Giáo dục

Tự chủ đại học: Khi “bầu sữa” ngân sách bị cắt thì phải làm sao?

Khi nguồn ngân sách bị cắt, nhà trường cũng sẽ tính đến chuyện tinh giảm bộ máy phục vụ không cần thiết, mở các mã nghành đào tạo theo nhu cầu xã hội.

PGS.TS Trần Đình Khôi Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho rằng, nhiều trường “ngại” tự chủ vì sợ mất nguồn tiền ngân sách cấp về hàng năm.

2 năm đầu đầy khó khăn, thách thức

Là trường Đại học đầu tiên của miền Trung được Chính phủ đồng ý cho đổi mới, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Đại học Kinh tế Đà Nẵng sẽ phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn.

Trong đó, việc “bầu sữa” ngân sách bị cắt sẽ khiến nhà trường phải tính toán, cơ cấu lại bộ máy hoạt động, chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất…

tuchudaihoch1
Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng sẽ tìm kiếm thêm nhiều nguồn thu khác sau khi "bầu sữa ngân sách" bị cắt. Ản: An Nguyên

Hàng năm, nhà nước cung cấp khoảng 20 tỷ đồng để nhà trường chi thường xuyên, trong đó chủ yếu dùng để trả lương cán bộ, giảng viên.

Ngoài ra, Trường cũng có thêm nguồn thu học phí nhưng thực ra các nguồn lực đó cũng không đủ để đổi mới cơ sở vật chất – thầy Nguyên phân tích.

“Mỗi năm trượt giá tăng cao thì nhà nước cũng không cấp bù. Bây giờ, qua cơ chế tự chủ thì nhà nước cắt hết, như vậy trường phải tự lo, tự quản lý, tiết kiệm chi phí để tăng nguồn dự trữ tài chính nhằm tái đầu tư hiệu quả”.

Thầy Nguyên nói thêm, nếu mình nói đổi mới chương trình đào tạo nhưng không có phương tiện, cơ sở vật chất đi kèm thì cũng rất khó để đổi mới đại học.

Chưa kể khi làm việc, hợp tác với các dự án nước ngoài thì cần phải có sự chia sẻ nguồn lực (đóng góp về vật chất).

Chính những khó khăn phải đối mặt khi mất “nguồn sữa” ngân sách khiến nhiều trường Đại học, Cao đẳng hiện nay không thích tự chủ mà sống lệ thuộc vào nguồn kinh phí này.

Thầy Nguyên cũng đưa ra dự báo, trong 2 năm đầu thực hiện tự chủ, nhà trường sẽ rất khó khăn.

“Vì nhà nước cắt hết tiền nên trường phải cân nhắc, tiết kiệm để làm sao sử dụng nguồn lực tài chính hiệu quả nhất”.

Tìm kiếm nguồn thu

Ngoài nguồn thu học phí thì Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng còn xây dựng nguồn lực tài chính từ một loạt “dự án” khác.

Trong đó chủ yếu là nguồn kinh phí từ hợp tác quốc tế, thực hiện các hợp đồng nghiên cứu khoa học với các địa phương và doanh nghiệp, các dịch vụ hỗ trợ khác cho cộng đồng…

“Trường Đại học kinh tế có nhiều dự án như thế này như tạo ra những ý tưởng trong quản lý, quản trị kinh tế.

Điển hình như dự án nuôi giun đất ở Ireland để cung cấp cho gia súc, gia cầm ăn, tránh trường hợp sử dụng kháng sinh.

Ngoài ra, Trường còn làm các hợp đồng đào tạo ngắn hạn như: huấn luyện nhân viên cho các ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh....” thầy Nguyên cho biết.

“Nguồn ngân sách cung cấp không đủ để nhà trường trang trãi các chi phí, đầu tư cơ sở vật chất.

Để có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại nhằm phục vụ việc dạy học hiệu quả thì nhà trường phải lấy từ các nguồn tài chính dự trữ.

Nhưng nó chỉ dạng cầm chừng, không thể bùng nổ được. Việc đầu tư chậm, rất khó vươn kịp các nước phát triển”.

Bên cạnh đó, các dự án hợp tác với nước ngoài (tổ chức phi chính phủ) cũng mang đến cho trường một nguồn lực tài chính dồi dào hơn.

Theo thầy Nguyên, sau hai năm, nguồn tích lũy tài chính dần tăng lên thì nhà Trường sẽ bắt đầu có kinh phí để đầu tư mạnh về trường học, cơ sở máy móc, mời giảng viên nước ngoài về giảng dạy.

“Mình cũng tính đến chuyện tinh giảm bộ máy phục vụ không cần thiết để tiến tới nâng cao năng suất, hiệu quả công việc”.

Thầy Nguyên nói thêm: "Nếu như trước đây, trường nhận ngân sách để chi trả cho một bộ máy cồng kềnh, tốn kém nhiều chi phí thì giờ sẽ cắt bỏ. Bộ máy nhà trường sẽ gọn nhẹ nhưng hoạt động năng suất, hiệu quả hơn".

Tác giả bài viết: An Nguyên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP