Trong nước

Từ khát vọng độc lập tự do đến khát vọng đất nước phồn vinh

Khát vọng độc lập tự do của một quốc gia là khát vọng muôn đời. Còn khát vọng đất nước phồn vinh chỉ khi quốc gia đó giành được độc lập tự do và xây dựng xã hội mới.

Lịch sử Việt Nam đã trải qua nhiều bước thăng trầm. Kể từ khi các Vua Hùng dựng nước, dân tộc ta được sống trong độc lập tự do hàng nghìn năm. Cũng từ đây, thời đại các Vua Hùng đã xây dựng được nền móng vững chắc cho đất nước Việt Nam sau này. Sau thời kỳ Hùng Vương, An Dương Vương, đất nước ta chìm đắm trong vòng nô lệ của các triều đại phong kiến phương Bắc kéo dài hơn 1000 năm. Tuy nhiên, khát vọng độc lập của dân ta không lúc nào ngơi nghỉ.

Không chịu khuất phục trước kẻ thù, rất nhiều cuộc khởi nghĩa của các tầng lớp quần chúng đã nổ ra, quyết đấu tranh để giành lại độc lập tự do. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã bị kẻ thù dìm trong bể máu. Cho đến thế kỷ thứ X, Đại Việt mới chính thức giành được độc lập và xây dựng chế độ phong kiến tự chủ. Trải qua các triều đại Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần - Lê - Nguyễn, nước ta đã có cuộc sống thanh bình. Là quốc gia nhỏ bé bên cạnh nước lớn, kẻ thù không để cho ta yên ổn. Nhiều cuộc xâm lăng buộc dân ta phải tiếp tục đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Điển hình là các cuộc kháng chiến chống Tống, Nguyên, Minh, Thanh đã thể hiện ý chí và tinh thần quả cảm của cả dân tộc cùng sát cánh bên nhau chiến đấu bảo vệ nền độc lập.

Giữa thế kỷ thứ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, triều đình nhà Nguyễn từng bước đầu hàng, Việt Nam lại rơi vào vòng nô lệ. Mặc dù triều đình nhà Nguyễn đã đầu hàng giặc, phong trào yêu nước chống Pháp vẫn diễn ra sôi nổi từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ thứ XX. Do thiếu đường lối lãnh đạo đúng đắn, nên các cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong giai đoạn này đều thất bại.

Tổng Bí thư khẳng định toàn Đảng, toàn dân đã phát huy được tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu rất quan trọng. Ảnh: TTXVN.

Với khát vọng giành được độc lập, tự do cho Tổ quốc, Nguyễn Tất Thành ra đi mà không ngờ hành trình kéo dài 30 năm ở nước ngoài mới tìm con đường cứu nước. Yêu nước bằng chí lớn, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp cận được những quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, từ đó Người hướng về Tổ quốc. Để có một tổ chức lãnh đạo phong trào cách mạng, Người đã tập hợp được những thanh niên ưu tú đấu tranh cho độc lập tự do, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Từ đó đề ra đường lối đấu tranh cho cả dân tộc, quyết giành cho được độc lập tự do!

Trải qua quá trình đấu tranh gian khổ, từng bước xây dựng lực lượng cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có đội ngũ những người Cộng sản dám hy sinh, xả thân để đấu tranh cho độc lập tự do. Lực lượng cách mạng được xây dựng khắp nơi trong cả nước ngày càng lớn mạnh, là chỗ dựa vững chắc cho Đảng. Khi thời cơ đến, lúc lực lượng phát xít đã đầu hàng phe Đồng Minh, đồng minh, Hồ Chủ tịch kêu gọi tổng khởi nghĩa toàn quốc. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công nhanh chóng. Chính quyền cách mạng đã được thiết lập trong phạm vi cả nước.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước hàng vạn đồng bào, tuyên bố với nhân dân cả nước và cả thế giới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - một nước Việt Nam mới do nhân dân lao động làm chủ.

Độc lập tự do của đất nước đã trở thành hiện thực. Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã đem lại khát vọng độc lập tự do cho nhân dân cả nước. Đây là sự kiện chính trị trọng đại, bước ngoặt trong lịch sử dân tộc. Vẫn là khát vọng độc lập tự do, nhưng khác biệt ở chỗ, so với các cuộc đấu tranh thời phong kiến, thì đây là lần đầu tiên nhân dân lao động được đứng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã lập lên Nhà nước do nhân dân, vì nhân dân, hạnh phúc lớn của cả dân tộc. Song kẻ thù lại câu kết với nhau tìm mọi cách để thiêu cháy khát vọng của dân tộc ta.

Thực dân Pháp được quân đội Anh giúp sức quay trở lại xâm lược nước ta. ĐCSVN lại lãnh đạo quân và dân ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. 9 năm chiến đấu gian khổ, hy sinh của đồng bào, đồng chí, chúng ta cũng chỉ mới giành được độc lập tự do cho một nửa đất nước. Miền Bắc được sống trong hòa bình, tiến hành xây dựng CNXH, còn miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh gian khổ với đế quốc Mỹ để giành lại độc lập tự do. Trải qua hơn 20 năm đương đầu với kẻ thù hùng mạnh, nhân dân miền Nam phải trực tiếp cầm súng chiến đấu; miền Bắc trở thành hậu phương lớn vừa phải chống chiến tranh phá hoại, vừa cung cấp sức người sức của cho tiền tuyến. Với quyết tâm sắt đá và tinh thần đoàn kết của cả dân tộc, Đảng ta đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân kháng chiến và chiến thắng kẻ thù, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khát vọng hòa bình, thống nhất non sông đã được trọn vẹn.

Từ sau năm 1975, kẻ thù vẫn không để cho nhân dân ta yên ổn làm ăn và xây dựng đất nước. Ở hai đầu biên giới, chúng phát động cuộc chiến tranh chống phá, đồng thời các thế lực thù địch còn cấu kết với nhau bao vây, cấm vận hòng bóp nghẹt kinh tế của chúng ta. Đảng và quân dân ta lại phải đứng lên chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc - là thành quả cách mạng.

Tổng Bí thư: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Năm 1986, Đại hội Đảng lần thứ VI đã khởi xướng sự nghiệp đổi mới. Từ đó, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế và trí tuệ của toàn xã hội để xây dựng đất nước với mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh! Chỉ trong thời gian hơn 30 năm từ khi ĐCSVN khởi xướng sự nghiệp đổi mới - với khát vọng đất nước phồn vinh, cả dân tộc đã chuyển mình, kinh tế phát triển, chính trị - xã hội ổn định, đời sống của nhân dân cả nước không ngừng được nâng lên. Vị thế của quốc gia, dân tộc ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta…”.

Trong điều kiện hòa bình, ổn định chính trị, kinh tế - xã hội của cả nước ngày càng phát triển, quan hệ quốc tế mở rộng - điều kiện thuận lợi để đưa ra những mục tiêu phấn đấu cho chặng đường tiếp theo. Đến năm 2045, khi cách mạng và Nhà nước ta tròn 100 tuổi, khát vọng lớn của cả dân tộc là Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia phát triển phồn vinh. Tại Đại hội XIII của Đảng, đã nêu lên mục tiêu chiến lược là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Hy vọng, đến lúc đó, Việt Nam sẽ phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu, quốc gia dân tộc sẽ hưng thịnh. Muốn làm được điều đó, đòi hỏi Đảng ta phải kiên định mục tiêu phấn đấu, động viên được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đem hết tinh thần, sức lực, trí tuệ để xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời không ngừng xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Mọi sự thành công phải có sự chung tay của toàn xã hội, như chân lý mà Lãnh tụ Hồ Chí Minh từng nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!”.

Ths. NGUYỄN TIẾN KHÔI

Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Phú Thọ

Nguyên Giám đốc Khu Di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng.

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP