Giáo dục

Tuổi trẻ lem luốc

Tôi nhìn vào mắt của Nguyên rồi hỏi con: “Con muốn đi học để làm gì?” – Nguyên trả lời: “Con muốn kiếm tiền nuôi mẹ con. Đi học mới kiếm được tiền”.

Câu trả lời đó của Nguyên có thể tìm thấy ở bất cứ đâu nơi có những đứa trẻ nghèo và học giỏi ở nông thôn Việt Nam. Nghèo là một ám ảnh khốc liệt. Trách nhiệm nuôi gia đình tương lai là một sự ràng buộc hiển nhiên đứa trẻ sẽ mang suốt đời.

Từ quãng đó của câu trả lời, tuổi trẻ sẽ là cuộc đua đau đớn và mỏi mệt.

Nó ngồi khóc ở cửa nếu cha không cho đi học. Nó mơ giấc mơ có sách giáo khoa sạch sẽ và vở bài tập mới. Nó thức thâu đêm khi cầm tờ giấy trúng tuyển đại học, nhìn ra cửa và không biết mẹ sẽ phải bán con bò hay làm sao để có tiền nhập học.

Nó nhịn đói trong những đêm học khuya ở ký túc xá vì không đủ tiền ăn thêm bữa. Nó mệt nhoài trong đêm đi làm rửa chén bát kiếm thêm bù tiền học. Nó phân vân khi một kẻ nào đó chìa nắm tiền trước mặt, bảo nó hãy đổi lấy phần nào đó của cơ thể, vì món tiền mà mẹ sẽ phải nai lưng mấy tháng trời trên đồng cũng không đủ. Nó đứng ngẩn ngơ ngoài phòng giáo vụ khi cái công bố nếu muốn vào phòng thi phải đóng đủ học phí. Ở tuổi trẻ lem luốc, đêm mất ngủ có khi trằn trọc vì hoang mang không biết liệu mình kiếm sống cách nào hay khi nào có thể nuôi em thay cha mẹ.

Rồi những đêm muộn nằm ngủ trên gác, một ai đó gợi ý mai đi hội sách, bảo tàng, triển lãm, những đứa trẻ ấy đầu tiên chùn chân với câu hỏi ám ảnh từ ngày còn bé : “có tốn nhiều tiền không”.

Có những bạn suốt thời đại học không bước chân vào một trung tâm văn hóa nào, không bao giờ đến một chốn vui chơi của người trẻ, cũng không biết Sài Gòn có tồn tại hội sách, tủ sách, triển lãm ảnh, triển lãm tranh... miễn phí.

Nỗi sợ của tiền vây bủa bàn chân, không cho nó bước ra ngoài lệch đi một nhịp so với nhiệm vụ ban đầu. Nhiệm vụ của chúng lên thành phố là học để đổi đời. Giấc mơ bị chặn lại bởi hàng rào của sự "không dám".

Một thế giới lớn lên bởi ám ảnh tiền, xoay quanh quỹ đạo của tiền và tự hủy hoại bằng tiền.

Trường học trở thành cứu cánh duy nhất và lối thoát duy nhất. Niềm tin vô lý ấy sững sờ và rõ ràng nhất trên bàn tay bố mẹ nghèo, quyết bán con bò cuối cùng, bán mảnh đất, chiếc xe máy tài sản duy nhất, để lót đỡ chặng đại học đầu tiên mà đứa con đi. Trường đại học là một canh bạc đổi bằng tuổi xuân và tất cả tài sản gia đình.

Hàng chục ngàn người trẻ mỗi năm lao vào giảng đường, mắt đau đáu kiếm tìm một cây cần câu cơm, hi vọng nó thình lình hiện ra đâu đó ở xó lớp.

Tuổi trẻ lem luốc sớm cất các giấc mơ vào ngăn kéo, nhường chỗ cho câu hỏi phũ phàng: nghề này có kiếm được tiền không? Nghề kia ít tiền mà cực lắm... Có những em sinh viên ngây thơ trả lời: "Em nghe nghề này dễ kiếm việc, lương cao nên thi," em không biết ngành sắp học để làm gì.

Bị xoay trong quỹ đạo của tiền, trường đại học cũng quên mất chức vụ của nó. Ngôi trường cung cấp kiến thức, sách, tri thức, bài giảng. Nó không bán được cần câu cơm.

Nhưng biết các "khách hàng" cần mua cần câu, những ông hiệu trưởng tham tiền chào bán khoá học giúp người trẻ sẽ có việc nhẹ lương cao sau khi ra trường.

Đại học chỉ có thể đưa tri thức và chỉ dẫn người học tìm kiếm tri thức. Hi vọng là, nhờ tri thức đó, người học có nhiều chọn lựa và kỹ thuật hơn cho sự nghiệp. Nó không đảm bảo tri thức hoá thành cần câu tiền.

Giảng viên và mớ bài nghiên cứu khoa học không đủ sức tạo ra tiền. Đem cân một mớ sách vở để có nhiều tiền là một ảo tưởng mù loà, một sự thơ ngây đau xót không biết ai đã tiêm vào tâm trí người nghèo nông thôn.

tuoi tre lem luoc tuoitrelemluoc tam eva 1465557110 width500height282
Lời than phiền không chứng minh xã hội từ chối lao động có chất xám, nó chứng minh một chọn lựa nhầm lẫn từ gốc câu chuyện đứa bé nhận học bổng mà tôi phỏng vấn ở đầu bài: Học giỏi = kiếm nhiều tiền. (ảnh minh họa, nguồn internet)

Ảo tưởng đó là tội lỗi. Nó gầy dựng lòng tham thực dụng của người trẻ trước khi chúng nhìn thấy giá trị bản thân. Nó xoay người học quanh tiền chứ không phải quanh tri thức. Nó nhấn chìm những kỳ vọng khác và vẽ ra viễn cảnh lý tưởng duy nhất của một người học: là tiền. Nó làm méo mó người giảng viên, biến họ thành kẻ thực dụng và tàn bạo không kém học trò.

Nhà làm giáo dục hẳn bối rối khôn nguôi, bởi họ không thể giúp ai vẽ ra tiền bằng tri thức. Trong khi đó, hàng trăm ánh mắt non trẻ hau háu dưới giảng đường kia chỉ tìm kiếm một thứ duy nhất: cần câu cơm ở đâu?

Trước tuổi trẻ lem luốc đó, trường đại học mù loà mất. Chức năng khơi mở tri thức của nó đã bị đồng hoá với trách nhiệm tạo ra những kẻ kiếm tiền, để thoả mãn câu trả lời thơ ngây từ tấm bé: "Học giỏi lớn lên mới kiếm được tiền".

Rồi trước tương lai, ta thấy giọt nước mắt thẫn thờ của những cử nhân thất nghiệp, chuyển sang làm công nhân, không cam tâm với nhầm lẫn mình đã chọn và tấm bằng đáng giá ngàn vàng. Một thạc sĩ cộng thêm tấm bằng cử nhân nói lương của chị thua một đứa sinh viên năm 4.

Lời than phiền không chứng minh xã hội từ chối lao động có chất xám, nó chứng minh một chọn lựa nhầm lẫn từ gốc câu chuyện đứa bé nhận học bổng mà tôi phỏng vấn ở đầu bài: Học giỏi = kiếm nhiều tiền.

Nhưng làm gì được đây? - Khi những đứa trẻ bước lên giảng đường vẫn đắn đo với áo cũ và vai gầy, tóc cháy và bàn chân lội ruộng. Chúng đau đáu nghĩa vụ ở một vùng quê xa tít mù nào đó trong tim từ tấm bé.

Tuổi trẻ lem luốc ấy không hề có lỗi.

Tác giả bài viết: Khải Đơn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP