Pháp luật

Truy bắt kẻ 'độc nhãn' giết người sau hơn 30 năm

Cùng đồng bọn sát hại chủ quán cơm, cướp chiếc đài cassette, Nguyên bỏ trốn vào Tây Nguyên, ẩn mình trong thân phận mới.

Một buổi tối đầu đông năm 1983, quán bán cơm của vợ chồng anh Cao Hữu Xăm (thôn Ngọc Liễn, xã Đại Hà, huyện Đồ Sơn, Hải Phòng) còn vài thực khách. Lúc đó, có bốn vị khách lạ mặt bước vào quán. Chủ quán chưa kịp mời, thì bị một trong bốn tên rút khẩu súng ngắn chĩa về mình, giật chiếc đài cassette ở góc nhà đưa cho đồng bọn.

Trước khi rút khỏi quán, để đe dọa những người trong quán, tên này bắn một phát súng chỉ thiên. Tiếc của, anh Xăm và một số người đuổi theo. Trong lúc vật lộn với một tên, chủ quán bị bắn và đâm trọng thương. Sau những tiếng súng nổ, thấy nhiều người dân đổ xô ra, nhóm cướp bỏ chạy, song một tên bị bắt.

Kẻ bị bắt là Vũ Ngọc Huy (28 tuổi) khai, thấy anh Xăm có chiếc đài nên nảy sinh ý định cướp. Huy đã bàn với nhóm bạn là Nguyễn Dương Thẹ, Nguyễn Dương Thọ và Nguyễn Văn Nguyên tham gia. Cả bọn mang theo khẩu súng K54 có 7 viên đạn, lê súng AK, kéo nhọn để gây án.

Một thời gian bỏ trốn, sau Huy, Thẹ cũng bị bắt tại miền Nam, riêng Nguyên và Thọ vẫn bỏ trốn. Năm 1984, Huy bị TAND Hải Phòng tuyên phạt tù chung thân tổng cộng các tội Giết người, Cướp tài sản và Tàng trữ vũ khí quân dụng; Thẹ 16 năm tội Giết người và Cướp tài sản.

Hơn 30 năm sau, Công an Hải Phòng lật lại vụ án, truy bắt đồng bọn của Huy và Thẹ. Hồ sơ về nhóm này thiếu cơ bản, song các trinh sát nắm được thông tin Thẹ là em ruột của Thọ.

Xác minh tại quê hương của Thọ và Nguyên, sau khi gây án, cả hai chưa một lần về quê, cũng không có bất cứ mối liên hệ nào. Vụ việc tưởng chừng như bế tắc hoàn toàn thì cảnh sát thu được nguồn tin, sau khi gây án, hai nghi phạm từng có thời gian lẩn trốn ở Quảng Ninh, nơi có gia đình chị gái ruột của Thọ sinh sống.

Tại Quảng Ninh, khi tìm đến nhà chị gái của Thọ, gia đình này cũng đã ly tán, chuyển nhà nhiều nơi.

Hai người đàn ông trung niên Nguyên (trái) và Thọ bị bắt sau hơn 30 năm gây án giết người.

Nhiều ngày quần thảo ở đất mỏ, tung tích về hai tội phạm vẫn biệt tăm, trong khi kinh phí dự trù của hai trinh sát đã cạn kiệt. Trinh sát Phòng truy nã Hải Phòng đã phải xin ở nhờ nhà dân.

Sau nhiều ngày, trinh sát thu được thông tin quan trọng, Thọ và Nguyên được chị gái đưa cho hai chứng minh thư mang tên Bình và Duy. Họ rời khỏi Quảng Ninh, sống ở một tỉnh Tây Nguyên "có cái hồ rất to ở giữa núi".

Tháng 5/2014, khi đến địa phận tỉnh Đăk Lăk, trinh sát đã tìm được một địa danh đúng như miêu tả “có hồ nước rất to ở giữa núi”, đó là xã Eakly, huyện Krông Pắc. Khi rà soát hộ khẩu, trinh sát và công an địa phương này tìm được hai cái tên là Nguyễn Văn Bình và Trần Văn Duy. Riêng với người tên Duy, phần quê quán, ghi là ở Thanh Miện, Hải Dương.

Tại Thanh Miện, Hải Dương, nhóm trinh sát xác nhận, tồn tại một người tên Trần Văn Duy, hiện sinh sống tại địa phương. Người tên Trần Văn Duy cho hay, giai đoạn những năm 80, có đến Quảng Ninh làm công nhân mỏ và mất tập hồ sơ xin việc, trong đó có chứng minh nhân dân.

Trinh sát có niềm tin, kẻ giả mạo anh Duy là một trong hai nghi phạm, song xác minh ở địa phương, người này không vi phạm pháp luật, kinh tế khá giả, con cái thành đạt. Đang loay hoay, trinh sát được lãnh đạo Ban chuyên án cho biết, nghi phạm Nguyên bị chột một mắt, do bị cò mổ từ ngày nhỏ.

Bế tắc trong việc truy bắt được tháo gỡ, trinh sát nhờ chính quyền xã mời Nguyên lên trụ sở làm việc.

Chiều một ngày cuối tháng 5/2014, nghi phạm tới trụ sở công an xã thì trinh sát Hải Phòng xuất hiện. Song ông ta một mực phủ nhận mình là Nguyên, tỏ ra rất nhớ lý lịch về người tên Duy. Tuy nhiên, ông ta không biết rằng, sau thời điểm bị mất hồ sơ, anh Duy có thêm em gái và trong lý lịch chưa ghi. Chân tướng kẻ giả mạo bị lật tẩy.

Nhiệm vụ của tổ trinh sát lúc này chưa hoàn thành, bởi còn Nguyễn Văn Thọ đang lẩn trốn. Suốt thời gian ở Eakly, Thọ chưa một lần trình diện chính quyền địa phương.

Khi trinh sát tiếp cận nhà Thọ, ông ta đã bỏ trốn. Một năm sau, xác định Thọ xuất hiện tại đám giỗ ở nhà, các trinh sát đã tổ chức truy bắt. Trước khi tra tay vào còng số 8, Thọ nói: "Tôi biết sẽ có ngày này rồi. Xin được mặc bộ quần áo".

Nguyên và Thọ khai, sau khi bỏ trốn về Quảng Ninh rồi vào Đăk Lăk, làm tại công trường cà phê 719. Nông trường này giải thể, cả hai được cấp đất và nhập hộ khẩu rồi lập gia đình.

Nguyên và Thọ đã phải nhận bản án 16 năm tù.

Tác giả: Việt Dũng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP