Nhân ái

Ước mơ làm bác sĩ của bé trai mồ côi sống lay lắt cùng bà ngoại già ốm yếu

Từ nhỏ em đã không biết cha mình là ai, lớn hơn một chút thì người mẹ thân yêu cũng qua đời bởi căn bệnh hiểm nghèo, để lại em bơ vơ sống cùng bà ngoại ốm yếu sắp gần đất xa trời..

Đó là số phận đầy đau thương của em Nguyễn Hữu Thành, học sinh lớp 8, Trường trung học Thịnh Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An). Hiện Thành đang sống cùng bà ngoại già yếu, đối mặt với tương lai mịt mù trước mắt.

Theo chân chị Nguyễn Thị Hòa, một người làng tốt bụng, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Đường (bà ngoại Thành) tại xóm 10, xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An). Nằm sâu trong con ngõ nhỏ, ngôi nhà lụp xụp, xiêu vẹo của hai bà cháu Thành không có gì đáng giá ngoài chiếc giường mọt và bộ bàn ghế tạm bợ.

Vừa mới đến đầu ngõ, chúng tôi đã nghe văng vẳng đâu đó tiếng ho lụ sụ của người già. Từ trong nhà bước ra với dáng người lưng hơi còng, bà Đường (74 tuổi) tai đã khá nặng, khi tiếp chuyện chúng tôi phải ghé sát vào tai nói bà mới nghe được.

1 0005
Căn nhà lụp xụp, dột nát của hai bà cháu Thành
2 a23
Tuổi đã già, ốm đau bệnh tật nhưng bà Đường vẫn phải gồng mình nuôi cháu

Bà Đường tâm sự, con gái bà cũng là mẹ của Thành mất cách đây 3 năm do bệnh suy thận cấp, lúc đó Thành đang học lớp 5, cách năm sau ông ngoại em cũng mất do ốm nặng. Nhà không còn ai nữa, hai bà cháu nương tựa vào nhau mà sống. Người bà già yếu lẽ ra ở tuổi được vui vầy hưởng phúc cuối đời bỗng trở thành chỗ dựa, vừa làm cha, vừa làm mẹ cho đứa cháu mồ côi.

"Dù cực khổ nhưng tôi vẫn khuyên cháu Thành cố gắng kiếm lấy cái chữ để sau này đỡ vất vả hơn, có thể tự lo cho bản thân. Tôi thì tuổi đã cao, không thể sống mãi mà nuôi cháu được”, bà Đường run rẩy nói.

Ngồi bên bà ngoại, em Thành cũng rơm rớm nước mắt. Em cố ngăn không cho nước mắt chảy mỗi khi kể về cha mẹ mình. Sinh ra và lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương, không biết cha là ai, mẹ sớm mất. Mỗi lần bạn bè trêu chọc Thành đều đau khổ, chỉ biết chạy về ôm bà khóc. Cũng vì mặc cảm mà em sống khép kín, nhưng thời gian dần trôi bạn bè cũng hiểu ra và không còn trêu ghẹo em nữa.

3 c2
Cuộc sống của hai bà cháu vô cùng khó khăn, miếng ăn hằng ngày trông vào số tiền 270.000 đồng trợ cấp

Khi được hỏi về ước mơ sau này, Thành tỏ ra khát khao được trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người. Ước mơ cháy bỏng của em thể hiện rõ trên đôi mắt đỏ ửng, ầng ậc nước, bởi Thành luôn ám ảnh căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi người mẹ yêu dấu nhất của em.

Hiện tại, cuộc sống của hai bà cháu ngày càng khó khăn, thiếu thốn. Lúc còn khỏe mạnh, bà Đường còn làm ruộng để có thêm chút ít mua mắm ăn hằng ngày, nhưng giờ tuổi đã cao, chân tay yếu ớt không làm được nữa. Chi tiêu hàng ngày của gia đình chỉ phụ thuộc vào 270 nghìn tiền trợ cấp của xã hội.

4 a1
Tài sản của gia đình không có gì đáng giá ngoài mấy cái bát vỡ, xoong nồi hỏng

Ông Võ Văn Mão, Phó chủ tịch xã Thịnh Sơn cho biết: “Hoàn cảnh gia đình của cháu Thành rất khó khăn, sau khi mẹ mất, cháu ở cùng với bà ngoại đã già yếu trong căn nhà sắp sập. Khi phát hiện hoàn cảnh này, các cấp hội cũng vận động các mạnh thường quân giúp đỡ. Tuy vậy, nguồn lực của địa phương có hạn nên rất cần sự giúp đỡ của các mạnh thường quân xa gần để lo cho các cháu tội nghiệp có chỗ ở ổn định và được đến trường như bao đứa trẻ khác”.

Khi chúng tôi ra về, bà Đường chào mà giọng lạc đi. Đôi mắt bà đã nhòe, những giọt nước mắt ứ ra chảy len lỏi qua vết nhăn in hằn trên đôi gà má.

“Tôi thân già chẳng biết lấy sức khỏe đâu để nuôi nó đến ngày trưởng thành được chú à. Giờ hai bà cháu chẳng biết sống thế nào, lấy gì ăn, lấy gì mà sống”. Bà Đường từng muốn chết đi khi con gái qua đời, nhưng nghĩ đến đứa cháu côi cút, bà lại cố gắng sống tiếp.

Chia tay hai bà cháu mà lòng chúng tôi nặng trĩu. Không biết tương lai của em Thành sẽ sống như thế nào nếu như một ngày bà em không còn nữa.

Mọi đóng góp có thể gửi về:Nguyễn Thị Đường, xóm 10, xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. SDT: 01646648514 ( sdt dì ruột em Thành)

Tác giả bài viết: Phạm Bắc

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP