Công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp máy bay tại nhà máy của Công ty sản xuất máy bay thương mại AVIC SAC ở Thẩm Dương, Liêu Ninh (Trung Quốc). (Ảnh: THX/TTXVN) |
Nhà kinh tế học đoạt Giải Nobel Michael Spence nhận định vị thế "công xưởng thế giới" của Trung Quốc rất khó thay thế.
Trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), ông Spence nhấn mạnh: "Không có sự thay thế nào cho Trung Quốc vào lúc này."
Theo nhà kinh tế học này, sẽ phải mất một thời gian đáng kể trước khi Trung Quốc có thể mất đi danh hiệu “công xưởng của thế giới."
Ngoài ra, nhà kinh tế học Michael Spence cũng tin rằng theo thời gian, năng lực sản xuất phân tán hơn trong nhiều danh mục, một phần là nhờ sự tăng trưởng và phát triển của chính Trung Quốc, và một phần đến từ sự tăng trưởng của các nền kinh tế khác, bao gồm Ấn Độ.
Tuy nhiên, sự phân tán nói trên sẽ không quá nghiêm trọng.
Khi được hỏi liệu ông có đồng ý với những lo ngại ngày càng tăng của phương Tây về tình trạng dư thừa năng lực sản xuất của Trung Quốc hay không, chuyên gia Spence cho hay Trung Quốc đang là nước dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ năng lượng mặt trời, xe điện và pin.
Vì vậy, việc gia tăng xuất khẩu những mặt hàng trên hoặc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài là không có gì đáng ngạc nhiên khi thế giới đang nỗ lực giải quyết vấn đề khí hậu.
Kinh tế Trung Quốc trong quý 2 năm 2024 tăng trưởng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với dự báo tăng 5,1% mà các nhà phân tích của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) đưa ra.
Diễn biến trên xảy ra khi Trung Quốc tìm cách thúc đẩy nhu cầu trong nước trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Còn nếu so với quý trước đó, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 0,7% trong quý 2 năm 2024, thấp hơn dự báo tăng 1,1% và so với mức tăng 1,5% được điều chỉnh của quý trước.
Các nhà phân tích dự đoán Trung Quốc sẽ phải thực hiện thêm những biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong khi thị trường bất động sản suy giảm, nợ chính quyền địa phương gia tăng và chi tiêu của khu vực tư nhân yếu.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2024, một mục tiêu mà nhiều nhà phân tích cho là tham vọng và có thể yêu cầu nhiều biện pháp kích thích hơn.
Để đối phó với nhu cầu trong nước yếu kém và khủng hoảng bất động sản, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và đổ tiền vào sản xuất công nghệ cao.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2024 không đồng đều, với sản lượng công nghiệp vượt tiêu dùng trong nước, làm dấy lên nguy cơ giảm phát trong bối cảnh thị trường bất động sản suy giảm và nợ chính quyền địa phương gia tăng.
Trong khi đó, giá tiêu dùng tháng 6/2024 đã tăng trong tháng thứ năm liên tiếp, song không đạt kỳ vọng, trong khi giảm phát nhà máy vẫn tiếp diễn, do các biện pháp của chính phủ không có hiệu quả đáng kể để thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc mạnh mẽ đã hỗ trợ phần nào cho tăng trưởng, song căng thẳng thương mại leo thang đang đặt ra thách thức lớn.
Xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 8,6% trong tháng 6/2024 so với năm trước, và nhập khẩu bất ngờ giảm 2,3%, cho thấy các nhà sản xuất đang đặt hàng trước để tránh các mức thuế từ các đối tác thương mại.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, Ngân hàng Trung ương), ông Phan Công Thắng đã cam kết giữ vững lập trường chính sách tiền tệ hỗ trợ và cho biết PBoC sẽ sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách bao gồm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hỗ trợ phát triển kinh tế.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng mức dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2024 lên 5%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
Theo báo cáo cập nhật, trong đầu năm nay, hoạt động kinh tế toàn cầu và thương mại thế giới đã được tăng cường. Tăng trưởng xuất khẩu của châu Á, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ của khu vực này, đã tạo động lực cho tăng trưởng thương mại.
Bên trong nhà máy sản xuất xe điện ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). (Ảnh: THX/TTXVN) |
Theo dự báo mới nhất của IMF, năm 2024 tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ không thay đổi, với mức 3,2%; năm 2024 và 2025 khối lượng thương mại toàn cầu sẽ tăng lần lượt 3,1% và 3,4%, mức tăng trưởng này đều cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó trong tháng 4/2024.
Báo cáo của IMF cũng nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển trong năm nay lên 4,3%. Tỷ lệ lạm phát trung bình toàn cầu sẽ là 5,9% trong năm nay và giảm xuống 4,4% vào năm 2025.
Nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF cho rằng, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, trong đó Trung Quốc vẫn là động lực chính của nền kinh tế toàn cầu.
Còn theo Hiệp hội Các Nhà Sản xuất Ôtô Trung Quốc (CAAM), ngành công nghiệp ôtô nước này tiếp tục hoạt động tốt và các chỉ số kinh tế chính có xu hướng tăng trưởng.
Theo số liệu thống kê do CAAM công bố, trong sáu tháng đầu năm 2024, lượng sản xuất và lượng ôtô bán ra lần lượt đạt 13,891 triệu chiếc và 14,047 triệu chiếc, tăng lần lượt 4,9% và 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng và doanh số bán ôtô sử dụng năng lượng mới lần lượt là 4,929 triệu chiếc và 4,944 triệu chiếc, tăng lần lượt là 30,1% và 32% so với cùng kỳ năm ngoái; thị phần đạt 35,2%.
Trong sáu tháng đầu năm nay, thị phần xe du lịch thương hiệu Trung Quốc tiếp tục tăng cao, chiếm 61,9% thị phần, tăng 8,8 điểm phần trăm.
Từ tháng 1-5/2024, giá trị gia tăng của ngành sản xuất ôtô Trung Quốc tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 3,8 điểm phần trăm so với giá trị gia tăng của ngành sản xuất trong cùng kỳ năm ngoái.
CAAM cho biết trong sáu tháng cuối năm, các chính sách thuận lợi như đổi xe cũ lấy xe mới, xe năng lượng mới về nông thôn… sẽ tiếp tục được triển khai; các sản phẩm mới của doanh nghiệp sẽ được tung ra thị trường mạnh mẽ, điều này sẽ giúp giải phóng hơn nữa tiềm năng tiêu thụ của thị trường ôtô và hỗ trợ ngành đạt mức tăng trưởng ổn định trong cả năm./.
Tác giả: Hương Thủy
Nguồn tin: vietnamplus.vn