Du lịch

Về miền Tây “ăn hội” con ba khía

Những ngày này, con ba khía cặp thành đôi, chúng bám quanh các gốc đước, gốc bần đợi chờ du khách về đây thưởng thức “mùa hội” của nó.

Sinh ra ở miệt sông nước miền Tây, ngay từ nhỏ tôi đặc biệt thích các món ăn dân dã, quê mùa, trong đó có món mắm ba khía. Nói đến con ba khía, nhiều đứa bé ở chốn thành thị vẫn chưa thể hình dung nổi đó là con gì và ăn như thế nào. Nhưng đối với chúng tôi - những người miền Tây, con ba khía quá đỗi thân quen và mắm ba khía là món ăn thú vị nhất trong bữa cơm gia đình.

Ngày trước ở những vùng ven biển như Cần Giờ, Cần Đước, Cà Mau…ba khía nhiều vô số. Nhưng giờ đây, con ba khía cũng ít dần, các món ăn từ con ba khía vô tình đã trở thành đặc sản.


Ba khía là loại còng biển lai cua, trên mai có ba vạch sậm.

Tầm tháng Mười, khi thu hoạch lúa xong, từng đoàn ghe xuồng chèo dọc theo bờ sông để “sưu tầm” con ba khía. Người trên ghe quấn khăn kín tay, cẳng chân để tránh bị ba khía kẹp, cứ vậy mà “hốt” ba khía lên xuồng. Ba khía mang về làm mắm dự trữ ăn dần, người dân quê làm đồng mệt khi về có dăm ba con ba khía là ăn đứt vài chén cơm nguội như chơi.Ngày còn bé, tôi cứ thắc mắc về tên gọi con ba khía, ba tôi giải thích rằng, ba khía là loại còng biển lai cua, trên mai có ba vạch màu sậm nên gọi là con… ba khía. Dân quê tôi còn kháo nhau rằng, chỉ có con ba khía là “không lớn cũng không nhỏ”, vì nó chỉ có “ba khía” khi đặt lên cân. Con ba khía đã gắn liền với hình ảnh một người nông dân bình dị, hiền lành bao đời bám quê, bám đất.

Ba khía được chế biến thành nhiều món nhưng ấn tượng nhất có lẽ là món mắm ba khía. Con ba khía khi được chế biến xong mà nâu sậm, rục rã với các chất thịt sền sệt bám quanh, xé ra, cho vào bát cơm chắc mẩm là ngon ngất. Để chế biến món mắm ba khía cần có tỏi, ớt giã nhuyễn cùng với đường, chanh, thêm ít rau răm cho thơm hương vị. Những thực khách khi về miền Tây, thưởng thức xong, gói ít ba khía về làm quà thì chuyến thăm miệt vườn sông nước càng đong đầy ý nghĩa.

Món mắm ba khía làm ấm lòng thực khách phương xa.

Ngày nay, nhiều nhà hàng, quán ăn đã biến tấu con ba khía thành nhiều món theo những cách riêng như ba khía rang me, rang mỡ hành, ba khía luộc, ba khía nấu chao… Nhưng chưa có thứ hương vị nào đi vào lòng người và rất đỗi thân quen với người dân miệt vườn như món ba khía làm mắm. Chính mùi thơm đặc trưng cùng cái chất mằn mặn và beo béo của gạch ba khía đã tạo nên một cảm giác thú vị khó quên.

Mùa “hội” ba khía đến rồi, người dân quê tôi lại cùng nhau ra mé sông để bắt con ba khía về ăn. Gần như ai ai cũng thuộc lòng câu hát: “Tháng Bảy nước chảy Cà Mau/ Tháng Mười ba khía hội kéo nhau đi làm”. Hình ảnh con ba khía vô tình đã là một biểu tượng cho người bình dân miền Tây, rồi người dân lấy đó để làm niềm kiêu hãnh: “Anh Ba Khía quê ở miền Tây/ Cuộc sống lâu nay đơn sơ mà chan chứa…”.

Nhớ quê, nhớ con ba khía mà trong lòng tôi cảm thấy thèm thuồng món mắm ba khía dung dị nhưng ấm tình quê hương.

Tác giả bài viết: Hoàng Lê

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP