao thông xây dựng bất hợp lý, chỉ chú tâm đến lợi nhuận cũng góp phần gây lụt. Gần đây, các xã miền núi, vùng cao luôn bị lũ bao vây bốn phía một phần là do các tuyến đường giao thông tuyến tỉnh, tuyến huyện và đường liên xã.

Trong đợt lũ vừa qua ở miền Trung, nhiều nơi cùng một xã nhưng người dân ở bên quốc lộ thì khô ráo, còn phía bên kia thì nước lũ ngập hơn 2m. Chỉ thế thôi đã đủ lý giải hiện quốc lộ 1A đang như bờ thành ngăn nước gây ngập lụt ở nhiều nơi tại miền Trung.

Tác giả bài viết: Dương Sông Lam

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP