Giáo dục

"Tự chủ không chỉ là tiền mà trước tiên phải tự chủ trong suy nghĩ”

Ngày 5/12, Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng đã đến thăm và làm việc với trường ĐH Sài Gòn. Nhắn nhủ với lãnh đạo nhà trường, Bí thư Thăng cho rằng nhà trường phải mạnh dạn thay đổi tư duy quản trị, đừng ỷ lại và dựa dẫm vào ngân sách của thành phố.

Mỗi năm trường được cấp cho khoảng 180 tỷ đồng
Bí thư Thành uỷ TPHCM thăm một lớp học tại trường ĐH Sài Gòn sáng nay
Báo cáo quá trình phát triển của trường, PGS-TS Phạm Hoàng Quân - Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn cho biết, trường được thành lập từ năm 2007 trên cơ sở nâng cấp từ Trường CĐ Sư phạm TPHCM. Qua 9 năm phát triển, đến nay trường có 1 cơ sở chính và 4 cơ sở trực thuộc với 20 khoa, đào tạo 33 ngành đại học, 11 chuyên ngành thạc sĩ, 20 ngành cao đẳng thuộc các lĩnh vực: sư phạm, kinh tế - kỹ thuật, công nghệ, văn hóa - xã hội, chính trị, luật. Quy mô đào tạo hiện nay của trường là 12.497 sinh viên (trong đó ĐH 11.330, CĐ:1.167 với tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm từ 82-84%. Tổng số cán bộ, giảng viên của trường là 766 người, trong đó PGS chiếm 3,2%, tiến sĩ 26,3%, thạc sĩ 65,5%, cử nhân và nghiên cứu sinh chiếm 36,1%. Theo ông Quân, mỗi năm thành phố cấp cho trường khoảng 180 tỷ đồng.

Dịp này, ông Phạm Hoàng Quân đưa ra kiến nghị với lãnh đạo Thành ủy. Cụ thể, trường đề nghị cho xây lại hội trường phục vụ hoạt động dạy học; cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương của trường hơn 100 tỉ đồng để đầu tư phòng thí nghiệm thực hành; tăng định mức đầu tư sinh viên; có cơ chế cho giảng viên tiếp cận với ĐH các nước phát triển; mong thành phố chỉ đạo kịp thời để dự án xây dựng trường tại huyện Bình Chánh được triển khai sớm; dời trạm xe buýt trước công trường để đảm bảo an toàn giao thông.

Theo bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, trường ĐH Sài Gòn là một trường đại học đa ngành nhưng tiền thân là Cao đẳng Sư phạm TPHCM, vì vậy mong muốn thời gian tới, trường tiếp tục quan tâm các chương trình đào tạo để bổ sung đội ngũ giáo viên cho TPHCM, nhất là những bậc học TP còn thiếu giáo viên. Bên cạnh đó, trường tập trung đào tạo cho những lĩnh vực khác xã hội đang có nhu cầu.

Bà Nguyễn Thị Thu- Phó chủ tịch UBND TPHCM phát biểu trong buổi làm việc với trường ĐH Sài Gòn
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu cho rằng, hiện nay, ít nhất 50% trong số 7 chương trình đột phá của TP có liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của trường. Vì vậy, trong quá trình đào tạo, trường cần bám sát các chương trình đột phá của thành phố. Đồng thời trường cần chủ động tham mưu cho lãnh đạo thành phố trong thực hiện các chương trình đột phá này.

Phải mạnh dạn tự chủ

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Đinh La Thăng đề nghị trường cần quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo gắn với yêu cầu CNH-HĐH, nền kinh tế thị trường XHCN và hội nhập.

Bí thư Đinh La Thăng cho rằng nhà trường nên mạnh dạn tự chủ và đừng ỷ lại vào ngân sách thành phố
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng nhà trường phải xây dựng chiến lược phát triển trường, lưu ý có lộ trình tự chủ, tiến tới xã hội hoá. “Cần nhấn mạnh tự chủ và xã hội hoá nhưng phải gắn với nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ 10. Muốn làm được điều đó thì nhà trường phải thay đổi tư duy, trước hết là không phải sợ mỗi khi nhắc tới tự chủ. Trường lo cơ sở vật chất còn yếu kém nhưng càng khó khăn thì phải càng cố gắng, phải có khát vọng tự chủ vươn lên. Phải thực hiện có lộ trình và các giải pháp thực hiện trong đó nêu được cụ thể thành phố lo gì và bản thân trường lo gì?”, ông Thăng nói.

Nói thêm về tự chủ, Bí thư Thăng nhấn mạnh việc tự chủ là để chất lượng, để lương bổng của đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên được nâng lên. “Cũng như chuyện bơi, “nếu không xuống nước thì làm sao biết bơi được”, phải mạnh dạn và đồng thời xây dựng lộ trình tự chủ cụ thể. Chứ trong tình cảnh ngân sách hiện nay, trường đòi đầu tư cái này cái khác sẽ rất khó”, ông Thăng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần tăng cường gắn kết giữa nhà trường và thành phố, hiện nay mối quan hệ này có nhưng chưa thực sự gắn kết. Trường phải phối hợp với Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT và cơ quan liên quan để có được số liệu về nhu cầu nhân lực trên địa bàn, gắn kết với doanh nghiệp trong thành phố. Đặc biệt trường phải chủ động tham gia vào 7 chương trình đột phá của thành phố, phải tự giới thiệu năng lực của mình chứ cứ với tư duy ngồi chờ đợi đặt hàng thì không thể.

Ngoài ra, trường cần quan tâm đến an ninh tư tưởng sinh viên và giảng viên, đặc biệt là trong bối cảnh an ninh quốc phòng hiện nay. Muốn vậy phải nâng cao chất lượng, vai trò của các hoạt động đoàn thể. “Trường phải xây dựng mục tiêu và giải pháp cụ thể, đặc biệt là thay đổi tư duy, không ỷ lại dựa vào ngân sách thành phố”, Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị.

Cuối buổi làm việc, ông Thăng cũng góp ý thêm với trường: “Qua buổi thăm thực tế trường, tôi thấy phòng máy tính quá nhếch nhác, nhà vệ sinh cũng dơ quá, sân trường toàn kẹo cao su… Nhà trường cần phải sạch sẽ hơn, có thể cơ sở vật chất chưa tốt nhưng trước hết phải sạch”.

Tác giả bài viết: Lê Phương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP