6 tỷ phú Việt trong danh sách Forbes
Tính tới hết ngày 5/3, ông Phạm Nhật Vượng (chủ tịch Vingroup) đứng đầu Việt Nam với 7,8 tỷ USD (số 197 thế giới); bà Nguyễn Thị Phương Thảo VietJet đứng thứ 2 với 2,3 tỷ USD (thứ 1062 thế giới); ông Trần Bá Dương Thaco ở vị trí thứ 3 với 1,7 tỷ USD (thứ 1362 thế giới).
Ông Hồ Hùng Anh cũng có 1,7 tỷ USD nhưng đứng thứ 1349 thế giới. Ông Nguyễn Đăng Quang có 1,3 tỷ USD và đứng thứ 1717 thế giới. Forbes cho biết cả 2 từng kinh doanh hàng tiêu dùng tại Đông Âu, trước khi về nước thành lập Tập đoàn Masan và sau đó đầu tư vào Techcombank. Cả 2 đều là tỷ phú tự thân có 3 con.
|
Ông Nguyên Đăng Quang là tiến sỹ vật lý hạt nhân nhưng thành công trong lĩnh vực kinh doanh. Ông được biết đến là người mang ngành sản xuất mì gói và tương ớt sang Nga. Về Việt Nam, ông Quang thành công hơn với việc xây dựng được một chế hàng tiêu dùng nhanh với nhiều sản phẩm từ mì gói, tương ớt, nước tương,...
Trong khi đó, ông Hồ Hùng Anh cũng được xem cùng với ông Nguyễn Đăng Quang là cặp bài trùng, cũng từng tham gia ở cả trong 2 đế chế Masan và Techcombank. Nhưng gần đây, ông Hồ Hùng Anh rút khỏi Masan để tập trung vào Techcombank theo những quy định riêng của ngành ngân hàng.
Trần Đình Long rớt danh sách tỷ phú Forbes?
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát – người được Forbes đưa vào danh sách năm ngoái không có mặt trong bảng xếp hạng năm nay. Tuy nhiên, trên bảng xếp hạng Real-Time (thời gian thực), tài sản hiện tại của ông Long được Forbes ước tính khoảng 1 tỷ USD.
Thực tế này xuất phát từ quy định trong việc tính toán giá trị tài sản. Theo lý giải của Forbes, để có tên trong danh sách năm nay, phương pháp được tạp chí này lựa chọn để đánh giá quy mô tài sản của một cá nhân là dựa vào giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái tại ngày 8/2/2019.
Nguồn tài sản chính của ông Long được Forbes công nhận đến từ số cổ phần của Hòa Phát đang sở hữu. Theo báo cáo quản trị năm 2018 của doanh nghiệp này, ông Long và người thân đang sở hữu 32,5% vốn của Hòa Phát, trong đó ông Long sở hữu trực tiếp hơn 530 triệu cổ phần (tương đương 25,15%).
|
Tuy nhiên, tại thời điểm Forbes "chốt sổ" tính giá trị tài sản, cổ phiếu HPG trên sàn chứng khoán đang tạo đáy. Chốt phiên giao dịch ngày 1/2 (do ngày 8/2 trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán), cổ phiếu HPG trên sàn HoSE chỉ còn 27.300 đồng, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2017 và giảm hơn 40% so với mức giá 48.000 đồng - thời điểm ông Long được Forbes công nhận là tỷ phú.
Quý bà kín tiếng sau Phạm Nhật Vượng
Bà Phạm Thu Hương dù nắm giữ vị trí quan trọng tại Vingroup và sở hữu khối tài sản khổng lồ nhưng bà Hương vẫn là dấu hỏi lớn với dư luận vì chưa từng xuất hiện trước truyền thông công chúng và cũng không có bất cứ tấm ảnh nào của bà rò rỉ ra ngoài.
Mặc dù kín tiếng nhưng bà Hương được biết đến là phó chủ tịch Vingroup và là nữ doanh nhân giàu có nhất trên thị trường chứng khoán trong khoảng 7 năm, hiện ở vị trí thứ 2 sau nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo, sau khi VietJet lên sàn chứng khoán trong năm 2017.
Hiện tại, tính trên sàn chứng khoán, bà Phạm Thu Hương chỉ xếp sau 5 tỷ phú USD, bao gồm: ông Phạm Nhật Vượng, ông Hồ Hùng Anh, ông Nguyễn Đăng Quang, bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Trần Đình Long.
Sau khi về Việt Nam, bà Hương tiếp tục cùng ông Vượng phát triển kinh doanh với Tập đoàn Vingroup. Bà Hương cùng em gái là Phạm Thúy Hằng giữ 2 vị trí phó chủ tịch, sát cánh cùng ông Vượng trong hàng loạt dự án bất động sản, nghỉ dưỡng,... và giờ là đế chế tư nhân số 1 Việt Nam.
Hoàng Kiều rời danh sách tỷ phú Forbes
Theo danh sách tỷ phú USD 2019 vừa được Forbes vừa công bố, đại gia gốc Việt từng giữ vị trí người Việt giàu nhất thế giới Hoàng Kiều đã không còn là tỷ phú USD. Lần đầu tiên trong 5 năm qua, ông Hoàng Kiều không nằm trong danh sách này.
Tỷ phú Hoàng Kiều từng là người giàu nhanh nhất trong top những tỷ phú mới nổi của Mỹ trong năm 2015 và giàu hơn tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Chỉ trong vòng 2 năm qua, tài sản ông Hoàng Kiều tụt giảm nhanh chóng và mất gần như toàn bộ các danh hiệu gặt hái được trước đó. Đại gia người Mỹ gốc Việt còn lại nhiều tai tiếng, trong đó có những vụ việc liên quan tới cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam. Bên cạnh đó là chuyện ồn ào một thời về mối tình chóng vánh với người đẹp Ngọc Trinh.
Sự suy giảm nhanh chóng của ông Hoàng Kiều bắt đầu từ 2017, khi cổ phiếu của đại gia này tụt giảm nhanh chóng theo bước thụt lùi của chứng khoán Trung Quốc cũng như triển vọng của doanh nghiệp này.
Nữ doanh nhân ảnh hưởng nhất Việt Nam
Forbes Việt Nam đưa vào danh sách một số gương mặt mới như: bà Nguyễn Bạch Diệp (TGĐ FPT Retail); Trần Thị Đào (TGĐ Imepharm); Trần Thị Lâm (chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm); Trần Kim Liên (chủ tịch kiêm TGĐ Vinaseed); Lê Hồng Thủy Tiên (TGĐ IPP)…
|
Trong danh sách có những nữ lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu liên tục có mặt trong các danh sách của Forbes Việt Nam từ trước tới nay, như bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk; bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch REE; bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch PNJ… Điều này thể hiện bản lĩnh, sự bền bỉ cũng như tầm ảnh hưởng lớn của những nữ doanh nhân hàng đầu này.
Một số cái tên đã rất nổi trên thương trường như bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch thường trực HD Bank, Tổng giám đốc Vietjet Air.; Bà Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc công ty cổ phần Thực phẩm NutiFood; bà Lê Minh Trang, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn Satra.
FPT có tổng giám đốc mới
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FPT vừa thông qua việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Khoa - Phó tổng giám đốc FPT vào vị trí tổng giám đốc, thay ông Bùi Quang Ngọc. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 29/3.
Ông Nguyễn Văn Khoa, sinh năm 1977, là một trong những lãnh đạo trẻ của FPT. Ông tham gia vào FPT từ năm 1997 với vai trò đầu tiên là nhân viên triển khai, hỗ trợ kỹ thuật mạng Trí tuệ Việt Nam. Năm 2012, khi mới 35 tuổi, ông Khoa được bổ nhiệm là Tổng giám đốc FPT Telecom, lãnh đạo đội ngũ 14.000 người. Nay làm Tổng giám đốc FPT ông điều hành hệ thống 28.000 người.
|
Dưới sự lãnh đạo của ông, từ 2012-2017, doanh thu FPT Telecom tăng 2,6 lần, lợi nhuận tăng 1,6 lần; nhân sự tăng gần gấp 2 lần và có tỷ lệ đóng góp cao nhất trong lợi nhuận tập đoàn (2012-2016). Hiện FPT Telecom sở hữu hạ tầng Viễn thông, Internet và truyền hình phủ rộng 63/63 tỉnh, thành phố.
Tháng 3/2018, ông được luân chuyển làm Phó Tổng Giám đốc FPT, Tổng Giám đốc Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) trong chương trình quy hoạch và đào tạo đội ngũ lãnh đạo kế cận Tập đoàn FPT.
Trước khi bổ nhiệm này, FPT đã có 1 thời điểm liên tục thay lãnh đạo. Sau khi bổ nhiệm không lâu ông Trường Đình Anh đã từ chức, FPT buộc phải đưa lại ông Bùi Quang Ngọc lên nắm quyền cho đến nay. Hiện ông Trương Đình Anh đã rút hoàn toàn hỏi FPT và sang định cư ở Mỹ.
Đại gia công nghệ bốc hơi nghìn tỷ
Tập đoàn Yeah1 (YEG) vừa có thông báo cho biết đã nhận được thông tin từ YouTube về việc chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung sau ngày 31/3/2019 đối với các công ty đầu tư tài chính/công ty con có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense của Tập đoàn, bao gồm SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC.
Hôm 4/3, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đăng ký mua vào 100.000 cổ phiếu YEG từ 8/3-7/4 với mục đích có thể là nhằm hỗ trợ giá cổ phiếu. Với việc sở hữu 11,3 triệu cổ phiếu YEG, chỉ riêng trong phiên 4/3, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống chứng kiến túi tiền bốc hơi hơn 190 tỷ đồng. So với đỉnh cao ghi nhận hồi giữa tháng 11/2018 hơn 300 ngàn đồng/cp, ông Nhượng Tống mất khoảng 800 tỷ đồng. Còn Yeah1 bốc hơi khoảng 2,3 ngàn tỷ đồng.
Tác giả: Bảo Anh
Nguồn tin: Báo VietNamNet