Trong nước

Từng lãnh đạo, đảng viên tự soi, tự sửa lại mình

Việc kiểm điểm, tự phê bình, phê bình và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm để các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và từng cá nhân tự soi, tự sửa lại mình.

Ban Tổ chức TƯ vừa ban hành hướng dẫn số 16 về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Hướng dẫn này nhằm kiểm điểm, tự phê bình, phê bình và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm để các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và từng cá nhân tự soi, tự sửa lại mình.

Từ đó đề ra chủ trương, giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ.

Đây cũng là căn cứ để thực hiện các nội dung về công tác cán bộ; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.

Đối tượng kiểm điểm, hướng dẫn quy định rõ cả ở TƯ và địa phương. Trong đó có Bộ Chính trị, Ban Bí thư; ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương; đoàn ĐBQH, tập thể thường trực HĐND, tập thể lãnh đạo UBND các cấp…

Đối với cá nhân, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình được áp dụng đối với đảng viên trong toàn Đảng (trừ đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt đảng); cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Đối với đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ngoài kiểm điểm ở chi bộ nơi sinh hoạt thì các uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng kiểm điểm trước tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư; trước tập thể lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị mà mình là thành viên.

Các ủy viên chính thức và dự khuyết BCH TƯ kiểm điểm trước ban thường vụ cấp ủy mà mình tham gia; ban cán sự đảng, đảng đoàn hoặc tập thể lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị mà mình là thành viên…

Đảng viên giữ từ 3 chức vụ lãnh đạo, quản lý trở lên, ngoài kiểm điểm ở các nơi nêu trên, có thể kiểm điểm ở nơi khác do cấp có thẩm quyền quyết định.

Khắc phục tình trạng nể nang, né tránh

Hướng dẫn cũng nêu hàng loạt nội dung kiểm điểm đối với tập thể lãnh đạo, quản lý. Đó là việc quán triệt, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận của cấp trên.

Việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng là một trong những nội dung quan trọng trong kiểm điểm…

Còn các đảng viên sẽ kiểm điểm các nội dung về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong, lề lối làm việc. Trong đó, hướng dẫn nêu rõ nội dung kiểm điểm về tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu sửa chữa khuyết điểm và đấu tranh với các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…

Đối với cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý nội dung kiểm điểm ngoài những nội dung như của kiểm điểm đảng viên còn phải kiểm điểm sâu sắc các nội dung khác. Cụ thể như kết quả về lãnh đạo, quản lý, điều hành; ý thức đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cơ hội, vụ lợi; việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.

Hướng dẫn cũng nhấn mạnh, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm.

Trong kiểm điểm phải khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng phải kiên quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; nhận diện, xác định rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình là cơ sở để đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý hàng năm theo 4 mức: hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ.

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP