Giáo dục

Tuyển hụt chỉ tiêu, hiệu trưởng sẽ mất chức

Đây là biện pháp quyết liệt mà Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ áp dụng đối với hệ thống các cơ sở dạy nghề trực thuộc.

Trường trung cấp nghề Kỹ thuật nghiệp vụ Tôn Đức Thắng (TP.HCM), một trong những trường trực thuộc hệ thống trường nghề của Liên đoàn Lao động TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Các trường phải nhạy bén với nhu cầu thị trường, có thể đào tạo những ngành nghề mới như giúp việc gia đình, kể cả nghề làm móng tay, cắt tóc..., chứ không thể chỉ trông vào những nghề truyền thống như trước

Ông Bùi Văn Cường


Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Văn Cường - chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết:

- Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có quyết định về chỉ tiêu đào tạo nghề trong ba năm (2015 - 2017). Cụ thể, đối với các trường CĐ mỗi năm đào tạo 700 học viên, trường trung cấp nghề 500 học viên và trung tâm dạy nghề 150 học viên. Trên cơ sở này, tổng liên đoàn đã ra “tối hậu thư”, nếu cơ sở dạy nghề nào không đạt chỉ tiêu đào tạo nghề của hai năm liên tục sẽ buộc phải thay hiệu trưởng hoặc giám đốc trung tâm.

Sau đó, khi hiệu trưởng mới được bổ nhiệm thay thế, nếu tiếp tục điều hành nhà trường hai năm không đạt chỉ tiêu đào tạo mà tổng liên đoàn giao thì sẽ phải xem xét giải thể, sắp xếp hoặc chuyển đổi hình thức hoạt động, thu hồi đất của trường để sử dụng vào mục đích khác.

Không tạo sức ép sẽ khó chuyển động

* Trước khi chính thức áp dụng biện pháp cứng rắn này, tổng liên đoàn đã rà soát các trường trong hệ thống chưa, thưa ông? Với thực trạng hiện có, liệu có nhiều trường đứng trước nguy cơ phải thay hiệu trưởng vì không đạt chỉ tiêu được giao?

- Căn cứ trên quy định về chỉ tiêu cho từng loại hình trường như trên, tổng liên đoàn đã có những rà soát bước đầu. Các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn hầu hết được thành lập trên cơ sở các trung tâm giới thiệu việc làm và được phân bổ ở hơn 30 tỉnh, thành trên cả nước.

Kết quả cho thấy trong 34 cơ sở dạy nghề thuộc tổng liên đoàn có 16 cơ sở tổ chức đào tạo nghề đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên, còn có 18 cơ sở chưa đạt chỉ tiêu mà tổng liên đoàn giao. Trong đó, có đến 8 cơ sở dạy nghề trong tình trạng “báo động”, chỉ đạt dưới 50% chỉ tiêu.

Chúng tôi rất chia sẻ với các trường trong tình hình tuyển sinh khó khăn chung hiện nay khi nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động phổ thông chưa qua đào tạo, rồi nhiều trường ĐH tuyển sinh với điểm sàn rất thấp lại kéo dài thời gian xét tuyển khiến các trường CĐ, trung cấp nghề cạn nguồn tuyển... Tuy nhiên, nếu không tạo sức ép cần thiết, hệ thống sẽ rất khó chuyển động.

Chính các trường cần phải đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng mở thêm, đa dạng hóa các ngành nghề theo nhu cầu xã hội, chủ động xây dựng chương trình đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân các doanh nghiệp, ký được hợp đồng với doanh nghiệp để đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động.

Phải hướng tới hoạt động tự chủ

* Ông có lo ngại chủ trương của tổng liên đoàn khó thành hiện thực khi lý do để thay hiệu trưởng không phải vì sai phạm cá nhân mà chỉ bởi không đạt chỉ tiêu đào tạo của tổng liên đoàn giao?

- Chủ trương này đã thành quy định, đã được công bố công khai, được quán triệt đến từng trường nên việc xử lý sẽ được thực hiện một cách chặt chẽ, khách quan.

Trường nào không đạt chỉ tiêu, nghĩa là hoạt động không hiệu quả thì trách nhiệm trước hết phải thuộc về người đứng đầu. Không hoàn thành nhiệm vụ ở cương vị người đứng đầu thì tổng liên đoàn sẽ điều động, phân công đảm đương công việc khác.

Không chỉ với các cơ sở dạy nghề, biện pháp này chúng tôi cũng sẽ áp dụng với hệ thống khách sạn công đoàn ở các địa phương. Phải có tiêu chí, chỉ tiêu rõ ràng, để nếu các đơn vị không thực hiện được thì sẽ thay người đứng đầu.

Các trường yếu có thể nhìn ngay trong hệ thống trường nghề cùng trực thuộc tổng liên đoàn, cùng hưởng cơ chế và điều kiện cơ bản như nhau, nhưng có phải trường nào cũng khó tuyển sinh đâu?

Nhiều trường rất năng động, nhạy bén trước đòi hỏi mới của thị trường, phân tích sâu nhu cầu của người học, của doanh nghiệp, tích cực đổi mới từ phương thức tuyển sinh đầu vào, đến cách thức đào tạo cũng như tăng cường mối liên hệ với doanh nghiệp để hỗ trợ đầu ra cho người học.

Ví dụ năm 2015, Trường CĐ Công nghệ Hà Tĩnh vượt 240% chỉ tiêu, rồi Trường trung cấp Nghề Thái Nguyên vượt đến gần 270% chỉ tiêu...

* Theo ông, hệ thống 34 trường CĐ nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề và trung tâm giới thiệu việc làm mà tổng liên đoàn đang quản lý sẽ phải chuyển mình như thế nào để thích ứng điều kiện mới, tình hình mới?

- Điều quan trọng và cấp thiết là các trường phải hướng tới hoạt động tự chủ, thoát ly dần sự phụ thuộc vào đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.

Nhìn lại năm năm (2011 - 2015), từ nguồn ngân sách nhà nước và ngân sách liên đoàn lao động tỉnh, các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn được đầu tư xây dựng cơ bản hơn 300 tỉ đồng, đầu tư mua sắm thiết bị dạy nghề hơn 200 tỉ đồng và hỗ trợ kinh phí chi hoạt động thường xuyên gần 140 tỉ đồng.

Tuy nhiên, để hướng tới hoạt động tự chủ của các cơ sở dạy nghề, từ năm 2017, liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố sẽ không sử dụng ngân sách công đoàn để chi hoạt động thường xuyên và mua sắm thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề nếu việc đầu tư này không hiệu quả.

* Ông Đặng Quang Điều (ủy viên Đoàn chủ tịch, trưởng Ban chính sách kinh tế - xã hội và thi đua khen thưởng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam):

Không đạt chỉ tiêu, chuyển đổi cơ sở dạy nghề làm việc khác

Quy định trường CĐ nghề phải đạt chỉ tiêu đào tạo 700 người, trường trung cấp tối thiểu 500 người được tính theo “đầu ra” hằng năm, nghĩa là số lượng tuyển sinh mỗi năm có thể còn phải lớn hơn để đảm bảo được quy mô này. Nếu cơ sở dạy nghề không hoàn thành chỉ tiêu, hiệu trưởng mới thay thế tiếp tục dẫn dắt trường không đạt chỉ tiêu được giao thì sẽ xem xét thực hiện chuyển đổi cơ sở dạy nghề thành nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, nhà thi đấu, nhà văn hóa cho công nhân, hoặc chuyển thành các trung tâm tư vấn pháp luật của công đoàn...

Đã có một số hiệu trưởng lo lắng trước quyết định này của tổng liên đoàn và thắc mắc tại sao trường sẽ không được nhận chi phí thường xuyên lại còn phải thực hiện chỉ tiêu do tổng liên đoàn giao, đặt vấn đề đã giao chỉ tiêu thì phải giao cả kinh phí chứ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng giải thích tổng liên đoàn đã giao cho trường nhà xưởng, cơ sở vật chất, bây giờ trường phải tự lo kinh phí hoạt động, chứ chả lẽ lại còn chờ được trả lương và có sẵn nguồn để chi trả cho các hoạt động khác? Đây là “cú hích” cần thiết để các trường đổi mới và tự tạo ra cơ hội phát triển lâu dài.

Tác giả bài viết: ĐỨC BÌNH - NGỌC HÀ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP