Đó là ý kiến chia sẻ của đại biểu tại buổi hội thảo 70 năm ngành sư phạm Việt Nam đổi mới và phát triển được Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Bộ GD&ĐT tổ chức hôm qua, 21/12 tại ĐH Sư phạm Hà Nội.
Chia sẻ tại hội thảo, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền, hiệu trưởng trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội cho biết từ ngày thành lập đến nay, trường chủ yếu chỉ tuyển sinh viên mới tốt nghiệp ngành sư phạm tiểu học.
Sau 20 năm, nhà giáo Nguyễn Thị Hiền đi đến kết luận hiện nay các trường sư phạm đưa sinh viên về thực tập ở các trường phổ thông quá ít. "Nên sau khi các em tốt nghiệp về công tác tại trường, gần như chúng tôi phải đào tạo lại. Đào tạo lại về kiến thức cũng như kỹ năng. Trong đó là các kỹ năng như quan hệ với phụ huynh học sinh, với đồng nghiệp, kỹ năng đứng lớp và giáo dục học sinh. Thế nên, tôi mong muốn nếu được, các trường đào tạo sư phạm trở lại như ngày xưa thì tốt” – bà Hiền chia sẻ.
Chương trình đào tạo sư phạm như ngày xưa mà nhà giáo Nguyễn Thị Hiền mong muốn đó là từ năm thứ hai, giáo sinh đã được về trường phổ thông thực tập, năm thứ ba tiếp tục về một tháng và năm thứ tư được về mấy tháng. Theo nhà giáo Nguyễn Thị Hiền, có lẽ đây là cách đào tạo hiệu quả nhất của sinh viên các trường sư phạm.
Phát biểu tại buổi hội thảo, bên cạnh đánh giá cao những thành tựu mà ngành sư phạm Việt Nam đạt được trong thời gian qua việc, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng đưa ra những băn khoăn đối với đào tạo sư phạm hiện nay.
Theo nguyên Phó chủ tịch nước, hiện các trường sư phạm còn nặng về đào tạo kiến thức. Các thầy cô nặng về dạy chữ, chưa quan tâm đúng mức đào tạo các nhà giáo dục.
“Bởi nếu so sánh với các khoa môn khác thì khoa Tâm lý, khoa Giáo dục học chưa phải thế mạnh của các trường sư phạm. Trong khi đó, cơ cấu đội ngũ sư phạm cần có chuyên gia đầu ngành về tâm lý học, giáo dục học” – nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khẳng định.
Tác giả bài viết: Nghiêm Huê
Nguồn tin: