Kinh tế

Truy thu hàng trăm tỷ đồng thuế từ chuyển giá

Trong 9 tháng đầu năm nay, Tổng Cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết đã thanh tra 217 doanh nghiệp, trong đó, truy thu và phạt 575 tỷ đồng tại các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

(Ảnh minh hoạ).

Trao đổi với báo chí mới đây về kết quả thanh tra, kiểm tra thuế đối các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, ông Phạm Ngọc Lai, Quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, toàn ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 217 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết.

Đồng thời, truy thu, truy hoàn và phạt 575,75 tỷ đồng; giảm lỗ 2.635,91 tỷ đồng; giảm khấu trừ 15,5 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.811,17 tỷ đồng.

Trong đó, thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 256,21 tỷ đồng, giảm lỗ 1.888,03 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1,748,67 tỷ đồng.

Ông Lai cho biết thêm, hiện nay khó khăn nhất trong chống chuyển giá là thời gian thực hiện thanh tra đối với các giao dịch liên kết quá ngắn.

“Theo quy định Luật Thanh tra, Luật Quản lý thuế, thực hiện thanh tra 45 ngày và kéo dài không quá 70 ngày. Trong khi, trên thế giới hiện nay, việc thanh tra chống chuyển giá kéo dài 575 ngày. Chính việc hạn chế về thời gian và nhân sự nên công tác chống chuyển giá tại Việt Nam gặp những khó khăn nhất định”, ông Lai nhấn mạnh.

Còn theo ông Trần Huy Trường - Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, hiện nay công tác thanh tra, kiểm tra thuế đã được nâng cao đáng kể. Các cuộc thanh tra đảm bảo thực hiện theo đúng Luật Thanh tra. Công tác thanh tra, kiểm tra thuế là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm tăng cường hiệu quả công tác thu ngân sách NN đảm bảo việc truy thu đúng, thu đủ theo pháp luật.

"Để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và sát với định hướng, yêu cầu quản lý của ngành", ông Trường cho biết.

Liên quan tới chuyển giá, một báo cáo trước đó của Oxfam Việt Nam cho biết, Việt Nam có thể mất một nửa FDI vì thiên đường thuế. Cụ thể, tổ chức này nhận định Việt Nam cùng nhiều nước nghèo thất thoát hơn 170 tỷ USD/năm vì hoạt động tránh thuế của các doanh nghiệp.

chuyên gia Oxfam phân tích, nhờ các thiên đường thuế nên các công ty đa quốc gia có thể chỉ phải trích 5% lợi nhuận của mình cho các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp có nghĩa vụ chi trả.

Theo đó, thay vì việc phải chi trả phần thuế có nghĩa vụ phải trả tại những nơi diễn ra các hoạt động thực tế (như ở Việt Nam là 20-25%) thì những công ty này lại ngụy tạo việc chuyển lợi nhuận đến các thiên đường thuế. Tại đây, họ chỉ phải chi trả thuế suất dưới 1%, thậm chí 0% để tránh thuế.

Mức thuế suất thực tế rất thấp của các công ty đa quốc gia chủ yếu thực hiện thông qua chuyển giá, cho vay trong nội bộ tập đoàn, và ghi nhận chi phí tăng tại các tài sản vô hình như quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu, bằng sáng chế...

Bà Susana lấy ví dụ về một chiếc điện thoại được làm ở Việt Nam và xuất bán sang Tây Ban Nha. Ở Việt Nam, giá chiếc điện thoại này được kê khai giá trị là 1 USD, sau đó, được chuyển đến một nước thiên đường thuế dưới dạng giấy tờ và đẩy nguyên giá lên 100 USD.

Song cũng chính chiếc điện thoại này lại được xuất bán ở Tây Ban Nha với mức giá 101 USD - người tiêu dùng ở đây phải trả cho mức giá này nhưng lợi nhuận sinh ra tại Tây Ban Nha chỉ là 1 USD. Sau quá trình trên, chính quyền Việt Nam và Tây Ban Nha chỉ được trả thuế cho 1 USD còn doanh nghiệp bỏ túi 99 USD. Đây chính là một trong những hình thức lách luật để trốn thuế mà hầu hết các tập đoàn lớn đều đang áp dụng.

Điều này thể hiện một phần qua tỉ lệ lợi nhuận/doanh thu của các doanh nghiệp. Tại Tây Ban Nha, lợi nhuận thấp hơn 600% so với doanh thu được ghi nhận. Đây cũng là lý giải cho việc hàng loạt các tập đoàn nước ngoài lớn đang hoạt động tại Việt Nam đều báo lỗ hoặc báo lãi khiêm tốn, tránh thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam.

Tác giả: Phương Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP