Xã hội

Ứng phó với thiên tai ở Nghệ An: Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"

Phòng, chống hiểm họa do thiên tai bão lũ gây ra đang là vấn đề được các cấp, ngành quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân được an toàn. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án ngăn lũ, chủ động phòng tránh thiên tai hiện nay đang triển khai rất chậm do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm, xây dựng các công trình trái phép tại một số tuyến đê điều, sông, suối... vẫn còn tồn tại trong thời gian qua. Điều này đang gây ra mối lo ngại về hiểm nguy có thể ập đến bất cứ lúc nào khi mưa bão xẩy ra.

Nhiều dự án “thi nhau” chậm tiến độ

Cùng với cả nước, trong những năm qua, Nghệ An là địa phương được Trung ương đồng ý phê duyệt các dự án xây dựng công trình đê điều và cải tạo, nâng cấp hồ đập… trên địa bàn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã nhận được nhiều nguồn hỗ trợ từ các gói vay như Ngân hàng thế giới WB; Ngân hàng tái thiết Đức… để tập trung cho công tác phòng, chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, nhiều công trình như đê điều, hồ đập thuỷ lợi đã được triển khai xây dựng, phục vụ hiệu quả cho đời sống dân sinh khi đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, nhiều dự án hiện nay đang chậm tiến độ so với yêu cầu thực tiễn, gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân.

Dự án đào ao làm trang trại tại xóm 6, xã Hưng Xá (huyện Hưng Nguyên) gây nguy cơ xâm hại đến an toàn đê cấp 3 Tả Lam nhưng không bị xử lý


Đơn cử, tại đê ngăn lũ sông Bùng qua xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu là hạng mục thuộc dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống tiêu Vách Nam, sông Bùng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An (NN&PTNT) làm chủ đầu tư. Đây là dự án được phê duyệt tại Quyết định số 1685/QĐ-UBND-NN ngày 18/5/2012 với tổng vốn đầu tư hơn 367 tỉ đồng, trong đó vốn để triển khai cho giai đoạn I trên 113 tỉ đồng.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hết tháng 6/2016, toàn bộ dự án mới chỉ được bố trí hơn 50 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc dự án đang chậm tiến độ thi công và nguy cơ lũ lụt đang đe dọa tới cuộc sống của hàng nghìn hộ dân địa phương.

Còn tại dự án đê Năm Nam thuộc huyện Nam Đàn và các gói thầu liên quan cũng gặp phải thực trạng tương tự. Theo tìm hiểu thực tế thì hiện nay, tại tuyến số 01 thuộc gói thầu 2a của dự án khôi phục vùng ngập lụt tỉnh Nghệ An do UBND huyện Nam Đàn làm chủ đầu tư có chiều dài 13,86 km đang chậm tiến độ.

Dự án này do nguồn vốn quỹ phát triển Ả Rập Xê Út hỗ trợ 50% tổng kinh phí đầu tư. Tuyến đường được chính thức thi công từ tháng 4/2015 nhưng đến nay mới chỉ hoàn thành được hơn 6,2 km/13,86 km. Nguyên nhân để xảy ra tình trạng nói trên theo lý giải của các cơ quan chức năng liên quan là do thiếu kinh phí để đền bù giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, việc thiết kế tuyến đường phụ dọc 2 bên thân đê 3/2 để phục vụ nhân dân sản xuất nông nghiệp hiện nay cũng chưa được triển khai. Dự án nâng cấp đê 3/2 tại xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn do Sở NN&PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư nhằm tăng cường khả năng chống lũ cho các xã vùng thượng lưu sông Cả. Tuy nhiên, kiến nghị này của người dân ở các xã bị ảnh hưởng đến nay vẫn chưa thể thực hiện.

Một đoạn đê biển ở thị xã Hoàng Mai bị xâm hại


Dự án đầu tư, sửa chữa và nâng cấp đê Lương - Yên – Khai (huyện Thanh Chương) được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt năm 2011, do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư. Công trình có tổng mức đầu tư (sau điều chỉnh) trên 36 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước, vốn hỗ trợ khắc phục lũ lụt miền Trung của WB5, nguồn huy động đóng góp của nhân dân vùng hưởng lợi và các nguồn hợp pháp khác. Thời gian được phê duyệt trong 24 tháng kể từ ngày khởi công, tại địa điểm các xã Thanh Lương, Thanh Yên, huyện Thanh Chương. Với phê duyệt kỹ thuật của Dự án, tuyến đê có chiều dài trên 3.200 m, có các công trình trên tuyến như cống dưới đê, kênh tưới, dốc lên đê, đường thi công kết hợp ứng cứu đê và các hạng mục trên đường thi công.

Theo tìm hiểu, năm 2012, Dự án được triển khai thi công. Đến nay, sau 4 năm, Dự án đã hoàn thành được khối lượng công việc chủ yếu trên địa bàn 2 xã Thanh Khai và Thanh Lương. Trong khi đó, tuyến đê trên địa bàn xã Thanh Yên đang triển khai dang dở khiến người dân thấp thỏm, lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến.

Dự án xây dựng cầu treo tại bản Yên Hoà, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn mặc dù đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt từ năm 2012 với tổng vốn đầu tư 36,9 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Vì vậy, hàng trăm hộ dân thuộc 3 bản phía bên kia sông Nậm Nơn hiện vẫn đang phải di chuyển bằng đò mỗi khi qua lại. Vào mùa mưa lũ, nước sông Nậm Nơn chảy xiết nên người dân ở đây bị cô lập hoàn toàn.

Lấn chiếm hành lang đê điều – Cần được xử lý triệt để

Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có 473,05 km đê điều với nhiều tuyến quan trọng, được phân cấp quản lý chặt chẽ. Đặc biệt, Nghệ An có hơn 68 km hệ thống đê cấp 3 do Trung ương quản lý thuộc tuyến đê Tả Lam qua địa phận 2 huyện Nam Đàn và Hưng Nguyên. Hơn 400 km chiều dài đê còn lại thuộc loại đê cấp 4 do địa phương quản lý. Thế nhưng, qua tìm hiểu thực tế ở các địa phương liên quan thì tình trạng người dân tự ý lấn chiếm hành lang đê điều vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành, hàng trăm hộ dân từ nhiều năm nay lấn chiếm kênh Vách Bắc để xây dựng nhà ở kiên cố đã khiến dòng chảy bị biến dạng, tắc nghẽn vào mùa mưa lũ. Khi đặt vấn đề về công tác quản lý, bảo vệ hành lang đê điều thì đại diện chính quyền cũng như đơn vị trực tiếp quản lý đổ lỗi do quá khứ để lại?!

Tỉnh Nghệ An chịu tổn thất lớn về người và tài sản dù chỉ bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 4 vào giữa tháng 9 vừa qua


Hay tại khu vực đê điều thuộc sông Mai Giang chảy qua địa phận phường Quỳnh Phương, TX Hoàng Mai, tình trạng người dân vô tư lấn chiếm hành lang đê điều vẫn đang “nóng” hơn bao giờ hết. Đặc biệt, ngay sát cửa biển Lạch Cờn, tình trạng người dân vô tư xây dựng các công trình phụ để lấn chiếm đê biển gây khó khăn trong việc tàu thuyền ra vào neo đậu, tránh trú bão. Tuy nhiên, thực trạng này đến nay vẫn chưa thể giải quyết triệt để.

Hay tại khu vực ven đê Tả Lam đoạn qua xóm 6, xã Hưng Xá (huyện Hưng Nguyên), trong quá trình xây dựng, cải tạo trang trại nuôi trồng thủy sản, ông Lê Hồng Sinh - chủ trang trại đã thuê máy xúc đào rất nhiều ao sâu, trong đó có ao chỉ cách chân đê Tả Lam chưa đầy 20 m. Đặc biệt, số đất cải tạo từ các ao này đã được các xe tải vận chuyển bán cho các nhà máy sản xuất gạch ngói trên địa bàn. Ngoài ra, chủ trang trại này còn thực hiện một số công trình xây dựng khác vi phạm Luật Đê điều, tuy nhiên những vi phạm nêu trên vẫn chưa được các cơ quan chức năng xử lý triệt để.

Không chỉ ở huyện Yên Thành, Hưng Nguyên hay TX Hoàng Mai mà hiện nay trên địa bàn Nghệ An, tình trạng lấn chiếm hành lang đê điều vẫn còn xảy ra khá phổ biến ở nhiều địa phương. Trong khi đó, các cấp chính quyền lại chưa làm tốt chức năng về mặt quản lý Nhà nước của mình.

Ông Lê Đình Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An cho biết: Có một thực tế phải thừa nhận rằng, tại các tuyến đê điều trên địa bàn hiện nay vẫn đang tồn tại tình trạng lấn chiếm hành lang để làm nhà ở, công trình phụ. Ngoài việc phân cấp quản lý, thời gian qua, Chi cục cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành xử lý, tháo dỡ các công trình vi phạm. Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra rút đi thì người dân lại tiếp tục cơi nới, tái phạm. Tình trạng này không chỉ gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước mà còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, thậm chí là gây hậu quả khôn lường khi mùa mưa bão về.

Hàng năm, Nghệ An chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều cơn bão, lũ diễn ra với các cấp độ rất phức tạp. Qua thực tế cho thấy, trên địa bàn trong thời gian qua đã có không ít trận lũ lụt cuốn trôi nhà cửa, hoa màu và gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân.

Nói về thiệt hại do mưa lũ ở Nghệ An, mới đây nhất tuy chỉ là tỉnh bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu bãi số 4 nhưng thiệt hại đã vô cùng to lớn về người và tài sản. Theo thống kê, đã có 7 người bị chết, 1 người mất tích và 2 người bị thương. Đợt mưa lũ cũng đã làm đổ 54 ngôi nhà, cuốn trôi 13 nhà, làm tốc mái, ngập và sạt lở hơn 1.000 ngôi nhà, làm ngập lụt, hư hỏng nhiều phương tiện, máy móc. 26 điểm trường bị ảnh hưởng, nhiều phòng học, phòng ở nội trú của của giáo viên và học sinh bị ngập thiệt hại nặng; Các trang thiết bị phục vụ học tập và sinh hoạt của nhà trường, giáo viên và học sinh bị cuốn trôi, hư hỏng. Về sản xuất, toàn tỉnh bị thiệt hại trên 8.200 ha lúa; trong đó lúa thuần, lúa lai 70% diện tích thiệt hại hoàn toàn. Ngô, rau màu các loại bị ngập, thiệt hại gần 5.000 ha; trong đó thiệt hại hoàn toàn trên 70%. Cây trồng hàng năm bị thiệt hại trên 2.100ha, trong đó thiệt hại hoàn toàn trên 70%. 218 con gia súc và gần 11.800 con gia cầm bị cuốn trôi. Diện tích ao nuôi, hồ nhỏ bị ngập, thiệt hại: gần 1.800ha; trong đó thiệt hại rất nặng từ 50 đến 70%. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị cuốn trôi, sạt lở, hư hỏng nặng... ước tính thiệt hại trên 700 tỷ đồng. Đây là một bài học mà tỉnh Nghệ An phải trả với cái giá rất đắt!

Chính vì thế, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm hành lang đê điều, sông ngòi nhằm xây dựng các công trình dân sinh trái phép để chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tác giả bài viết: Đình Tiệp

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP