Thương vụ lịch sử: Giá nào cũng mua
Phiên đấu giá lịch sử ngày 18/12 đã kết thúc với 1 doanh nghiệp liên quan tới tỷ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi trúng thầu mua trọn lô 343,66 triệu cổ phiếu (53,6%) Bia Sài Gòn - Sabeco (SAB) với mức giá 320.000 đồng/cp.
Đây là một thương vụ khổng lồ với trị giá lên tới khoảng 4,8 tỷ USD và gần như chắc chắn thành công bởi doanh nghiệp mới thành lập tại Việt Nam hồi tháng 10 - Vietnam Beverage - của tỷ phú người Thái, chủ hãng bia ThaiBev được các định chế tài chính khổng lồ trong khu vực thu xếp và có chứng thư bảo lãnh khoản đặt cọc 10%, tương đương khoảng 480 triệu USD.
Nếu không có gì thay đổi, chỉ một thời gian ngắn nữa, khối tiền khổng lồ sẽ với ngân sách của Việt Nam.
|
Với việc chấp nhận mức giá được nhiều tổ chức trong và ngoài nước đánh giá là ở “trên trời”, thông điệp của Charoen rất rõ ràng: mua bằng mọi giá, ai tham gia vào cũng sẽ không có được tỷ lệ lớn, tỷ lệ chi phối và tốt nhất là nhường lại cuộc chơi cho họ.
Trên thực tế, mức giá khởi điểm cao hơn rất nhiều so với mức giá trong 2 lần định giá trước đó. Lần đầu tiên ở mức khoảng 180 ngàn đồng/cp. Và tất cả các đại gia bia trong khu vực và thế giới được kỳ vọng tham gia vào thương vụ thoái vốn này như AB Inbev, Heineken, Kirin Holdings… đều rút lui, để lại sân chơi cho 1 mình ThaiBev.
Trước đó, tập đoàn TCC Holdings (công ty mẹ của ThaiBev) và các đơn vị thành viên của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi cũng đã đổ nhiều tỷ USD vào Việt Nam và sở hữu những doanh nghiệp, những thương hiệu và bất động sản trị giá tại Việt Nam.
Trước Sabeco, tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đã có nhiều khoản đầu tư đình đám trên rất nhiều lĩnh vực như bất động sản, phân phối, bán lẻ, bao bì, đồ uống... tại Việt Nam như các thương vụ: chi hơn 700 triệu thâu tóm hệ thống phân phối Metro Cash & Carry Việt Nam (sau đổi tên thành Mega Market); thâu tóm tập đoàn phân phối và bán lẻ Phú Thái (đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi B’s Mart); nắm giữ 19% cổ phần Vinamilk trị giá khoảng 2,5 tỷ USD (thông qua công ty con Fraser & Neave - F&N); Glass Vietnam, Malaya Vietnam Glass, TBC-Ball Vietnam; và nhiều bất động sản cao cấp như: Melia Hà Nội (TCC Land nắm 65%); Mê Linh Point Tower (Fraser Centrepoint nắm 75%)...
Như vậy, cùng với thương vụ Sabeco, chỉ trong vòng khoảng 5 năm, TCC Holding của tỷ phú Thái Charoen nắm giữ khối tài sản giá trị gần chục tỷ USD là doanh nghiệp hàng đầu tại rất nhiều lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao trong tương lai như bán lẻ, nông nghiệp, vật liệu xây dựng, bia của Việt Nam.
Tham vọng đằng sau quyết định tỷ USD tại Việt Nam
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, trưởng phòng môi giới chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect, quyết định đổ vốn vào Sabeco lần này của tỷ phú Thái rất quyết liệt. Mức giá 320 ngàn đồng/cp cho thấy người mua cực kỳ am hiểu và tự tin để cải tổ hiệu quả của Sabeco sau khi mua.
Theo ông Tuấn, điều trọng yếu ở đây là ThaiBev đã quyết tâm mua để mở rộng thị phần ở khu vực trong bối cảnh thị trường bia của Thái đang đi xuống. Mở rộng bằng M&A là nhanh chóng và hiệu quả.
|
Giả sử nếu chê SAB đắt không mua, thương vụ đổ bể, thì ThaiBev có thể phải mất 1-2 năm nữa. Nó khiến chiến lược mở rộng thị phần của đại gia bia Thái chậm lại. Khi đó, kế hoạch lấy Việt Nam làm bàn đạp xuất khẩu bia và đồ uống có cồn ra Đông Nam Á sẽ gặp nhiều khó khăn.
Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính đánh giá, năng lực sản xuất bia của Việt Nam vượt trội trong khu vực. Chi phí nhân công lại rẻ. Đây là yếu tố mà các ông lớn trong ngành bia thế giới đều mong muốn.
Theo chuyên gia này, mức giá 320 ngàn đồng là cao nhưng các tập đoàn lớn có tầm nhìn dài hạn. Với tỷ lệ kiểm soát hoàn toàn thì có thể mức định giá như vậy là phù hợp.
Theo ông Tuấn, thương vụ Sabeco cho thấy niềm tin vào TTCK nói riêng và kinh tế Việt Nam là rất lớn. Khi Chính phủ thể hiện quan điểm đẩy mạnh tư nhân hóa mạnh mẽ một cách rõ ràng thì Việt Nam là một địa điểm rất hấp dẫn trong mắt các tập đoàn “cá mập” quốc tế. Nguồn lợi về thị trường tiêu dùng, mặt bằng giá nhân công còn rẻ và tốc độ tăng trưởng cao đều là các yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại.
Cũng theo ông Tuấn, người Thái bỏ ra 5 tỷ USD, một năm có thể thu về 10 ngàn tỷ đồng, khoảng 10 năm thì hoàn vốn, còn 10 năm tiếp theo là lợi nhuận. Nhưng đây mới chỉ là các con số, Sabeco cũng như các doanh nghiệp mà họ bỏ tiền ra mua không chỉ là một doanh nghiệp mà có thể coi là một hệ sinh thái, tức là không phải chỉ có bia, mà đó là một hệ thống, bán cái gì cũng được. Đó có thể là sản phẩm nước có cồn, không cồn.
Trên thực tế, có doanh nghiệp bán nước ngọt còn kiếm tỷ USD. Điều đó cho thấy Sabeco rất hấp dẫn.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là việc bán Sabeco tỷ lệ lớn là “bị hớ”, mất thương hiệu... bởi Sabeco gần đây cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phát triển và mở rộng. Nếu vẫn duy trì cơ chế cũ, Sabeco có thể chỉ lãi khoảng 4-6 ngàn tỷ/năm, thu thế được khoảng 1 ngàn tỷ. Còn nếu tập đoàn của Thái có thể lãi 20 ngàn tỷ và đóng thuế khoảng 4 ngàn tỷ đồng/năm, giống như những gì đã xảy ra với Vinamilk.
Đó là chưa kể tới việc, Nhà nước thu được một cục tiền lớn nhiều tỷ USD, làm được rất nhiều việc, trong đó có đầu tư cho phát triển hạ tầng - nút thắt kinh điển của tăng trưởng kinh tế. Việc thoái vốn từ trước đến nay vẫn được xác định là một bước đi tất yếu để tránh tình trạng nhũng nhiễu, trì trệ. Mặc dù vậy, về cơ bản, chuyển đổi mô hình kinh tế phải triệt để, không nửa vời.
Những bước đi gần đây đang phát đi những tín hiệu rất tích cực. Một thương vụ lịch sử đã được thiết lập. Đó cũng có thể là một dấu hiệu bước ngoặt đối với nền kinh tế Việt Nam.
Tác giả: M. Hà
Nguồn tin: Báo VietNamNet