Kinh tế

Vé tàu ế ẩm, ga Hà Nội vắng tanh ngày giáp Tết Dương lịch

Tết Dương lịch 2022 đang đến rất gần nhưng khác với cảnh ồn ào, gấp gáp, thậm chí là chen lấn như mọi năm, ga Hà Nội lại rơi vào tình trạng "vắng như chùa bà Đanh".

Có mặt tại Ga Hà Nội từ 8h30 đến 11h30 một ngày cuối năm 2021, PV VTC News chứng kiến cảnh đìu hiu, vắng vẻ ở đây. Gần 3 giờ đồng hồ quanh khuôn viên ga Hà Nội, hầu như không xuất hiện một bóng hành khách nào.

Phải đến hơn 11h trưa, lác đác ba hành khách đến mua vé và đi tàu Hà Nội - Sài Gòn.

Nhà ga Hà Nội sáng cuối năm 2021 vắng vẻ, đìu hiu.

Bên trong nhà ga, tại khu vực bán vé, nhiều quầy đóng cửa im lìm, duy nhất quầy chính chỉ có 3 nhân viên đang ngồi nói chuyện và kiểm tra sổ sách. Một người chia sẻ, hiện mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu chạy nhưng cũng rất ít khách. Nói thêm về lượng vé tiêu thụ vào Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, nhân viên này cho biết, số lượng vé bán ra rất thấp, chỉ chiếm khoảng hơn 25% - 35% dự kiến.

“Riêng từ sáng đến giờ, quầy chưa bán được vé nào”, chị nói.

Khu vực quầy bán vé của nhà ga Hà Nội không bóng khách.

Chia sẻ với VTC News, anh Nguyễn Trường Thọ, Trưởng tàu SE1 cũng xác nhận điều này. “Lượng vé tàu Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đến nay mới bán được khoảng hơn 30%. Nguyên nhân vì dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, lượng người đi lại ít. Bên cạnh đó, do e ngại dịch bệnh nên người mua vé chủ yếu đặt trực tuyến hoặc qua đường dây nóng của Tổng công ty Đường sắt, nhà ga đã vắng càng vắng hơn”, anh Thọ nói.

Anh Thọ cho biết thêm, không chỉ thời gian này mà 6 tháng nay lượng khách đi tàu rất ít. Phần vì dịch bệnh bị giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, phần vì khách hàng hạn chế đi lại để cắt giảm chi tiêu và phòng chống dịch bệnh. Chính vì vậy, Tổng công ty Đường sắt đã phân chia, cắt cử cán bộ, công nhân viên chạy tàu, phục vụ hành khách nghỉ luân phiên. Riêng với anh Thọ, 6 tháng nay, anh đã phải tạm nghỉ việc.

Chuyến tàu im lìm nằm chờ khách.

Cũng chung cảnh ngộ như anh Thọ là anh Trần Mạnh Cường, Trưởng tàu SE 2. Anh Cường cho biết: “Khách không có, tàu không chạy khiến việc làm và thu nhập không có, tôi phải về nhà bên Gia Lâm để ở và tìm việc làm, kiếm thêm thu nhập”.

Quan sát bên ngoài sân ga và khu vực bốc xếp hàng hóa, do vắng người qua lại nên sân được tận dụng để trông giữ ô tô. Nhiều lao động tự do, nhân viên vận chuyển hàng hóa đang nhàn rỗi nói chuyện với nhau, than thở chuyện vắng khách.

Khu vực nhà ga Hà Nội có đầy đủ hướng dẫn phòng chống COVID-19 cho người ra vào.

Khu vực bốc xếp hàng hóa cũng không có việc, người lao động rảnh rỗi, ngóng chờ khách.

Trên website của ngành đường sắt, mỗi đoàn tàu SE2, SE6, SE8 chạy từ TP.HCM về Hà Nội ngày 28/1/2022 (tức ngày 26 tháng Chạp âm lịch) còn hàng trăm vé chưa có khách mua, kể cả vé ngồi mềm điều hòa và giường nằm. Hiện giá vé những ngày cao điểm dịp Tết trên các tàu TP.HCM - Hà Nội trung bình 1,8 - 2,3 triệu đồng.

Năm nay hành khách đi tàu trong khoảng thời gian từ ngày 20/1/2022 đến hết ngày 28/2/2022 nếu có yêu cầu đổi, trả vé được bảo lưu tiền vé và sử dụng để đi các lịch trình khác bằng đường sắt trong năm 2022.

Đường sắt không thu phí trả vé và hết năm 2022 hành khách sẽ được hoàn lại số tiền bảo lưu nếu chưa sử dụng. Thời gian hoàn lại tiền vé kể từ ngày 1/1/2023 sau 90 ngày tính từ ngày trả vé. Nếu hành khách chọn đổi, trả vé trong thời gian cao điểm Tết sẽ mất phí 30% giá vé, thời gian thấp điểm mất phí 10 - 20% giá vé.

Những khách hàng ít ỏi mà ngành đường sắt phụ vụ trong dịp cao điểm cuối năm.

Trả lời VTC News, bà Phạm Thị Anh Đào, Trạm trưởng Trạm vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, ngành đường sắt gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đến thời điểm này, đường sắt vẫn thực hiện tốt công tác phòng chống dịch cũng như vận chuyển khách theo đúng quy định của Bộ Giao thông Vận tải. Theo đó, mỗi ngày chạy một chuyến tàu Hà Nội - TP.HCM và ngược lại, mỗi chuyến vận chuyển được từ 700 - 1.000 khách.

Trong dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán năm nay, ngành vẫn thực hiện phục vụ mỗi ngày 1 chuyến. Nếu đông khách, nhà ga sẽ nối thêm toa hoặc tăng chuyến để đảm bảo tất cả hành khách đều được về quê đón Tết an toàn, đúng thời gian. Tuy nhiên, đến thời điểm này, lượng khách đi lại rất thưa vắng.

"Tính đến ngày 29/12, lượng vé bán ra phục vụ đi lại của hành khác Tết Dương lịch vẫn rất thấp, mới đạt khoảng 50-60%, chủ yếu bán bằng hình thức trực tuyến. Trong khi đó, số vé dịpTết Nguyên đán mới chỉ đạt khoảng hơn 30%, thấp hơn một nửa so với cùng thời điểm này năm 2020", bà Đào chia sẻ.

Tăng tàu địa phương dịp Tết Dương lịch

Ngày 29/12, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam công bố chạy thêm đôi tàu NA1 và NA2 trên tuyến Hà Nội - Vinh. Tàu NA1 xuất phát tại ga Hà Nội lúc 22h15 ngày 31/12, tàu NA2 khởi hành tại ga Vinh lúc 21h25 ngày 3/1/2022.

Cùng với đó, chạy tăng cường các đoàn tàu tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Tàu LP7 xuất phát tại ga Hà Nội lúc 18h15 ngày 3/1/2022; tại ga Long Biên có tàu LP3 khởi hành lúc 9h25 ngày 4/1/2022.

Tại Hải Phòng, tàu LP8 khởi hành lúc 15h ngày 3/1/2022, tàu HP2 rời ga lúc 18h40 cùng ngày.

Hiện tuyến Bắc Nam hàng ngày có tàu chạy qua Vinh, chưa có tàu riêng tuyến Hà Nội - Vinh. Trên chặng Hà Nội - Hải Phòng hàng ngày có một đôi tàu LP5/6, cuối tuần có thêm đôi tàu LP3/8.

Theo đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, việc tăng tàu nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách gia tăng trong dịp Tết Dương lịch.

Theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải, khách đi tàu không cần xét nghiệm nCoV nếu đi từ vùng xanh, vàng, cam; chỉ thực hiện nếu từ vùng đỏ, vùng phong tỏa hoặc có yêu cầu điều tra dịch tễ.

Người tiêm đủ liều vaccine và F0 đã khỏi bệnh cần xét nghiệm trong 72 giờ khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc vùng phong tỏa. Ngoài ra, hành khách cần xét nghiệm y tế khi có một trong các biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi, đau họng.

Tác giả: PHẠM DUY

Nguồn tin: Báo VTC

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP