Là người trong cuộc, ông có thể nói gì về những mặt được và chưa được của bóng đá Việt Nam trong thời gian vừa rồi?
Những thành tích đạt được thì các phương tiện truyền thông đã đưa rồi, giờ nhắc lại có lẽ là không cần thiết. Bản thân tôi cũng không né tránh những gì mà dư luận nói bóng đá Việt Nam chưa làm được.
Tôi rất tâm đắc với ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, rằng chúng ta không vuốt ve nhau nữa, bộ mặt của nền bóng đá của đội tuyển quốc gia, tôi thừa nhận thành tích của đội tuyển quốc gia chưa đạt. Ngay ở SEA Games vừa rồi, thất bại của đội tuyển cũng làm người xem thất vọng. Chúng ta cũng phải thẳng thắn, bóng đá học đường, bóng đá phong trào, bóng đá trẻ đông khán giả, nhưng đỉnh cao thì vắng người xem.
Nhưng tôi tin người dân Việt Nam không bao giờ bỏ bóng đá, chỗ nào chưa được, bản thân tôi hay VFF luôn cầu thị lắng nghe, nhìn nhận lại sự việc và cố gắng làm tốt hơn. Giải V-League có lắm chuyện, chúng tôi đau lắm chứ. Đó là vấn đề trọng tài, là hình ảnh không hay trên sân Thống Nhất trong trận CLB TPHCM tiếp Long An, tạo ra vết nhơ cho bóng đá Việt Nam… Tất cả những vấn đề đấy luôn khiến chúng tôi đau đầu.
Riêng về vấn đề trọng tài, về lâu về dài, vẫn là phải tăng tính giáo dục cho trọng tài nội, bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho họ. Quan điểm của tôi việc thuê trọng tài ngoại chỉ là giải pháp tình thế, mang tính nhất thời. Đặt trường hợp thuê trọng tài ngoại và trận đấu xảy ra sự cố, trọng tài ngoại về nước rồi, ai chịu trách nhiệm về cái sai của họ. Chẳng qua, lâu nay chúng ta thuê trọng tài ngoại để giải quyết vấn đề nhất thời, do trọng tài nội nhiều sai sót.
PCT VFF Nguyễn Xuân Gụ (đứng bên trái) trăn trở với những việc chưa làm được của bóng đá Việt Nam (ảnh: Trọng Vũ) |
Trong quá trình hoạt động ở nhiệm kỳ vừa rồi, đâu là những khó khăn mà VFF gặp phải?
Phải khách quan ở chỗ, chúng tôi cũng có những mặt làm được, làm tốt, nhất là trong việc phát triển bóng đá trẻ. Còn khó khăn lớn nhất, theo tôi, đó là việc chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng bị bệnh. Anh Dũng rất nhiều tâm huyết, nhưng việc anh ấy bị bệnh khiến cho lực lượng lãnh đạo mỏng đi, sự phối hợp giữa các lãnh đạo còn lại chưa thường xuyên.
Cơ quan quản lý nhà nước thì nhiều việc, nên sự quan tâm dành cho VFF chưa sâu. Chúng ta cũng phải tiếp tục thẳng thắn ở điểm đừng ngại chuyện FIFA “cấm vận” bóng đá Việt Nam, khi có sự đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước trong các hoạt động của VFF. Đúng là FIFA có luật của FIFA, nhưng họ cũng tôn trọng đặc thù của từng quốc gia, mà cụ thể bóng đá Việt Nam vẫn có người nhà nước ở nhiều thời kỳ khác nhau biệt phái sang tổ chức xã hội nghề nghiệp, và FIFA có cấm đâu.
Có những điều gì khiến ông tiếc rằng bản thân ông hay VFF chưa làm được, khi nhiệm kỳ của ông và các cộng sự đã gần kết thúc?
Là PCT phụ trách mảng truyền thông, tôi luôn cố gắng làm tốt nhất công việc của mình, tốt cho hình ảnh của VFF và cho bóng đá Việt Nam. Từ lúc tôi ngồi ở vị trí này, mỗi lần đến các giải đấu mà vắng khán giả, tôi thường có những sáng kiến, những cuộc thi nhằm để người hâm mộ quan tâm hơn đến giải đấu đấy. Tôi cũng cho lập ra kênh youtube trên VFF channel, góp phần quảng bá cho bóng đá Việt Nam. Thành ra, tôi luôn mong là những người làm bóng đá luôn bám sát các sự kiện liên quan đến mình.
Thời gian vừa rồi, tôi có đọc trên báo và thấy các ý kiến đóng góp cho VFF, cho bóng đá Việt Nam. Chúng tôi trân trọng những ý kiến đấy. Có thể mỗi người có cách nhìn nhận khác nhau, nhưng những ý kiến của anh Hai Bửu (Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu –PV), anh Thọ (cựu PCT VFF Lê Thế Thọ), hay anh Trịnh Minh Huế… đều có cái lý của các anh ấy, đáng để lắng nghe, là sự đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn làm bóng đá lâu năm của các anh ấy. Họ có tâm huyết và trăn trở với bóng đá Việt Nam thì họ mới nói. Ví dụ như nhiều người nói chúng tôi thiếu người làm chiến lược, họ nói không sai đâu. Chính xác hơn nữa là không có chứ không phải thiếu.
Vậy ông mong mỏi điều gì cho chính VFF trong nhiệm kỳ tới, nhất là chờ đợi điều gì ở chủ tịch mới của VFF?
Người đứng đầu VFF nhiệm kỳ tới theo tôi là người phải hội đủ nhiều yếu tố, gồm kỹ năng quản lý, bản lĩnh chính trị vững vàng, rồi phải có tầm, có vị thế để tập hợp các nguồn lực xã hội, giúp bóng đá Việt Nam phát triển tốt hơn. Đặc biệt, nhân vật đấy có kinh nghiệm quản lý thể thao thì càng là một lợi thế. Người có kỹ năng quản lý thì họ sẽ biết phân việc, từ đó tạo ra một bộ máy bên dưới tốt.
Xin cảm ơn ông!
Tác giả: Trọng Vũ
Nguồn tin: Báo Dân trí