Kinh tế

Tỷ phú giàu nhất Việt Nam liên tiếp rút vốn khỏi 2 doanh nghiệp

Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng liên tiếp rút vốn khỏi 2 doanh nghiệp lớn là thông tin đáng chú ý về đời sống doanh nhân tuần qua.

Ông Phạm Nhật Vượng rút hết vốn khỏi Vinmart

Trong một báo cáo tài chính mới đây của Vingroup, tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng đang trong quá trình rút chân hoàn toàn khỏi The CrownX.

The CrownX được thành lập tháng 6/2020. Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) là công ty mẹ với sở hữu lên tới 70% vốn, Vingroup sở hữu quyền chọn nắm giữ 30% vốn còn lại.

Tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng đang trong quá trình rút chân hoàn toàn khỏi The CrownX.


Giá gốc khoản đầu tư này tại ngày 31/12/2020 được ghi nhận là 5.538,3 tỷ đồng tuy nhiên giá trị hợp lý của khoản đầu tư vẫn đang trong quá trình xác định.

Sau khi thành lập, The CrownX sở hữu 83,74% vốn Công ty cổ phần Phát triển và Thương mại Dịch vụ VCM và 85,71% vốn tại Công ty TNHH Masan Consumer Holdings (MCH). Trong đó, VCM lại sở hữu 100% vốn VinCommerce - đơn vị vận hành chuỗi Vinmart và Vinmart+ còn MCH sở hữu 95,24% vốn Masan Consumer - đơn vị quản lý mảng sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng của Masan Group.

Như vậy, nếu thương vụ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn còn lại tại The CrownX cho đối tác được thực hiện thành công thì cũng đồng nghĩa với việc Vingroup sẽ hoàn toàn chấm dứt sự liên quan với Vinmart và Vinmart+.

Tỷ Phú Phạm Nhật Vượng rút vốn đầu tư tại Vinatex

Tuần qua, lại một thông tin đáng chú ý về hoạt động của Vingroup là việc tập đoàn này vừa đăng ký bán 25 triệu cổ phiếu VGT đang nắm giữ tại Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex).

Nếu thương vụ thành công, Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng sẽ hạ tỷ lệ sở hữu tại Vinatex từ 10% (tương ứng với 50 triệu cổ phiếu) xuống còn 5% (tương ứng 25 triệu cổ phiếu). Với tỷ lệ này, Vingroup vẫn giữ được vị thế cổ đông lớn của Vinatex sau 7 năm đầu tư vào "ông lớn" ngành dệt may hồi 2014 khi Vinatex cổ phần hóa.

Ông Lê Khắc Hiệp - Ủy viên Hội đồng quản trị Vingroup - cũng giữ vai trò là Ủy viên Hội đồng quản trị Vinatex. Tuy nhiên, ông Hiệp không sở hữu cổ phần tại Vinatex.

Cần tiền, em gái bầu Đức "lướt sóng" cổ phiếu nhà

Tuần qua, thông tin đáng chú ý về đời sống doanh nhân phải kể đến việc, bà Đoàn Thị Nguyên Thảo, em gái bầu Đức - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - mã chứng khoán HNG) bất ngờ công bố thông tin đã mua 46.900 cổ phiếu HNG, tương đương 0,004% vốn cổ phần tại công ty này.

Giao dịch được thực hiện từ ngày 9/3 đến 25/3 thông qua phương thức khớp lệnh trên sàn. Trước giao dịch, bà Thảo không sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào của HAGL Agrico.

Gần đây theo ghi nhận, cổ phiếu HNG giảm 1,72% và dao động trong khoảng giá từ 11.400 đồng đến 12.500 đồng. Nếu may mắn bắt đúng đáy, bà Đoàn Thị Nguyên Thảo có thể mua được cổ phiếu HNG ở mức giá 11.400 đồng/cổ phiếu.

Cách đây vài ngày, bà Thảo lại tiếp tục thông báo đăng ký bán khớp lệnh lượng cổ phiếu trên từ ngày 5/4 đến ngày 4/5 bằng phương thức khớp lệnh với mục đích "cân đối tài chính cá nhân".

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang viết tâm thư

Sau khi mua lại VinCommerce, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã có những chia sẻ rất đáng chú ý về thương vụ này. Theo đó, ông cho rằng: "Khi công bố thương vụ mua lại VinCommerce, chúng ta đã tin rằng mọi nhân viên, các nhà đầu tư và thị trường sẽ nhiệt liệt tán thưởng quyết định này. Nhưng những gì diễn ra đã ngoài tầm dự đoán… Bước đi chiến lược của chúng ta đã nhận nhiều phản ứng trái chiều. Những người tin tưởng nhất vào Masan đã trở nên lung lay và giá cổ phiếu của chúng ta giảm phân nửa chỉ trong một tháng".

Ông Nguyễn Đăng Quang đã có "tâm thư" dài chia sẻ về kế hoạch tham vọng trong tương lai của tập đoàn này (ảnh: MSN).


Tuy nhiên theo ông Quang, khi nhìn lại, phản ứng dây chuyền này là có thể hiểu được bởi lúc đó, Masan đã tiếp nhận khoản lỗ hơn 100 triệu USD từ VinCommerce, trong khi chưa có nhiều kinh nghiệm vận hành trong lĩnh vực bán lẻ.

Tuy nhiên, vị tỷ phú này nhận định, việc lùi một bước là cần thiết để tạo đà cho cú nhảy vọt cho 5 năm tới. Theo đó, tập đoàn này sẽ xây dựng một mô hình hiệu quả để phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng.

Ông Quang cũng hé lộ tham vọng, khi chuyển đổi sang nền tảng bán lẻ hiện tại, sẽ xây dựng một doanh nghiệp có quy mô doanh thu 7 - 10 tỷ USD và lợi nhuận gộp gia tăng hai con số vào 2025 cho lĩnh vực bán lẻ.

Tác giả: Thế Hưng

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP