Kinh tế

Từ hôm nay, không phải nộp phạt vi phạm xây dựng rồi... "đâu lại vào đấy"

Kể từ ngày 15/1/2018, chủ đầu tư các công trình vi phạm về trật tự xây dựng ngoài việc nộp phạt thì còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm.

Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2018. Với Nghị định này, ở các vấn đề liên quan đến nhà ở, kinh doanh bất động sản thì nếu công trình xây dựng trái phép sẽ không còn được nộp lợi bất hợp pháp để khỏi tháo dỡ như tình trạng "chạy thuốc" lâu nay. Thay vào đó, chủ đầu tư các công trình vi phạm về trật tự xây dựng ngoài việc nộp phạt thì còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm.

Trường hợp việc xây sai phép, không phép đang được thực hiện, chủ đầu tư có 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm để xin điều chỉnh hoặc cấp mới giấy phép xây dựng. Hết thời hạn này mà không xuất trình được giấy phép xây dựng phù hợp thì phải tháo dỡ phần vi phạm.

Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2018

Tuy nhiên, những công trình xây sai phép, không phép đã kết thúc việc xây dựng trước ngày 15/1/2018 (ngay cả khi đã có quyết định cưỡng chế phá dỡ nhưng chưa thực hiện) và đáp ứng được một số điều kiện theo quy định thì vẫn được cho nộp số lợi bất hợp pháp tính theo tỉ lệ giá trị phần vi phạm để khỏi tháo dỡ phần diện tích vi phạm. Riêng đối với nhà ở riêng lẻ thuộc trường hợp này thì chủ nhà không phải nộp lại số lợi bất hợp pháp tính theo tỉ lệ giá trị phần xây dựng sai phép, không phép.

Đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, điều 57, khoản 3 Nghị định 139 quy định phạt tiền từ 250-300 triệu đồng đối với một trong các hành vi kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không bảo đảm đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định; kinh doanh bất động sản không đúng phạm vi được kinh doanh theo quy định; ủy quyền hoặc giao cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh hoặc góp vốn thực hiện ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê bất động sản.

Ngoài phạt tiền, sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản đến 12 tháng.

Nếu chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung hoặc tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần diện tích không phải để ở trong nhà chung cư có mục đích hỗn hợp; tính diện tích căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư thuộc sở hữu riêng sai quy định; không bố trí diện tích để làm nhà sinh hoạt cộng đồng theo quy định, sẽ bị phạt 250-300 triệu đồng và yêu cầu khắc phục. Thậm chí, căn hộ đã ở nhưng xảy ra thấm, dột mà chủ đầu tư không chịu hỗ trợ khắc phục cũng bị phạt từ 10-20 triệu đồng. Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao, bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ hoặc bàn giao không đúng đối tượng nhận kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư; không tổ chức hội nghị nhà chung cư cũng bị phạt 100-150 triệu đồng.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, bình quân mỗi năm thành phố phát triển 8 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở, trong năm 2017 toàn thành phố cấp 58.000 giấy phép xây dựng, trong đó phần lớn là giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ.

Tại hội nghị triển khai Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho rằng, để đảm bảo trật tự xây dựng trên địa bàn đi vào nền nếp và quy củ, cần tăng cường lực lượng về cho các địa phương. Theo đó, Sở Xây dựng đề xuất điều chuyển 85% lực lượng thanh tra xây dựng phụ trách địa bàn (gần 800 người) về các quận huyện, phường xã.

Tác giả: Công Quang

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP