Ông Phan Nam - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Huế trao đổi với phóng viên. |
Tháng 4/2017, UBND TP Huế đã có văn bản chỉ đạo Phòng GD&ĐT, Phòng Tài chính Kế hoạch và Phòng Nội vụ “Xây dựng đề án thí điểm thực hiện tự chủ tài chính một phần và toàn bộ đối với một số trường học trên địa bàn, nhất là các trường trọng điểm ở trung tâm thành phố có nhiều học sinh trái tuyến”. Phương án sẽ thực hiện ở các trường từ Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở.
Khi có chủ trương, Phòng GD&ĐT phối hợp với Phòng Tài chính Kế hoạch, Nội vụ tổ chức họp bàn và đã thống nhất sẽ thu tiền 100% trường hợp có nhu cầu học trái tuyến ở cả ba cấp học, với mức thu dự định từ 5-15 triệu đồng/suất. Ban đầu dự định thu 11 trường, trong đó 3 trường Mầm non, 4 trường Tiểu học và 4 trường Trung học cơ sở. Thu ở những phường trung tâm từ 10-15 triệu đồng, các phường còn lại sẽ thấp hơn. Quá trình tuyển đầu vào cũng có hạn định, trong đó ưu tiên cho con em chính sách...
Ông Phan Nam cho biết, xuất phát từ thực tế, những năm qua dự luận đã có thông tin mỗi phụ huynh có con em vào học trái tuyến phải chi từ 20-30 triệu đồng để “chạy” trường. Qua đó, UBND TP mới có chủ trương. Tại cuộc họp chiều 16/5 giữa các phòng ban liên quan và lãnh đạo UBND TP đã trao đổi, nghiên cứu, những các căn cứ cơ sở pháp lý không có, nên việc thu tiền trái tuyến rất khó thực hiện. Lãnh đạo thành phố không thể nào ký văn bản cho thu được.
Mục đính thu tiền trái tuyến nhằm để hạn chế tối đa về học trái tuyến. Khi chủ trường cho thu tiền trái tuyến, các phụ huynh có tiền đều lựa chọn trường tốt để cho con theo học. Nếu không tính toán kỹ, khi nhu cầu lên quá cao thì nguy cơ dẫn đến tiêu cực và người dân có thể sẽ tốn tiền nhiều hơn vì phải chạy ngược chạy xuôi. Thành phố chưa khẳng định thu hay không thu, nên tiếp tục nghiên cứu để có phương án phù hợp hơn mới tiến hành thu. Hàng năm số học sinh trái tuyến rải đều ở tất các các trường từ 5-10 em. Ở trên địa bàn thành phố có khoảng từ 500-700 em học trái tuyến, ông Phan Nam cho biết thêm.
Tác giả: Trí Đức
Nguồn tin: Báo Xây Dựng