"Trong thời gian này nếu ứng cứu nhanh thì chỉ 1 gáo nước là dập tắt, sau 10 phút thì hệ quả khôn lường bởi vì tốc độ cháy, lan rất nhanh", ông cho hay.
Tuy nhiên, các thành phố lớn phổ biến tình trạng ngõ nhỏ, nhà nhỏ, phố nhỏ. Phải đầu tư phương tiện chữa cháy cơ động hơn, ví dụ môtô chữa cháy loại nhỏ.
Muốn chữa cháy hiệu quả, phải đảm bảo được nguồn nước. Xe cứu hỏa chỉ có 4-6 khối nước, phun với tốc độ 7 lít /giây thì mấy phút là hết, nên phải có nguồn nước liên tục. Nhiều nơi chúng tôi đến cứu cháy thì lại hết nước, vấn đề này rất căng. Tôi cho rằng, sau này nếu phát triển về mạng lưới đô thị, hoặc quy hoạch thành phố phải tính đến vấn đề nguồn nước.
Thiếu tá Vũ Công Hòa cho rằng, để tổ chức cứu chữa các đám cháy một cách có hiệu quả và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng cần thiết nhất là trang bị cho người dân kiến thức cơ bản để tránh cháy nổ.
Vừa qua, do nhận thức của người dân còn hạn chế nên việc tổ chức chữa cháy tại chỗ của nhân dân không hiệu quả. Như vụ cháy quán karaoke trên phố Trần Thái Tông vừa qua, nếu người dân biết dùng bình cứu hỏa thì hạn chế được. Hơn nữa là việc báo thông tin chậm.
Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn khác hệ thống giao thông đi lại khó khăn, có nhiều ngõ nhỏ, hẻm sâu, dân cư đông đúc, nhà cửa chật chội, hệ thống dây dẫn điện chằng chịt, nhiều nơi người dân tự ý xây trụ bê tông hoặc hàn thanh ngang để cản đường ô tô... nên các xe chữa cháy thông thường được trang bị hiện nay không hoạt động được.
Bên cạnh đó, tại những khu vực này, đặc biệt là đối với những khu dân cư cũ, hệ thống mạng lưới cấp nước chữa cháy gần như không có, hoặc xuống cấp không được đầu tư nâng cấp, cải tạo không sử dụng được, nên khi có cháy xảy ra việc tiếp cận và triển khai tổ chức chữa cháy tại những nơi này gặp rất nhiều khó khăn.
Các khu dân cư như phố cổ, việc đầu tư cho chữa cháy như nguồn nước tại chỗ khó khăn, có khu dân cư không có. Nên khi triển khai chúng tôi phải đi lấy nước rất xa. Nên tạo điều kiện cho đám cháy bùng phát trở lại.
Vấn đề nữa là ý thức trách nhiệm của người dân, người đứng đầu cơ sở không đầu tư cho đảm bảo an toàn cháy nổ từ ban đầu nên việc cháy nổ diễn biến phức tạp.
Đó là những nguyên nhân khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong công tác chữa cháy. Để giải quyết vấn đề này, trước hết cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia công tác PCCC, rỡ bỏ các ụ bê tông, thanh ngang chắn đường tạo điều kiện hoạt động cho xe chữa cháy ở những nơi xe chữa cháy có thể vào được.
Tại những nơi xe chữa cháy không tiếp cận được thì giải pháp đầu tư các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy loại nhỏ là phù hợp và hiệu quả như máy bơm chữa cháy, xe máy chữa cháy, ô tô chữa cháy mini và đặc biệt là phải tính toán đầu tư xây dựng mạng lưới các bể chữa cháy, trụ nước chữa cháy, hệ thống máy bơm, đường ống dẫn nước đáp ứng yêu cầu công tác chữa cháy, để khi có sự cố xảy ra là có thể sử dụng được ngay để chữa cháy.
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh thông tin thêm: Phải đẩy mạnh xã hội hóa. Hiện nay, kinh phí Nhà nước và việc để Nhà nước gánh như hiện nay là không đảm bảo, các cơ sở phải tự lo, đảm bảo theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo lực lượng, con người để ứng phó với các sự cố xảy ra.
Phải trang bị phương tiện tùy theo nhu cầu của cơ sở mình. Ví dụ với cơ sở xăng dầu phải chuẩn bị bọt chứ không thể dùng nước được. Lực lượng phương tiện phải thường trực. Mong muốn giảm tải cho ngân sách và đảm bảo phản ứng nhanh thì PCCC phải từ cơ sở, đó là cái gốc. Tới đây sẽ triển khai mạnh mẽ điều này và mong người dân nhận thức rõ hơn.
Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ đảm bảo. Lực lượng CS PCCC phải chính quy, hiện đại, tinh nhuệ, kịp thời giải quyết nhưng tình huống lớn xảy ra.
Tác giả bài viết: Minh Thư
Nguồn tin: