Phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC tăng 2,52% lên 4.880 đồng/cổ phiếu. Đây có thể sẽ là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của mã này sau chuỗi giảm dài trước đó.
Với mức thị giá hiện tại, cổ phiếu FLC đã giảm hơn 1,4% trong vòng 1 tuần và giảm gần 4% trong vòng 1 tháng. Mức giảm trong vòng 3 tháng lên tới gần 21% và trong vòng 1 năm là 23%.
Ông Trịnh Văn Quyết cho biết, Bamboo Airways có thể "cất cánh" ngay trong năm 2018 này (ảnh: Dân Việt) |
Mặc dù có thị giá thấp, tuy nhiên, FLC luôn là một trong những mã có thanh khoản tốt nhất trên thị trường. Phiên sáng, khối lượng khớp lệnh tại FLC đạt hơn 2 triệu đơn vị.
Cổ phiếu FLC diễn biến tích cực trong bối cảnh Văn phòng Chính phủ mới đây đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu bộ này dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Vận tải hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) theo đúng quy định của Luật Đầu tư.
Trước đó, trong văn bản đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Bamboo Airways thỏa mãn yêu cầu về vốn chủ sở hữu, cũng như cam kết của công ty mẹ - Tập đoàn FLC về việc cung cấp bổ sung vốn lưu động thường xuyên phục vụ hoạt động kinh doanh trong giai đoạn đầu gia nhập thị trường và các giai đoạn tiếp theo.
Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra hồi trung tuần tháng 6, lãnh đạo FLC cho biết, sẽ vận hành Bamboo Airways vào cuối năm 2018 này. Trước mắt, tập đoàn này sẽ thuê 20 chiếc máy bay đầu tiên hoạt động tại các sân bay nội địa, trụ sở chính là sân bay Phù Cát (Bình Định). Sau đó, sẽ nhận bàn giao 24 chiếc máy bay Airbus từ năm 2019-2023 và 20 chiếc Boeing trong thỏa thuận, dự kiến được ký kết vào ngày 25-26/6 tới đây.
Hiện FLC chưa phát hành cổ phiếu để huy động cho hãng hàng không này mà hoàn toàn dùng bằng vốn tự có và vốn vay. Airbus và Boeing đều cam kết có định chế tài chính đứng ra thu xếp vốn.
Về chiến lược phát triển, Bamboo Airways định vị như một hãng hàng không truyền thống cung cấp các dịch vụ siêu cao cấp, và cũng sẽ có những dịch vụ giá rất rẻ như phục vụ những chuyến bay miễn phí đến các khu nghỉ đưỡng FLC, không chỉ cho khách trong nước mà cả khách từ nước ngoài về.
Với kế hoạch này, FLC đặt mục tiêu trong năm nay sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu hợp nhất 7% so với năm 2017, đạt 12.500 tỷ đồng.
Cổ phiếu FLC đang ở vùng giá thấp nhất 3 tháng |
Nhóm cổ phiếu có thanh khoản dẫn đầu thị trường sáng 22/6 (đồ thị: VDSC) |
Trên thị trường chứng khoán sáng nay, cùng với FLC, sàn HSX có tổng cộng 130 mã chứng khoán tăng giá, nhỉnh hơn so với số mã giảm (110 mã). Nhờ đó, chỉ số VN-Index tăng 6,75 điểm tương ứng 0,7% lên 976,15 điểm.
Trong mức tăng của VN-Index, VNM góp tới 3,79 điểm khi tăng mạnh tới 8.100 đồng lên 178.100 đồng/cổ phiếu và GAS góp vào 1,73 điểm khi đạt mức tăng 2.800 đồng/cổ phiếu. Một số mã khác cũng tăng giá và tác động tích cực lên chỉ số chung là BID, VRE, BVH, HPG, VPB, CTG, HDB, PLX… Ở chiều ngược lại, VIC, MSN, ROS, VHM, TCB, PNJ, HCM, PME đồng loạt “đỏ giá”.
Thanh khoản thị trường tiếp tục là mối lo ngại đối với nhà đầu tư. Dòng tiền chảy vào HSX sáng nay chỉ đạt hơn 1.600 tỷ đồng với hơn 56 triệu cổ phiếu giao dịch, trong khi đó, con số này trên HNX cũng chỉ dừng lại ở mức gần 294 tỷ đồng và chưa tới 18,8 triệu cổ phiếu giao dịch.
Tác giả: Bích Diệp
Nguồn tin: Báo Dân trí